Lúa mất mùa vì đạo ôn: Người nông dân điêu đứng

Thứ tư - 07/06/2017 05:40
Nét mặt buồn rầu khắc khoải, cảm giác hoang mang đứng ngồi không yên… là nỗi lo chung của bà con nông dân Hà Tĩnh những ngày qua trước tình trạng mùa lúa thất thoát.

Nước mắt của người nông dân mất mùa


So với những năm trước, năng suất lúa giảm mạnh 80 – 90%, hơn 5000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông khiến lúa bị héo úa, không có hạt hoặc hạt lép. Bà con buồn bã và cố gắng vớt vát được chừng nào tốt chừng đó. Thậm chí có hộ gia đình ấm ức nghĩ rằng năm nay lúa gặt về chỉ để cho bò ăn.

Hàng nghìn hecta lúa mắc bệnh đạo ôn

Khảo sát những địa bàn chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước trên toàn tỉnh thì không có một địa bàn nào người dân hết than thở: “Cả nhà làm hơn một mẫu lúa, dừ mất trắng hết, không biết sống mần răng đây. Tiền giống, phân bón rồi thì con cái ăn học… mất hết ri thì bà tuy sống răng được…” Đó là nỗi lòng chung của những người nông dân cùng khổ.

Tình trạng dịch bệnh đạo ôn lây lan trên diện rộng và tập trung chủ yếu ở giống lúa Thiên Ưu, nhiều diện tích lúa đang đối diện với nguy cơ mất trắng. Điều mà chưa từng xuất hiện trong mấy chục năm nay. Các huyện như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà… là những huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất về dịch bệnh này.

Số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho thấy, diện tích trồng lúa toàn tỉnh là 58.785 ha, trong đó lúa Thiên Ưu chiếm 18.335 ha. Với giống lúa này, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 5.000 ha bị nhiễm bệnh, trong đó có gần 1.000 ha bị nhiễm đạo ôn cổ bông nặng và theo khảo sát thực tế thì số lượng này sẽ còn tăng dần. Lúa chết nhiều nhất tập trung ở các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà và Cẩm Xuyên…

Nhóm phóng viên chúng tôi đã trực tiếp có mặt ở huyện Nghi Xuân để chứng kiến cảnh mùa màng thất thoát của bà con nơi đây. Mấy tuần trở lại đây, nhiều hộ dân xã Cương Gián khổ sở bởi diện tích lúa sắp sửa đến kỳ thu hoạch, nay từ phần cổ bông trở lên cháy vàng, hạt lúa èo ọt, héo hon. Nhìn lúa thiếu hụt sức sống như vậy, bà con cũng chẳng còn động lực thu hoạch vụ mùa. Bà Phan Thị Hằng – xã Cương Gián cho biết: “Đây là vụ lúa đông xuân, được cấy từ tháng 12 âm lịch. Chúng tôi mua giống lúa Thiên Ưu, một kg giá 23 nghìn đồng. Trước đây, nhà tôi đã từng trồng giống lúa này nhưng không có bệnh, không hiểu sao năm nay lại xảy ra bệnh này”.

Toàn bộ xã Cương Gián – huyện Nghi Xuân trồng hàng chục hecta lúa với giống Thiên Ưu, nhưng có tới hơn 80% diện tích bị nhiễm bệnh trên. Theo ông Nguyễn Mạnh Trường trú tại xã Cương Gián, năm ngoái mỗi gia đình ở địa phương này thu về mỗi sào 3,5 tạ lúa, giá tiền khoảng 2 triệu, năm nay thì không được một phần ba, có nhiều gia đình còn mất trắng.

Tìm về xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, dù đã đến mùa gặt hái nhưng không khí nơi đây trầm lặng, Khuôn mặt người nông dân hằn lên nét khắc khoải, rầu rĩ vì lúa ngoài đồng bị chết hàng loạt, gạo trong nhà cũng chẳng còn.

Ông Tô Văn Thất – xóm 12, xã Thạch Mỹ cho biết: “3 sào lúa của gia đình tôi năm nay giảm năng suất trầm trọng. Nếu như các năm trước, với diện tích này thu được gần 25 bao lúa khô thì năm nay coi như mất trắng. Bao nhiêu công sức, tiền phân bón thành công cốc cả rồi. Đã thế giờ còn tốn thêm tiền thuê nhân công nhưng gặt xong cũng chỉ để đấy phần nhiều là cho bò ăn chứ làm được gì”.

Tại huyện Cẩm Xuyên, những cánh đồng sắp thu hoạch cũng đang đối mặt với nguy cơ mất mùa. Thông thường, khoảng hơn tuần lễ nữa những bông lúa vàng ươm sẽ vào kỳ thu hoạch, thế nhưng dịch bệnh đạo ôn đã khiến những bông lúa này khô bông, lép hạt không có gì để thu hoạch.

Theo phòng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên, do đặc thù phát sinh, lây lan nhanh nên diện tích bị nhiễm đạo ôn trên địa bàn gia tăng lên hàng ngày. Ngày 8/5, toàn huyện mới chỉ có khoảng 500 ha bị dịch bệnh thì đến thời điểm hiện nay, đã lên đến gần 2.000 ha/9.000 ha diện tích sản xuất vụ xuân.

Điều kiện tự nhiên hay vì giống lúa ảnh hưởng tới năng suất?

Được biết, giống lúa Thiên Ưu được nhận xét là loại giống có khả năng chống chịu bệnh cao, rất có năng suất. Sau kết quả khảo nghiệm, năng suất giống Thiên ưu mang lại năng suất cao hơn 10-20% so với các giống khác cùng kỳ sinh trưởng. Giống này đã được một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đưa vào ứng dụng trồng khoảng 3 năm trở lại đây và là loại giống lúa chủ lực của toàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm nay.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho lúa


Chia sẻ của ông Nguyễn Công Ty, Trưởng ban Nông nghiệp xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc: “Toàn xã có 500 ha lúa thì có hơn 200 ha bị nhiễm bệnh. Bệnh này đa phần do nấm bám phía cổ bông, dẫn tới lúa chết từ dưới phần bông lên, khi trời nắng hoặc nhiệt độ cao thì khô lại, nhìn ngoài thân cây xanh tốt, nhưng trong ruột lép, hoặc hạt bóc ra bị nát”.

Ông Ty nhấn mạnh: “Đây là nhiễm bệnh, chứ không phải do giống lúa. Có thể do bà con bón phân không đều, dẫn tới bị bệnh. Bởi một số khác có làm giống này, nhưng chăm sóc tốt thì không sao. Xã đã huy động bà con phun thuốc để đẩy lùi bệnh, mong sao còn vớt vát được chút vốn liếng”.

Xác minh của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho thấy nguyên nhân lúa bị khô ở phần bông dẫn đến hạt lúa bị dẹp là do bệnh đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên đây là loại bệnh hiếm gặp bởi nó xuất hiện và gây hại khá phổ biến trong các mùa vụ, đặc biệt là trong vụ đông xuân. Về nguyên nhân dẫn đến bệnh này thì do thời tiết năm nay nắng ít, mưa nhiều dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt thời điểm trổ bông từ 22/4 đến 25/4 trùng lúc mưa ẩm đã khiến loại nấm này phát triển mạnh. Điều này cho thấy giống Thiên Ưu 8 khá mẫn cảm với bệnh đạo ôn.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời tiết năm nay khá thường. Vụ xuân 2017 diễn ra trong tình trạng nhiệt độ thay đổi đột biến. Điều này xảy ra hệ quả lúa sinh trưởng dinh dưỡng rất mạnh ở thời kỳ thân và lá khiến cho hiện tượng mất cân đối dinh dưỡng diễn ra, trong khi đó thuốc phun phòng trừ không phát huy hết tác dụng vì gặp thời tiết bất lợi. Do vậy, đó là cơ hội cho bệnh đạo ôn hoành hành. Hiện nay, bệnh đang xảy ra trên một số giống: Thiên ưu 8, VTNA2, P6, Xi23. Riêng đối với Thiên ưu, bệnh đạo ôn gần như chưa xảy ra bao giờ”.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác minh rõ nguyên nhân của vụ mùa thất thoát. Tuy vậy, hoàn cảnh khốn khổ, bế tắc của bà con lúc này cần được sự sát sao quan tâm hơn nữa của chính quyền. Vấn đề cốt lõi là giải thoát tình trạng này để bà con sớm ổn định cuộc sống an sinh.

Bình Minh – Bảo Trung
Theo Làng mới

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây