Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn: Bao giờ cho đến ngày xưa...

Thứ bảy - 03/06/2017 16:08
(Hatinhnews)- Chưa bao giờ 273 CB-CNV Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn lại lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay. Câu hỏi: bao giờ cho đến ngày… xưa lại chập chờn trong những giấc mơ của họ.

Mọi hoạt động khai thác chế biến gỗ gần như bị tê liệt trong một khoảng thời gian dài. Tương lai là điều khó dự báo, chỉ biết hiện tại nhiều người trở thành thợ “đụng” bất đắc để kiếm sống qua ngày. Và, câu hỏi: bao giờ cho đến ngày… xưa lại chập chờn trong những giấc mơ của họ.

Không còn những âm thanh ồn ào phát ra từ tiếng máy, tiếng cười, phân xưởng chế biến gỗ thuộc công ty trong những này trung tuần tháng 3 trở nên vắng lặng một cách ngạc nhiên. Trên những chiếc máy bào, máy cưa mạng nhện giăng đầy. Xưởng trưởng Lê Hồng Sơn nói giọng thảng thốt: “Có trời mà biết được bây giờ 30 công nhân thuộc quyền quản lý của tôi nay đang ở đâu? Nghe đâu người bốc vác thuê, người làm ô sin và có người chuyên chùi dọn nhà vệ sinh. Tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo. Công việc lúc có lúc không và thu nhập cũng rất bấp bênh, nhưng nếu không làm lấy gì bỏ vào miệng”.

Không còn những âm thanh ồn ào phát ra từ tiếng máy, tiếng cười, phân xưởng chế biến gỗ thuộc công ty. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trong số 30 công nhân phân xưởng chế biến gỗ, hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng được coi là bi đát nhất. Nhà nghèo, 2 đứa con đang độ tuổi ăn học nhưng tất cả chỉ trông chờ vào khoản tiền thu nhập dưới 2 triệu đồng của người mẹ làm ở Nhà máy gạch Kim Thành (thuộc Cty). Sáng sớm, bất kể nắng hay mưa, Hoàng lại ra đứng chờ việc tại thị trấn. Cặp mắt dớn dác ngó nghiêng dõi theo từng tiếng động nhỏ và tiếng gọi trên đường phố. Rồi khuôn mặt anh sáng bừng khi giọng ai đó cất lên mời gọi, dù chưa biết khoản thù lao là bao nhiêu. “Có việc làm dù sao cũng đỡ đần cho vợ con trong lúc khốn khó. Ít ra nỗi lo về khoản đóng nộp BHXH cũng vơi đi phần nào. Đã qua rồi thời hoàng kim, giờ bọn tôi chỉ mong thời gian… quay ngược để có việc mà làm”, Hoàng trải lòng mình như vậy.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hưởng Sơn đã gần tròn 70 tuổi (thành lập từ tháng 3 năm 1955). Từ tên gọi ban đầu là Quốc doanh lâm khẩn chuyên sản xuất tà vẹt đến Lâm trường Hương Sơn rồi Công ty TNHH MTV với nhiệm vụ khai thác gỗ phục vụ cho chiến trường miền Nam và công cuộc tái thiết sau ngày đất nước giành độc lập, hầu như năm nào sản lượng khai thác của đơn vị cũng hoàn thành và vượt mức kế hoạch với trung bình sản lượng khai thác 6.000 m3/năm; doanh thu dao động theo từng thời điểm trên dưới 30 tỷ đồng/năm.

Trong ký ức của nhiều công nhân đã nghỉ hưu, thời kỳ hoàng kim nhất đơn vị có khoảng 5.000 lao động. Đó là những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Thương hiệu Lâm trường Hương Sơn với bề dày và bản lĩnh kinh nghiệm đã vượt “lũy tre làng” Hà Tĩnh để vươn ra biển lớn. Năm 1993 đơn vị trở thành “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới. Niềm tự hào trong đội ngũ CBCNV trong đơn vị cứ thế lớn dần cho đến cuối năm 2010. Tuy nhiên, không phải đến thời điểm này mới nhận rõ những thách thức phải đối mặt, mà trước đó hàng loạt giải pháp đã được ban lãnh đạo công ty triển khai nhằm đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm trước nguy cơ của rừng bị đóng. Thế rồi những nghành nghề như: kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ vận tải, sản xuất mây tre đan xuất khẩu. Đáng buồn là tất thảy những dự án này đều thất bại.

Dự án làng nghề mây tre đan ở Kỳ Thư (Kỳ Anh), Sơn Thịnh (Hương Sơn), Thạch Long, Thạch Sơn (Thạch Hà) tiêu tốn của Công ty hàng tỷ đồng đều bị “chết yểu” vì tay nghề người thợ không đáp ứng yêu cầu. Tiếp đó, dự án cung cấp giống cây trồng hỗ trợ người dân theo phương châm đôi bên đều có lợi cũng bất thành. Kết quả là cho đến nay số tiền nợ không đòi được ở các hộ trồng keo đã lên đến gần 1 tỷ đồng.

Thất bại triền miền ở nhiều dự án khiến đội ngũ lãnh đạo công ty cay đắng nhận ra “Những gì không thuộc thế mạnh của mình thì không nên mạo hiểm”. Trong hàng loạt dự án đầu tư đổ bể, duy nhất Nhà máy gạch Kim Thành công suất 15 triệu viên với tổng số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng hiện vẫn còn đứng vững. Cơ sở này hiện là nơi “cứu cánh” việc làm duy nhất cho người lao động ở thời điểm hiện tại với khoảng 80 lao động. Tuy nhiên, không phải công nhân nào cũng lựa chọn công việc này, bởi mức thu nhập thấp, công việc lao động nặng nhọc, nhất là thời điểm hiện nay sản lượng gạch sản xuất ra bị ứ đọng.

Tổ chức lại sản xuất, kiện toàn lại mô hình khai thác theo phương thức bán đấu giá cây đứng là một chủ trương đúng phù hợp với luật phát triển rừng. Ngày 13-4-2011, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn tổ chức lại sản xuất. Theo đó, đến ngày 30-4 Công ty phải hoàn thành phương án thiết kế dự án khai thác. Tuy nhiên, mãi đến ngày 13-2-2012, phương án này mới được hoàn tất. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồ sơ thiết kế chậm gần 1 năm?. Sẽ không khó nhận ra được những điều băn khoăn của những người trong cuộc. Đó là sau khi hoàn tất hồ sơ, khu rừng 38.000 ha thuộc quyền quản lý của công ty sẽ được tổ chức bán đấu giá. Trúng thầu hay không vẫn là trăn trở của nhiều người. “Tư tưởng như vậy nảy sinh khiến không nhiều người mặn mà. Cũng do nhận thức chưa đầy đủ và lỗi này thuộc về chúng tôi”, phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn Lê Tiến Cát thẳng thắn thừa nhận.

Không khai thác cũng có nghĩa là nguồn tiền bảo vệ hàng năm của 101 người với mức thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng bị cắt giảm. Năm 2011, công ty còn nợ BHXH với số tiền lên đến 200 triệu đồng. Cũng chính vì thế mọi hoạt động của công ty hoàn toàn bị tê liệt từ đó đến nay. Hệ lụy là cho đến nay toàn bộ 273 người cầm cự tại nhà máy gạch; số khác cầm cự từng ngày với những công việc lúc có lúc không.

Từ đầu năm đến nay, công ty mới chỉ trả lương 100% cho người lao động từ nguồn vốn vay để xây dựng cơ bản; trả 50% lương tháng 2 và tháng 3 người lao động chưa hề nhận được khoản tiền nào. Số tiền người lao động nhận được từ đầu năm đến nay là vốn vay khoảng 500 triệu đồng của một doanh nghiệp khác.

Có vẻ như mọi việc diễn ra vào thời điểm này đã bước vào thế ổn định sau khi tư tưởng đã được quán triệt một cách đầy đủ từ lãnh đạo đến đội ngũ CBCNV. Bởi vậy hồ sơ thiết kế đã được xem xét kỹ lưỡng để đến ngày 9-4 tới đây, công ty hy vọng sẽ trúng thầu. Nhưng… lại nhưng, nếu không trúng do năng lực không đáp ứng được yêu cầu, phương án thay thế cũng được đặt ra là công ty sẽ thương lượng với đơn vị trúng thầu tiếp nhận thêm 23 lao động ở bộ phận khai thác và 30 lao động ở phân xưởng chế biến. Nếu tình thế đặt ra không đạt được, công ty sẽ đàm phán với Công ty hợp tác Quân khu 4 nhận lại số lao động này.

Như vậy trúng thầu hay không không có nghĩa là mọi hy vọng của người lao động đã bị dập tắt. Chỉ có điều vực lại một cơ thể đang ốm yếu không thể đòi hỏi ngày một ngày hai mà là cả một lộ trình khá dài, hơn nữa những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo và cả sự đồng sức đồng lòng của người lao động để rồi câu trăn trở: bao giờ cho đến ngày xưa sẽ không còn tái hiện.
 
                                                                                                                     Theo Hà Tĩnh online
 
   

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây