Gần 20 năm nay, ông Trần Văn T. ở phường 9, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) nổi danh “sát chim” vì ngày nào đi săn ông cũng mang về ít nhất hơn 200 con chim sẻ.
Có hôm, người đàn ông gần 60 tuổi này “trúng mánh”, bẫy được khoảng 400 con. Ông T. cho biết: “Nghề săn chim đã nuôi sống gia đình tôi gần một phần tư thế kỷ. Nhà không ruộng đất, bản thân tôi không trình độ thì chỉ biết có bẫy chim thôi. Nghề này không vất vả, lại có mồi nhậu mỗi khi bạn bè đến chơi”.
Sau khi thuyết phục, ông T. đồng ý cho PV đi theo “học nghề”. Chạy ra các phường ngoại ô TP. Sóc Trăng chưa đầy chục phút, ông T. dừng lại trước một con hẻm ven quốc lộ 1A ở phường 10.
Đi vào hẻm khoảng 300m, trên những sợi dây điện có khoảng gần 100 con chim sẻ đang đậu. Ông T. tắt máy xe, nhẹ nhàng bước vào lùm cây ngồi quan sát.
Lúc này, thanh inox được thoa keo chuyên dụng có màu xám tựa như màu của sợi dây điện cao thế được ông T. kéo ra từ ống nhựa to gần bằng ngón chân cái. Cùng với ống nhựa là chiếc cần câu bị cắt ngọn, có thể kéo dài ra hoặc đẩy ngắn vào.
Ông T. nhanh tay kéo dài chiếc cần câu, phía trên gắn 1 thanh sắt hàn chữ L có tác dụng 1 đầu cho vào lỗ trống của chiếc cần câu, 1 đầu gắn vào thanh inox đã được thoa keo. Kế đến ông lấy từ túi quần ra một túi ni lông bên trong có chiếc điện thoại.
Ông T. cho biết: “Bây giờ tôi không cần treo lồng rồi đặt chim mồi để nhử những chú chim bên ngoài chui vào như trước đây. Chiếc điện thoại rẻ tiền này được lắp thẻ nhớ có lưu tiếng chim sẻ hót khoảng 20 phút.
Để bẫy chim sẻ, chỉ cần treo điện thoại đã mở tiếng chim gọi đàn vào đầu thanh inox có keo, một lúc sau hàng chục con chim bay lại đậu lên “bẫy” và dính chặt hơn cả keo dính chuột.
Nói thật, keo diệt chuột dơ lắm, còn keo bẫy chim khô ráo, lấy tay đặt vào là bị dính chặt, nhưng giật mạnh ra thì keo không dính theo tay như các loại keo khác”.
Theo ông T. do keo bẫy chim có thể dính được vật nặng hơn 2kg, nên sau khi keo bám vào chân chim, chim càng cố bay thoát ra thì càng làm lông bám chặt vào bẫy.
Ngồi canh gần 20 phút, khi điện thoại không còn phát ra tiếng chim khuyến dụ, thì ông T. hạ bẫy xuống, mang theo 74 con chim đang vùng vẫy trong tuyệt vọng.
Muốn bắt chim thật nhanh cho vào lồng để có thời gian đi bẫy nơi khác, ông T. giật mạnh từng chú chim ra khỏi thanh inox. Lúc này, lông chim bám vào keo bị đứt, chim giãy giụa vì sợ hãi và đau đớn.
Rời phường 10, ông T. đến xã Đại Tâm của huyện Mỹ Xuyên và gặp được đàn chim trên 100 con. Cũng như lần trước, sau gần 20 phút đưa bẫy lên ngọn cây, ông T. thu được “chiếm lợi phẩm” là 67 con chim sẻ.
Cũng tại đây, ông T. gặp ông C., một đồng nghiệp ngoài 50 tuổi, nhà ở đường 30/4, TP. Sóc Trăng. Chúng tôi liền theo chân ông C. đến gần sân vận động ở xã Đại Tâm, lũ chim vừa săn mồi xong, bay về đậu trên lưới điện trung thế thì bị ông C. “săn” ngược lại. Sau 10 phút đặt bẫy, thợ săn này thu dụng cụ và bắt 32 con chim cho vào lồng.
Ông C. cho biết: “Dọc đường, người nào hỏi mua chim phóng sinh thì tôi bán với giá 5.000đ/con, bằng với giá bán cho dân nhậu. Mỗi tháng có ngày mồng một và rằm là nhiều người đến chùa thắp nhang rồi mua chim phóng sinh, lúc đó tôi nâng giá bán lên 10.000đ/con”.
Phương thức làm thịt chim rùng rợn
Theo ông C., ngoài việc bẫy chim bán cho người có nhu cầu phóng sinh và quán nhậu, ông còn cho số điện thoại bất cứ khách hàng nào “nghiện” thịt chim trời. “Số máy tôi là 0168209…, hôm nào nhậu với bạn bè mà hết mồi thì gọi.
Nếu anh mua 20 con sẽ được tôi làm thịt sẵn, mang đến giao tận nhà với giá 5.000đ/con. Gọi điện cho tôi xong, anh cứ đốt than đặt vào lò khoảng chục phút thì có chim mang đến và tha hồ mà nướng”, ông C. “tiếp thị”.
Nói về cách làm chim, ông C. cho biết, nhiều người đập đầu chim từng con rồi nhổ lông sống mà không cần nhúng nước nóng. Theo ông C., làm thịt kiểu này không sạch lông con của chim mà còn mất chất dinh dưỡng vì máu chim chảy ra theo vết thương.
“Cách làm thịt chim nhanh, sạch hết lông mà không bị mất chất dinh dưỡng là nấu 3 ca nước cho sôi, rồi đổ vào 1 ca nước lạnh. Lúc đó, nhiệt độ trong nồi còn khoảng 80 độ C.
Thợ săn chim sẻ đang gỡ sạch lông chim trên cần bẫy để đi săn tiếp
Anh cho vài chục con chim còn sống vào chiếc túi lưới, túm miệng túi lại rồi nhúng vào nước nóng chừng 2 phút. Đổ ra thau là chim chết hết. Khi đó, chỉ cần dùng tay vuốt nhẹ lên thân chim thì lông tróc sạch 100%. Sau đó, mổ bụng chim bỏ hết nội tạng, rửa sạch là có thể đưa lên lò than làm mồi nhậu rất thơm ngon”, ông C. hướng dẫn.
Để khẳng định những con chim do mình làm sạch lông giao tận nhà khách hàng là chim sẻ, ông C. cho hay thịt chim sẻ dai, ngon hơn thịt gà. Còn dân nhậu vào quán nướng gọi chim sẻ nướng hoặc rô ti là ăn nhầm chim cút con bị chết, các trang trại thải ra bán giá rẻ.
“Con chim cút nở 3 ngày làm thịt giống y hệt chim sẻ. Ai tinh ý, ăn vào là biết chim cút ngay, vì thịt nhão nhẹt, không dai như thịt chim. Nếu là chim sẻ, quán nhậu bán 1 đĩa chim chiên giòn phải từ 150.000 - 200.000 đồng, chứ không 70.000 - 80.000 đồng đâu”, ông C. nói.
Không chỉ săn chim bán kiếm tiền nuôi cả gia đình bảy người, ông C. còn kinh doanh keo chuyên dụng dùng để bẫy chim trời. Mỗi hộp keo ông C. bán cho khách hàng có giá từ 150.000 - 350.000 đồng, có thể tái sử dụng liên tục trong 3 tuần.
Ông C. nói: “Để giải trí cuối tuần, anh chỉ cần lấy điện thoại di động ra ngoài tiệm hoặc đưa tôi cài nhạc có tiếng chim hót là dùng được. Nếu sợ điện thoại bị trầy xướt, anh cứ cho vào bọc rồi cột lên bẫy chim. Đầu tư thêm chiếc cần bẫy với hộp keo tổng giá trị chừng 600.000đ là tuần nào cũng có thịt chim ăn nhậu.
Nhiều người đã tìm tôi để được hướng dẫn nghề săn chim… thư giãn đầu óc bằng bẫy keo, chứ đầu tư súng hơi bắn chim nguy hiểm lắm, Nhà nước cấm mà”.
Ở Sóc Trăng còn có nhiều người đi săn dơi quạ để bán cho quán nhậu. Nhiều vườn cây có trái chín được nhóm thợ săn giăng lưới xung quanh để bắt dơi bán với giá 500.000 đồng/kg. Mua dơi với giá cao, nên quán nhậu bán 1kg dơi giá 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Máu dơi được pha vào rượu uống vì nhiều người cho rằng uống rượu này sẽ “cường dương đại bổ”. Gần đây, chính quyền sở tại Sóc Trăng thường xuyên tuyên truyền, xử phạt những người săn dơi vì đây là động vật hoang dã. Đối với đàn dơi trong chùa Mã Tộc (chùa Dơi, ở phường 3, TP. Sóc Trăng) là dơi quý hiếm, cấm săn bắt.
(Theo Tuổi trẻ & Đời sống)