Cơn bão giảm giá: Chưa xong thịt lợn, lại đến trứng gia cầm

Thứ ba - 06/06/2017 14:58
Trong khi các cơ quan chức năng và toàn xã hội đang tìm cách để giải cứu giá thịt lợn thì nhiều bà con chăn nuôi gia cầm lại như ngồi trên lửa bởi “cơn bão” giảm giá bắt đầu tràn qua với mặt hàng trứng gia cầm và con giống…

Một điểm bán thịt lợn bình ổn giá nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai

Cấp đông heo thịt, giảm đàn heo nái

Văn phòng Chính phủ vừa phát công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, ngoài giải pháp giảm nguồn cung, mở rộng thị trường tiêu thụ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt heo trong các tháng hè; Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn heo, nhất là đàn heo nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường. 

Kêu gọi ưu tiên dùng thịt lợn

Tại một hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng khó khăn của ngành chăn nuôi dường như đã tới cực điểm khi liên tiếp 4-5 tháng qua giá thịt lợn liên tục giảm sâu.

Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng thu nhập của người chăn nuôi mà còn đe dọa đến ngành hàng này trong tương lai. 

Để giải quyết vấn đề trên, ông Cường cho rằng thời gian tới cần rà soát quy mô sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường, tổ chức lại sản xuất, tăng cường sản xuất chuỗi; trước mắt, cần đẩy mạnh phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó ưu tiên thịt lợn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu ngành nông nghiệp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết sẵn sàng chia sẻ khó khăn của bà con. Nếu giải quyết sớm, mỗi tháng lực lượng quân đội dự kiến tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt lợn.

Đại diện Bộ Công an cho hay đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ “giải cứu” thịt lợn cùng Bộ NN&PTNT. Trong quý II, Bộ Công an phấn đấu tiêu thụ hàng chục tấn một tháng, coi là một trong những chỉ tiêu thi đua. 

Đại diện các tổ chức, liên đoàn lao động, doanh nghiệp, đoàn thành niên cũng cho biết sẽ cố gắng tiêu thụ thịt trong thời gian này. Trong đó Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam có thể tiêu thụ khoảng 60 tấn/ngày.

Cùng thời điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt ở thị trường nội địa; phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp có khả năng dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ thịt cấp đông trong mùa hè tới.

Bộ Công Thương hướng dẫn ngay việc tạm dừng tái xuất thịt và phủ tạng lợn đông lạnh qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở. Giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, đặc biệt nông dân trong việc giảm, giãn nợ, hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay. 

Giá trứng liên tục giảm sâu

Tại thôn Phù Ninh, xã Thanh Vân – nơi được coi là “thủ phủ” của gà siêu trứng ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), chúng tôi bắt đầu cảm nhận được “cơn bão” này bắt đầu tấn công người chăn nuôi nơi đây.

Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Đống Đa… hiện giá trứng giảm khoảng 500 đồng/quả so với 2 tuần trước. Trứng vịt hiện chỉ còn khoảng 2.500 đồng/quả. Trứng gà Ai Cập có giá từ 3.500 đồng/quả giảm xuống còn 2.800 đồng/quả, giảm 700 đồng/quả, loại nhỏ giá 1.700 đồng/quả giảm 300 đồng/quả.

Ông Bùi Đức Chính (SN 1970, trú tại thôn Phú Ninh) cho hay: “Gia đình tôi làm trang trại nuôi gà Ai Cập hàng chục năm nay. Đây là giống gà đẻ trứng có hiệu suất khá cao khoảng 65 – 70%, tức là cứ 1.000 con gà mái đẻ mỗi ngày cho khoảng 650 – 700 trứng. 

Cũng theo ông Chính, gà Ai Cập có 2 loại là gà trắng và gà đen, nhưng phần lớn bà con nơi đây thường nuôi gà Ai Cập trắng vì năng suất trứng cao hơn. Với 10.000 gà đẻ trên tổng diện tích 7.000m2, trung bình mỗi ngày trang trại ông thu khoảng 6.000 quả trứng. 

Để có được kết quả trên, trang trại của ông phải thuê 2 nhân công cho gà ăn uống, nhặt trứng và vệ sinh chuồng trại với mức 4 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí liên quan, mỗi năm chủ trang trại này thu lãi lên tới cả tiền tỉ. 

Tuy nhiên, từ tháng 10 năm ngoái trở lại đây, giá trứng liên tục giảm, giá giao tại trang trại cho thương lái chỉ với 1.400 đồng/quả, giảm gần 800 đồng/quả so với tháng trước, tính trung bình mỗi ngày lỗ khoảng 14 – 15 triệu đồng.

Nhiều chủ trang trại dự báo, giá trứng gia cầm có thể còn giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Lý giải việc trứng giảm giá liên tục thời gian qua, một người cho hay, người dân trong vùng có giảm đàn chăn nuôi nhưng lượng giảm của nông dân không đáng kể so với lượng tăng đàn của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn nên lượng trứng trên thị trường khá dồi dào.

Bên cạnh đó, lượng trứng “bẩn”, chưa qua xử lý có giá thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/chục cũng tràn lan trên thị trường nên trứng sạch phải cạnh tranh rất vất vả.

Lượng trứng gà sản xuất ra hàng ngày từ trang trại của anh Bùi Đức Chínhvới giá chỉ từ 1.400 đồng/quả khiến người dân lo lắng. (Ảnh minh họa)

Đáng nói hơn, hiện nay giá trứng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục trong khi trứng gà sản xuất ra vẫn đều đặn hàng ngày dẫn tới ùn ứ hàng trong thời gian tới. “Sợ nông dân lại mắc phải tình trạng tụt đáy như giá lợn.

Tới mức ấy, chúng tôi chỉ còn nước treo cổ mất thôi. Bỏ ra cả tỷ đồng để trang trải chi phí, giờ thu lại không được phần nhỏ; hiện trại gà nhà tôi đang úm thêm 1.000 gà con, dưỡng lên gà đẻ nhưng với tình hình này chúng tôi lại tiếp tục rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài.

Như trang trại lợn nhà anh Đinh Tiến Văn (thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân), sau đợt khủng hoảng tụt đáy giá lợn, giờ bán tháo cũng chẳng ai mua. Hàng ngày mỗi lứa lợn lái đẻ ra là lại đem chôn, nhìn mà xót lòng”, ônh Chính bùi ngùi chia sẻ.

Giá gà giống cũng giảm

Không chỉ có trứng mà cả giá gà giống cũng đang giảm mạnh. Anh Bạch Mạnh Dân, chủ trang trại gà giống ta lai (thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương) cho biết, trước Tết giá gà thương phẩm nhích lên, lượng tiêu thụ cao nên giá gà giống cũng tăng theo.

Tuy nhiên chỉ được khoảng 2 tháng, sau Tết nhu cầu gà thịt giảm mạnh khiến giá gà giống tụt dốc, hiện chỉ còn 3.500 đồng/con giống, giảm thêm 2.000 đồng/con so với trước.

Trang trại của anh Dân rộng 5000m2 với 5.000 gà mẹ, mỗi ngày cho ra 2.400 con giống. Để ra được 1 con giống gà ta lai, chi phí giống ban đầu, thức ăn, tiền công, chi phí ấp trứng, kiểm soát dịch bệnh… ít nhất mất 200.000 đồng/con giống ban đầu, với giá bán chỉ 3.500 đồng/con giống.

Theo anh Dân, nếu chăn nuôi trong nước cứ bấp bênh như hiện nay, trong khi hàng Trung Quốc thì ngập tràn với giá thành rẻ, thủ tục vay vốn thì rườm rà… nếu cứ thiếu sự can thiệp của Nhà nước về bảo hộ người chăn nuôi thì chúng tôi sẽ “chết”!

Lo rủi ro lan sang thị trường khác

Như PLVN đã thông tin, từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn từ Đồng Nai tới các tỉnh phía Bắc “khóc ròng” vì giá lợn hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng một kg, giảm gần 50% so với trước. Trong khi đó, giá bán thịt lợn ngoài chợ và một số cửa hàng vẫn cao ngất ngưởng, có nơi lên tới 160.000 đồng/ kg. Theo tính toán mỗi con lợn xuất chuồng người nuôi bị lỗ cả triệu đồng. 

Bộ NN&PTNT nhận định có hai nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoàng thừa hiện nay. Thứ nhất, do nguồn cung lớn hơn cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà… Thứ hai là do khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do nhiều bộ, ngành và địa phương đã phát những tín hiệu sai lầm trong một thời gian dài, khiến người sản xuất đi sai đường quá xa trong một thời gian quá lâu. Việc Bộ NN&PTNT “vái tứ phương” để giải cứu thịt lợn hiện nay cứ tưởng là một cuộc giải cứu “anh hùng”, nhưng nếu không cẩn thận Bộ này sẽ góp phần thúc đẩy sự lan toả rủi ro từ thị trường thịt lợn sang các thị trường khác. Nếu cuộc giải cứu theo cách này lan rộng và có hiệu lực (tức là, toàn dân ăn thịt lợn) thì các thị trường khác như thịt bò, thịt gà, thuỷ sản… sẽ ràn rạt sụp đổ như trong cỗ bài domino. Và thực tế cho thấy, ngành hàng thứ 2 bắt đầu chịu đòn giảm giá đã xuất hiện đó là trứng gia cầm.

 
Theo Phi Hùng - Phan Mơ Pháp luật plus

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây