Có phải "Sốc" chạy về làng "Không biết nằm ở đâu"?

Thứ tư - 05/07/2017 19:32
Đêm trung thu, nhìn vào hồ nước, có người chỉ thấy một màu tối, có người thấy trăng rằm, cũng có người thấy trăng sáng trong vũng tối.
Làng giải trí, vốn được truyền thông gọi bằng cái tên Tây là “Showbiz”, bên cạnh các lĩnh vực mua vui như ca nhạc, thời trang… “làng nghề” này còn một nghề “tiềm ẩn” là cung cấp “sốc” cho xã hội. 


Lăng xê hình ảnh bằng chất lượng nghệ thuật, trình độ biểu diễn thì “quê một cục”, thế nên phải  “xẻ táo bạo”, phải “trồng cây chuối”, cao cấp hơn thì trút bỏ xiêm y “vì biển” hay “vì môi trường”…

Có điều muốn gây sốc không phải là đơn giản, không thể cứ nhắm mắt làm bừa, phải có ekip bao gồm đạo diễn, hóa trang,…, phải tốn kém có khi cả tiền tỷ.

Ấy vậy mà có khi, có người chẳng tốn một xu nào “của bọ” mà vẫn gây “sốc toàn tập” cho  xã hội. Xin kể câu chuyện tào lao một phần thật chín phần bịa.

Ngồi uống nước quán cóc vỉa hè, ông bạn già vào hàng thất thập khoe: “mình vừa đọc được mấy cái tin hay trên mạng “In tre rờ oét”, ngồi một mình mà phải vỗ đùi khen “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh nhà báo”. 

Vội nhắc ông bạn già: “ấy chết, bác nói thế là xúc phạm nhà báo đấy, nói trong buồng với bà lão nhai trầu bỏm bẻm thì được chứ đừng nói như thế chỗ đông người”. Ông bạn trợn mắt bảo “tôi đâu có bịa, tôi nhắc lại lời cụ Nam Cao đấy chứ”. 

Đành phải bảo nhỏ ông bạn “ông Nam Cao nói là Tiên sư anh TàoTháo chứ không phải anh nhà báo”.

Ông bạn cười móm mém chống chế “nhà báo hay Tào Tháo đều là vần “à áo” đọc cũng na ná”. 

Đang định yêu cầu ông bạn “nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì bị ông “choảng” cho một cú đau điếng: “ông chỉ là nhà báo hạng bét, vậy sao ông lại bênh vực nhà báo ghê thế”?

Đành phải chuyển hướng câu chuyện bằng cách hỏi: “vậy ông đọc được cái gì mà cho là hay thế?”.

Ông bạn giở tờ giấy nhàu nát trong túi ra đọc luôn một mạch: “việc quy định giám đốc Sở phải có bằng chuyên viên chính không còn phù hợp, không đáp ứng được thực tiễn hiện nay. 

Đó chỉ là quy định trên sách vở bởi để thành chuyên viên chính phải mất gần 10 năm. Quy định là do con người đặt ra, nếu chúng ta thấy nó không hợp lý với thực tiễn thì có thể phá bỏ. Bằng cấp quan trọng nhưng chưa đủ để quyết định
”.

Lại nữa: “Về việc Bộ Nội vụ quy định giám đốc Sở phải là chuyên viên chính, từ trước đến nay tỉnh “quờ nờ” (QN) chưa áp dụng khi bổ nhiệm lãnh đạo”.

Hỏi ông bạn tỉnh QN là tỉnh nào, ông ngớ ra không nhớ, không biết là Quảng Ninh, Quảng Nam hay Quảng Ngãi! Thôi thì “quờ nờ” nào cũng rứa?

Lục lọi mất buổi sáng trên cái “In tre rờ oét” mà ông bạn mách bảo, thấy có “Cái Quyết” nói về Giám đốc sở, sở dĩ không dám nói rõ về “Quyết” này vì sợ rằng nó không còn giá trị pháp lý như người ta mạnh mồm tuyên bố: “nó không hợp lý với thực tiễn thì có thể phá bỏ”. 

Điều 4 “Quyết” này ghi: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này”. 

Vì quyết định ghi là “…Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này” chứ không nói “Tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này” nên câu mà ông bạn ghi lại “từ trước đến nay tỉnh “quờ nờ” chưa áp dụng khi bổ nhiệm lãnh đạo” quả là hay, quả là đúng, quả là phải thốt lên “tài thật, tài thật, tài đến thế là cùng! Còn phần “… anh nói láo” thì xin bạn đọc cho phép được cắt.

Cố định chữ cái N, tìm trong phạm vi từ A tới Q (tạm gọi là nhóm AQ) còn tìm thấy BN, ĐN, HN,…khoảng 9 địa danh, ở những nơi này có khối “lời có cánh” chẳng cần phải lưu vào sử sách thì đời sau vẫn có thể tìm nhờ “In tre rờ oét”, chẳng hạn:

Đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”; 

“Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”;

“Cắm biển cấm trâu bò vào mà vào thì bắt,... trâu bò đi lang thang trên đường là bắt đưa về đó giam hết
”;…

Với hàng loạt dẫn chứng như thế chắc rằng không đến nỗi bị cho là “suy diễn” nếu nói cái lũ “sâu sốc” vốn bò lổm ngổm ở làng Showbiz nay đã được đề bạt, đã chuyển công tác sang làng “Không biết nằm ở đâu”? 

Nếu ai không biết làng này thì hỏi chú em Gu Gồ, còn nếu mà không biết Gu Gồ là anh chàng chơi ở ngoại hạng hay giải hạng bét thì chỉ còn cách “bó tay chấm com”.

Tuy vậy, nếu chỉ đưa từng ấy dẫn chứng mà kết luận làng nghề “Không biết nằm ở đâu” là địa chỉ có uy tín, chất lượng trong việc cung cấp “sốc” cho xã hội thì chưa đủ bằng chứng thuyết phục.

Muốn thêm khẳng định, tất yếu phải mở rộng ra ngoài nhóm AQ, xin dẫn chứng:

Lãnh đạo Thanh tra Hà Tĩnh khẳng định nội dung Thanh tra Chính phủ nêu thiếu khách quan, chưa thỏa đáng và không đúng với tinh thần của phiên làm việc trước đó giữa Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; [1]

Thanh tra Bình Dương kiến nghị xử lý Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế, nguyên Chủ tịch tỉnh; [2]

Lãnh đạo Đà Nẵng đã lên tiếng khẳng định không có chuyện thất thoát ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng và "thời điểm đưa ra kết luận thanh tra là bất thường". [3]

Họ (Bộ Tài chính ) trả lời nước đôi là nếu như Đại Nam không bóc tách cái đó ra được thì áp dụng văn bản như vậy. Nhưng thật ra những người này (Bộ Tài chính) không biết nội tình.
[4]

Gần đây nghe tin nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội sắp sửa được bán theo giá lũy tiến giống như ngành Điện, người dân mua nước sinh hoạt, ngoài tiền nước còn phải trả thêm phí bảo vệ môi trường

Thế nhưng người nước ngoài khai thác cát ở Hà Tĩnh thì không phải trả vì họ đã thuê đất của Việt Nam rồi. Không tin xin nghe một quan chức người Hà Tĩnh lý giải:

Thanh tra Chính phủ kết luận công ty Formosa chưa kê khai và chưa nộp khoản tiền 136,76 tỉ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác cát từ biển dùng để san lấp mặt bằng xây dựng dự án. 

Tuy nhiên, ông Sinh (Chánh Thanh tra Hà Tĩnh) khẳng định: "Thực ra đây là khoản thuế mà Formosa đang nợ Cục thuế Hà Tĩnh chứ không phải sai phạm.

Số tiền này sau đó Chính phủ cũng đã hoàn trả cho Formosa, bởi số cát họ lấy từ dưới biển lên lấp nền nằm trong diện tích mặt nước mà họ đã thuê của dự án
". [5]

Theo lập luận của vị quan chức nọ, vì người Trung Quốc đã thuê diện tích của dự án nên không phải nộp phí bảo vệ môi trường (đúng hơn là nộp sau đó được hoàn trả)?

Còn người Hà Nội phải nộp phí bảo vệ môi trường khi mua nước sinh hoạt vì “chưa thuê đất” tại thủ đô. 

Suy rộng ra những người mua nước sạch khắp toàn quốc nếu chưa thuê đất ở quê hương thì đều phải nộp “phí bảo vệ môi trường”! Nếu quả như thế thì “Dự án” còn cao hơn người Việt một bậc, có lẽ “dự án” xứng đáng được xếp hàng công dân hạng nhất?

Kể cũng lạ, thuê đất xong là không phải nộp phí bảo vệ môi trường, nếu họ xả thải phía bên trong hàng rào dự án làm ô nhiễm nguồn nước, xả khói bên trong đất dự án làm ô nhiễm không khí thì có phạt được không? 

Nếu phạt họ bảo họ “đã thuê diện tích” nên không phải nộp phí bảo vệ môi trường thì nói thế nào? Hay là chỉ còn cách học tập địa phương nọ cứ việc bắt khói, bắt nước bẩn cho vào trại giam giống như bắt bò nhốt vào trại giam vậy?

Định viết tiếp, đưa thêm một ít dẫn chứng nữa nhưng lại sợ, rằng bài viết này cũng chính là một dạng “sốc”, biết đâu lại được “vinh dự” trở thành cư dân làng “Không biết nằm ở đâu”.

Còn nếu chẳng may lại khiến bạn bè cười ra nước mắt thì lỗi lớn lắm, tội lớn lắm, phải mua ngay mấy cái “thuẫn” mà chờ mưa… đá.

Đêm trung thu, nhìn vào hồ nước, có người chỉ thấy một màu tối, có người thấy trăng rằm, cũng có người thấy trăng sáng trong vũng tối.

Thế nên, nói về cái tối không phải chỉ nhằm phủ định cái sáng của vầng trăng, mà chỉ với ý muốn làm sao cho trăng tròn hơn, sáng hơn.
Theo Giáo dục VN

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây