Trong căn nhà nhỏ cuối thôn 11, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cô Trương Thị Lan tâm sự mấy ngày nữ giáo viên không ngủ, cứ cầm quyết định mà chảy nước mắt. Lương hưu chừng ấy, không biết phải sống sao.
Phía trong nhà, ông Nguyễn Đình Tài (60 tuổi), chồng cô Lan, nheo cặp mắt già nua nhìn ra phía cổng. Thấy khách chào hỏi mà chồng chưa hồi đáp, cô Lan cho biết: “Ông ấy bị mù một bên, nhìn không rõ mặt người, tai lại kém nên chẳng nghe ai nói gì đâu”.
Người phụ nữ 55 tuổi kể năm 1980 bắt đầu dạy trẻ ở trường Mầm non Cẩm Duệ, nay là trường Mầm non Lê Duẩn. Ngày ấy, lương không nhận bằng tiền mà bằng thóc, gạo của phụ huynh. Cuộc sống khó khăn, không đủ nuôi gia đình, con cái ăn học nhưng cô yêu trẻ, muốn chúng có bước đi đầu đời vững vàng cho sau này nên cố gắng bám nghề.
Sau 6 năm công tác, cô được cử đi học nghiệp vụ ở Cao đẳng Sư phạm miền xuôi Nghệ Tĩnh. Hết 9 tháng đào tạo, cô trở về trường tiếp tục dạy trẻ. Hai năm sau, nữ giáo viên nhận quyết định học lên trung cấp mầm non, theo hệ vừa học, vừa làm.
Năm 1995, lương giáo viên mầm non được nhận bằng tiền, với 450.000 đồng/tháng, tăng dần theo các năm.
Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để đảm bảo điều kiện hưởng quyền lợi cho giáo viên sau khi nghỉ hưu, phía bảo hiểm xã hội đã có chính sách cho đóng bù thêm 8 năm bảo hiểm thời gian trước đó (từ năm 1995-2003) để đủ thời gian tối thiểu 20 năm cho việc hưởng quyền lợi.
“Các giáo viên lúc ấy ai cũng lên ngân hàng vay tiền để đóng cho đủ, với mong muốn khi nghỉ hưu sẽ có khoản tiền ít nhiều để lo cho cuộc sống về già”, cô Lan nói.
Theo cô giáo này, từ năm 2014, cô chính thức vào biên chế, tiền lương được tính theo hệ 3,46, mỗi tháng nhận hơn 5 triệu đồng. Tháng 9 vừa rồi, cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (27 tuổi, con gái cô Lan) cho biết mấy hôm trước thấy quyết định với mức lương nghỉ hưu của mẹ được cô hiệu trưởng đăng trên Facebook, chị chỉ biết khóc.
“Nhìn mẹ khóc cả đêm mà thương, gắn bó với con trẻ cả cuộc đời, nhưng khi về hưu chỉ với mức lương ít ỏi. Biết là đúng quy định nhưng nó quá ít, mong sao các cấp quan tâm hơn đến lương giáo viên mầm non”, chị Hạnh nói.
“Cầm quyết định, tôi chết lặng đi, khóc không ra tiếng nữa. Ai cũng bất ngờ, các giáo viên khác chỉ biết ôm lấy tôi rồi khóc theo”, cô Lan như nghẹn lại, cố giấu giọt nước mắt.
Người dạy trẻ suốt 37 năm cho biết từ ngày nhận quyết định, cô chỉ lủi thủi với vườn rau, con gà, không dám ra ngoài vì sợ gặp hàng xóm, người quen họ thấy lại hỏi nghỉ hưu rồi nhận được bao nhiêu tiền.
“Tôi không ngủ mấy hôm nay, cứ nhắm mắt là khóc thầm. Tôi sợ con gái lấy về chơi biết mình khóc lại lo lắng nên chỉ biết cắn chặt môi", cô Lan nói.
Nữ giáo viên vừa về hưu kể 4 người con (2 trai, 2 gái), đứa đã lấy chồng, đứa làm tận miền Nam, công việc đều không ổn định. Con trai út học xong cấp ba, thấy gia đình khó khăn nên không thi đại học mà ở nhà phụ giúp bố mẹ đồng áng.
Chồng cô từng đi bộ đội về, không có lương hay chế độ. Mấy năm nay, sức khỏe yếu dần, bệnh tật thường xuyên nên hàng tháng phải đi viện khám, lấy thuốc.
“Cả nhà chỉ trông vào khoản lương ít ỏi của tôi, đi dạy còn đủ sống, giờ nghỉ hưu lương thấp thế, không biết phải sống ra sao”, cô Lan buồn bã, nói.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn, bất ngờ với mức lương hưu của giáo viên trong trường. Ảnh: Phạm Trường. |
Trao đổi với Zing.vn, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn, cho biết cô rất bất ngờ khi cầm quyết định hệ số lương hưu của giáo viên trong trường.
Theo cô Hà, trường từng có một số giáo viên nghỉ hưu nhưng họ may mắn hơn cô Lan khi mức lương nhận được là 1,5 triệu đồng/tháng.
Riêng cô Lan, ai cũng cho rằng mức lương khi nghỉ hưu ít nhất cũng sẽ cao hơn vì thời gian công tác tại trường và mức đóng bảo hiểm của cô nhiều hơn. Nhưng khi cô nhận quyết định, không ai không bất ngờ.
Trường Mầm non Lê Duẩn ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Phạm Trường. |
“Cô Lan khóc không còn thành tiếng, rồi ngã xuống, giữ lấy chân tôi. Ai cũng bất ngờ, nhìn cô không biết động viên gì nữa, chỉ biết ôm lấy cô mà khóc theo. Mức lương ấy thực sự không đủ sống”, cô Hà cho hay.
Vị hiệu trưởng cho hay mức lương hưu như vậy đúng với quy định chung, nhưng thực sự quá ít với khoảng thời gian họ đóng góp.
Giáo viên mầm non trường làng khó khăn hơn rất nhiều những nơi khác. Qua câu chuyện, bà Hà mong các cấp biết được khó khăn của các giáo viên để sớm có sự điều chỉnh mức lương phù hợp, giúp các cô yên tâm công tác.
Trường Mầm non Lê Duẩn ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Google Maps. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn