Lạc vào "thị trấn giấy"

Thứ tư - 02/05/2018 05:04
Một vườn cây nhiệt đới xanh ươm được làm bằng giấy vụn; bộ váy lộng lẫy xếp khéo léo từ những tờ báo cũ; hay chiếc xe hơi bằng bìa car-ton… Đó là “thị trấn giấy” của những người trẻ ở Sài Gòn, nhằm chung tay bảo vệ môi trường.

The People “truyền lửa” bảo vệ môi trường đến các bạn trẻ.

Độc và chất

Bước vào “thị trấn giấy” Papertown: Revolutionaire ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Idecaf, Q.1), nhiều người ngạc nhiên, không tin rằng tất cả nguyên liệu làm nên “thị trấn” ấy đều từ… thùng rác. Càng thích thú hơn khi biết, các thành viên tạo ra Papertown là nhóm The People gồm hơn 50 bạn trẻ là học sinh, sinh viên các trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Gia Định...

Nguyễn Vĩnh Xuân Mai (17 tuổi) tươi cười, giới thiệu: “Ai cũng nghĩ giấy cũ chỉ bỏ đi hoặc bán ve chai, nhưng chỉ cần một chút khéo tay và sáng tạo, chúng ta đã có thể tạo ra rất nhiều vật dụng dùng trong gia đình vừa “độc, lạ”, vừa tiết kiệm tiền bạc; và đặc biệt hơn là chúng ta đang chung tay bảo vệ môi trường”.

Nói rồi cô khéo léo dùng một vài tờ giấy báo, bìa car-ton thắt thắt, xếp xếp… Phút chốc, những bông hoa, con thú đáng yêu được "sinh ra" đầy ngộ nghĩnh. Xuân Mai chia sẻ, tùy từng loại giấy và sản phẩm muốn thực hiện mà mình sẽ có cách làm riêng. Khi muốn tạo những vật hình khối, có thể kết hợp sắt, kẽm làm khung, sau đó trộn treo với giấy báo làm giấy bồi, cuối cùng tô thêm màu sắc…

Chị Lê Thị Thu Trang (nhân viên văn phòng, Q.3) dẫn con tham quan các gian hàng, thích thú: “Lần đầu tiên tôi thấy các các sản phẩm từ giấy sống động, có hồn như thế. Vốn chỉ định đưa con vào xem cho biết, không ngờ cả hai mẹ con đều “nhập cuộc” khi tham gia khóa học làm thủ công này luôn. Từ giờ mình sẽ có thêm bài học để dạy con tận dụng các vật liệu bỏ đi để tái tạo thành những sản phẩm dùng trong nhà”.

Papertown:Revolutionaire là hoạt động gồm một chuỗi các chương trình nghệ thuật từ giấy tái chế: triển lãm các tác phẩm nghệ thuật giấy, workshop, chiếu phim, hội chợ... Thông điệp của dự án là hãy trân trọng giá trị của những điều tưởng chừng như vụn vặt nhất.

Nguyễn Trương Hoàng Thu – trưởng ban tổ chức dự án, tự hào: “Tụi em muốn mọi người đừng nghĩ bảo vệ môi trường là điều gì đó lớn lao của nhà nước, của người khác. Thực ra nó bắt đầu từ chính mỗi người thôi”.

Dự án môi trường

Lần tìm đến “xưởng” của The People - đó là một căn phòng nhỏ trên đường Thạch Thị Thanh (Q.1). Từng nhóm bạn trẻ đang bàn bạc sôi nổi, lên ý tưởng, tác phẩm cho đợt triển lãm sắp tới. Mỗi người mỗi việc đã được phân công, họ bắt tay tạo vào công đoạn chế tác của mình.

Những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, sau khi lên khung hình, phủ màu acrylic đều thành sản phẩm vô cùng hữu ích. Vừa làm, vừa tranh luận, góp ý… trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ để có những tác phẩm đẹp hơn, hay hơn đưa đến mọi người.

Hoàng Thu bộc bạch: “Lúc đầu chúng em chỉ là một nhóm nhỏ các bạn có chung mục đích và hành động. Đó là mong muốn làm gì đó có liên quan đến môi trường nhưng không khô khan, muốn đưa nghệ thuật vào môi trường để thu hút và “rủ rê” được nhiều người tham gia. Trong nhóm có vài người bạn biết làm nghệ thuật từ giấy.Thế là chúng em làm những sản phẩm đầu tiên rồi giới thiệu trên facebook.

Không ngờ, nhiều bạn rất thích và nhờ hướng dẫn, có người còn muốn mua. Thấy có tiềm năng, năm 2016, chúng em mạnh dạn bắt thành lập The People với thông điệp “Bắt đầu nhỏ, kết thúc lớn”, và bắt tay thực hiện dự án của mình”.

Nhóm The People của các bạn trẻ tổ chức quy mô, có đầy đủ các ban bệ chẳng khác gì một công ty thu nhỏ với các ban sản phẩm truyền thông, ban thiết kế đồ họa, ban hậu cần, ban chương trình…

Trước đó, The People còn mở lớp học làm những vật dụng hằng ngày bằng giấy như: Origami ứng dụng, Origami đồ chơi trẻ em, xếp giấy căn bản, vật trang trí, nội thất gia dụng; cùng với việc bán sách cũ, múa rối giấy… nhóm đã gây quỹ cho Trees For The Future - tổ chức trồng cây trên toàn thế giới, để trồng 1.000 cây xanh toàn cầu.

Chia sẻ về thành viên của The People, Lê Công Minh Khoa, trải lòng: “Đây là một tổ chức mở nên các bạn học sinh, sinh viên đều có thể tham gia. Vào đầu năm học, tụi mình thường giới thiệu về hoạt động của nhóm đến các trường, bạn nào thấy phù hợp sẽ đăng ký. Tiêu chí kết nạp thành viên mới là những người cùng quan điểm, cùng sở thích và cùng hoài bão. Và chính nhờ có nỗ lực không ngừng của các bạn mà dự án mới có thể thành công”.

Những bạn trẻ đều tin tưởng rằng, những ai đã tham gia buổi triển lãm sẽ có một cái nhìn khác hơn về những loại giấy bỏ đi cũng như hành động vì môi trường xanh của thành phố. “Tham vọng” của các bạn học sinh này là từ lợi nhuận có được của dự án, sẽ xây dựng nhà vệ sinh cho người miền núi; trồng cây xanh cho nhiều vùng miền trên cả nước… Và tất cả chỉ mới bắt đầu.

“Sau hơn một năm hoạt động, The People đã làm được những hoạt động ý nghĩa. Ngoài lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ, The People quyết định dành toàn bộ số tiền bán vé năm nay (30.000-40.000 đồng/vé), cộng với việc bán đấu giá các sản phẩm được trưng bày và các sản phẩm handmade đến Zó Project - một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận để bảo tồn và phát triển nghề làm giấy dó truyền thống của Việt Nam”, theo Nguyễn Ngọc Thùy Vi, thành viên The People.

Theo Uyên Phương (Tiền Phong)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây