Chuyện những người “dám” chống lại tục trộm vợ

Thứ năm - 03/05/2018 06:18
Không như nhiều cô gái cam tâm chấp nhận làm vợ khi chưa kịp lớn, Hà Thị Hồng T. đã hai lần dũng cảm chống lại “hủ tục” trộm vợ. Nữ sinh này hoàn toàn không đơn độc trong “cuộc chiến” chống lại những biến tướng của tục trộm vợ ở Quỳ Hợp (Nghệ An).
Nữ sinh hai lần suýt bị trộm làm vợ

Sự việc xảy ra gần 1 tháng, cuộc sống của Hà Thị Hồng T. (lớp 12, Trường THPT Quỳ Hợp 3) đã trở lại bình thường. Em vẫn tiếp tục đến lớp, vui đùa cùng bạn bè. Nếu không có sự dũng cảm và nhanh trí, có lẽ giờ này T. đã là vợ của chàng trai xã bên, lớn hơn 4 tuổi.

Chỉ trong vòng 4 ngày, từ đêm Mùng 1 đến Mùng 4 Tết Nguyên đán vừa qua, T. đã phải 2 lần chiến đấu, chống lại nạn “trộm vợ”.

Hà Thị Hồng T. - nữ sinh 2 lần dũng cảm chống lại nạn trộm vợ để viết tiếp giấc mơ được đến trường

“Em có gặp anh ấy một lần vào năm ngoái, sau đó thì em xuống trường học nên cũng không liên lạc. Tối Mùng 1 Tết, anh cùng một số thanh niên đến nhà chơi. Bố bảo em đi mua rượu, anh chở đi. Thấy anh chở đi vòng vèo, em nghi nghi, đòi xuống nhưng anh không dừng xe lại.

Em sợ sẽ bị bắt về làm vợ nên dù xe đang chạy cũng liều nhảy xuống. Em bị ngã, chân đau lắm nhưng vẫn cố đi về nhà. Anh đi theo, ôm em đưa lên xe, em sợ quá, liều chạy vào nhà một người dân đang sáng đèn, gọi điện cho anh trai đến đón”, T. kể.

3 hôm sau, trong lúc đi từ nhà bà ngoại sang nhà thím, T. bị chàng trai này bắt lần thứ 2. Lần này, T. được chở thẳng về nhà chàng trai, ở đó họ đã chuẩn bị một mâm cơm, một chum rượu cần để chuẩn bị cho lễ “cúng ma nhà”.

“Em khóc, xin họ thả ra để về nhưng họ không thả. Họ bắt em ngồi trước mâm cơm để “cúng ma”. Em nhớ mẹ dặn nếu không ăn chung mâm, không uống chung chum rượu cần, làm đứt dây buộc hai cần uống rượu thì đám cưới sẽ không diễn ra nên em nhất quyết không ăn, không uống. Em cố gắng đạp đổ mâm cơm, bứt đứt sợi dây nhưng dây chắc quá, hằn hết vào tay, đau lắm”, Hà Thị Hồng T. nhớ lại.

Một cô gái trẻ bị nhóm thanh niên xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) trộm vợ giữa ban ngày. Sự việc xảy ra vào dịp Tết nguyên đán 2017 (ảnh cắt ra từ clip)

Trước sự chống cự quyết liệt của T. nghi lễ “cúng ma nhà” của chàng trai sau khi “trộm vợ” không thành. Dù vậy, họ cũng không thả cho em về mà cử người canh gác, phòng em bỏ trốn.

Cả đêm không thấy T. về, anh trai lo lắng nên đi tìm. Nhác thấy bóng anh trai đi qua ngõ, từ cầu thang nhà chàng trai, cô bé nhảy xuống đất, chạy ra ngồi lên xe anh. Nhóm trai làng quây lại, nhất quyết không cho anh em T. về. Phải đến khi đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà trường đến can thiệp, T. mới được về nhà.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, nhà chàng trai cũng bày biện mâm lễ sang xin cưới T. Vì con gái đã bị trộm về, đã bị “cúng ma nhà” họ, dù sao trong quan niệm của người Thái cũng đã “mất giá” nên bố em cho em tự quyết định. “Con không lấy chồng, con còn phải đi học”, T. quả quyết.

Chống lại “hủ tục”, kéo học trò trở lại trường

Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Hà Thị Hồng T. không phải là trường hợp duy nhất bị bắt làm vợ. Em là người duy nhất quyết liệt chống lại tục trộm vợ và đã thành công.

Ông Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 - người đã có lần trực tiếp giải cứu nữ sinh trường mình khỏi tục trộm vợ và nhiều lần thuyết phục, động viên học sinh bị trộm làm vợ hoãn đám cưới, tiếp tục trở lại trường

“Ngoài em T. còn có 2 nữ sinh khác bị trộm làm vợ. Hai em này khi các thầy cô biết tin và đến nhà thì các em đã hoàn thành nghi lễ “cúng ma”, gia đình đã nhận lời xin cưới của nhà trai. Rất may các em chưa kịp làm lễ cưới, và may hơn nữa, nhà trường cùng chính quyền địa phương đã thuyết phục được hai gia đình hoãn đám cưới và đồng ý cho các em tiếp tục học cho đến khi hoàn thành chương trình phổ thông”, ông Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 vui mừng thông báo.

Đây được xem là lần đầu tiên trường thành công trong việc không để mất học sinh vì tục trộm vợ. Năm 2016-2017, có 3 nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 là Lô Thị Xuân V. (SN 2000), Lô Thị T. (SN 1999) và Hà Thị D. (SN 1999) bị "trộm" về làm vợ. Trong số này chỉ có em Lô Thị T. còn tiếp tục đến trường. Năm học 2015- 2016, có 4 nữ sinh của trường phải nghỉ học sau khi bị trai bản trộm vợ.

“Những năm trước đây, trung bình mỗi năm nhà trường mất từ 5-6 học sinh bởi tục trộm vợ”, ông Nguyễn Minh Đạt thông tin thêm.

Là nơi có hơn 90% học sinh con em người dân tộc Thái, trong đó gần 60% là nữ sinh, trước đây trung bình mỗi năm Trường THPT Quỳ Hợp 3 có 5-6 em bị trộm làm vợ. Những năm gần đây, số học sinh bị trộm vợ giảm xuống còn 3-4 trường hợp/năm

Bởi nạn “trộm vợ” nên các thầy cô giáo ở đây luôn phải trong trạng thái “trực chiến”. Chính thầy Đạt cũng đã từng trực tiếp giải cứu học trò khỏi một vụ trộm vợ. Đó là một đêm đầu tháng 1/2007, đang nghỉ trong phòng, thầy Đạt choàng bật dậy khi nhận được thông tin học sinh Lô Thị T. (lớp 11C) bị 6 thanh niên “trộm vợ” ngay trước dãy trọ cạnh trường.

Lúc này T. đã bị Sầm Văn Đ. (xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) cùng 5 thanh niên khác đưa lên xe máy chạy theo hướng về xã Châu Hồng. Thầy Đạt nhảy lên xe máy đuổi theo. Đến bản Nhang (xã Châu Cường, Quỳ Hợp), thầy Đạt đuổi kịp nhóm thanh niên và ép được chiếc xe chở em T. dừng lại.

Một mình giữa 6 thanh niên trẻ đối với thầy Đạt mà nói nếu có xung đột xảy ra chắc chắn sẽ là một cuộc chiến không cân sức. Tuy nhiên, nhóm thanh niên kia biết đây là thầy giáo nên cũng không dám manh động. Trong khi thầy Đạt nắm được tay em T. để giữ lại thì nhóm thanh niên kia cũng cố kéo nữ sinh này lên xe. Rất may các thầy giáo trong trường cũng đuổi kịp. Không “trộm” được em T., nhóm thanh niên liền bỏ chạy.

Nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 xem các đoạn phim tư liệu về những biến tướng của tục trộm vợ, bắt vợ trong một buổi truyền thông chống trộm vợ, tảo hôn do BGH nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức

Được giải cứu kịp thời, Lô Thị T. không bị trộm làm vợ mà vẫn tiếp tục việc học tập. Trong khi đó, nhóm thanh niên kia cũng bị UBND xã Châu Hồng xử phạt từ 200 đến 300 nghìn đồng.

“Bị trộm vợ trong thời gian các em đang đi học (hầu hết các học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 ở nội trú hoặc ở trọ gần trường để tiện đi học – PV), nếu nhận được thông tin chúng tôi sẽ bằng mọi cách để can thiệp, không để các em bị trộm. Tuy nhiên, phần lớn các vụ học sinh của trường bị trộm làm vợ lại xảy ra vào dịp nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, các em lại ở các xã vùng sâu, vùng xa nên khi nhà trường biết được thì các em cũng đã hoàn tất các thủ tục theo phong tục của đồng bào Thái hoặc đã làm lễ cưới xong. Khi đó, nhà trường sẽ rất khó can thiệp để đưa các em trở lại trường”, ông Đạt chia sẻ.

Theo Hoàng Lam Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây