Chuyện đời đặc biệt "dị nhân" mù có tài mở khóa

Chủ nhật - 29/04/2018 19:57
Bước sang tuổi 73 nhưng ông Phan Văn Dương ở xóm Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.

Ông Dường và bà Thúy hạnh phúc bên căn nhà được xây dựng bằng tiền do chính tay mình kiếm được.  Ảnh: TG

 
Số phận nghiệt ngã khiến ông bị mù hai mắt bẩm sinh, thế nhưng ngược lại ông có tài sửa khóa giỏi và mở được tất cả các loại khóa. Cộng thêm tài hát hay, đánh đàn giỏi, ông đã kết duyên cũng một thiếu nữ xinh đẹp. Ngày hè, trong đêm trăng sáng, ông lại cùng vợ ra bờ đê làng đánh đàn ca hát rồi tâm tình cùng bạn bè, làng xóm. Câu chuyện về cuộc đời ông khiến không ít người cảm động và khâm phục.
 
Gian nan học nghệ

Đến đầu xã Đức An hỏi thăm nhà ông Dương, ai cũng tận tình chỉ đường. Bà con nơi đây thường gọi là ông Dương “khóa”, cái tên như chính cái nghề gắn với cuộc đời ông vậy. Ông Phan Văn Dương sinh năm 1938, là con cả gia đình có 3 anh chị em, thế nhưng nỗi bất hạnh lại đến với ông từ khi mới lọt lòng. Ông kể: “Lúc sinh ra, tui đã bị mù cả hai mắt có nhìn thấy gì đâu. Cha mẹ tui mất sớm, cả mặt cha mẹ tui cũng không biết. 3 anh chị em chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Hàng ngày, mấy anh em ra đồng mò cua, bắt ốc để mưu sinh”. Là con cả trong nhà nên ngay từ thuở ấu thơ, Dương đã phải cơ cực trăm bề, gánh vác việc gia đình. Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng vì không muốn mình là người thừa, người ăn bám nên Dương quyết định đi xa làm thuê nuôi sống mình và kiếm tiền gửi về cho các em ăn học.

Nơi đầu tiên mà ông Dương đặt chân đến là Nghệ An, rồi đến Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Không có tiền đi tàu xe, ông chủ yếu đi bằng đôi chân của mình. Nghe ai bảo ở đâu có việc làm là ông lại đến, ai thuê gì thì ông làm nấy miễn là có tiền. Được một thời gian, ông Dương tích cóp được một số tiền kha khá. Với mong muốn sẽ học được một cái nghề để tự nuôi sống bản thân, ông đã lặn lội vào tận Sài Gòn để tìm việc. Nhiều ông chủ thấy Dương là người khiếm thị muốn xin việc liền từ chối ngay. Suốt 2 năm phiêu bạt trên đất phương Nam xa xôi, ông vẫn chưa tìm được một nghề gì phù hợp. Không nản chí, Phan Văn Dương quyết định trở ra miền Bắc. Ông lăn lộn làm bốc vác thuê ở các bến xe, ga tàu rồi học đan nón, làm bánh cuốn…nhưng cuối cùng chẳng nơi nào nhận truyền lại bí quyết nghề cho ông cả. Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, con chim bay mãi cũng mỏi cánh. Chính vì thế mà đất cảng Hải Phòng là nơi dừng chân cuối cùng mà ông Dương lựa chọn. Ông bảo ngày ấy Hải Phòng có cái nghề sửa khóa đang “hái” ra tiền. Vốn bỏ ít mà không phải bươn chải ngược xuôi, lại rất phù hợp với hoàn cảnh của mình. Mắt mù học nghề rất khó khăn, hỏi người ta cũng không ai chỉ bảo. Dù không được truyền nghề nhưng bằng trí thông minh của mình, ông vẫn học được nghề sửa khóa. Ông Dương kể: “Để học được nghề này, tui đã phải mang khóa của mình ra nhờ người ta sửa hộ rồi lọ mọ, mày mò “học mót” chứ người ta có chỉ bảo cho đâu. Lâu đần liền trở thành kinh nghiệm cho bản thân”.

Hỏi về ông Dương, dân làng nơi đây tranh nhau kể: “Ông ấy tốt tính và có trí nhớ tốt lắm. Kể từ khi học lỏm được nghề sửa khóa, ông Dương về quê để mưu sinh. Cũng từ đây ông sống nhờ vào việc sửa khóa. Hằng ngày, bất kể nắng nực hay mưa gió, hễ có ai đến gọi là ông lại tay xách nách mang đồ nghề rồi lọ mọ đến sửa cho người ta. Tiền công mỗi lần sửa chỉ dăm ba nghìn, nhà nào nghèo thì ông không lấy tiền. Ông bảo ông yếu sức, lại không nhìn thấy đường nên kiếm được vài nghìn đong bát gạo đủ ăn cả ngày là quý lắm rồi.
 

Nhờ tiếng đàn bầu mà ông Dương “cưa” được vợ

 
Kết duyên qua tiếng đàn bầu
 

Bà Nguyễn Thị Lành, một người hàng xóm của ông Dương, hồ hởi nói cho chúng tôi: “Từ khi làm nghề sửa khóa đến nay, ông Dương chưa bao giờ “đầu hàng” một loại khóa nào. Có nhiều hôm tui thấy ông ấy “đánh vật” cả ngày với mấy cái ổ khóa quên cả bữa cơm. Có tay đại gia làm nghề buôn gỗ giàu thuộc hạng nhất, nhì Đức Thọ không may bị mất chìa khóa két sắt cũng đến nhờ ông Dương mở giúp”.

Không chỉ giỏi nghề mở khóa, ông Dương còn hát hay, đàn giỏi, biết đan lát và có thể tự mình xâu kim rồi khâu vá như một thợ may chuyên nghiệp. Bà Tạ Thị Thúy, vợ ông, cầm mấy chiếc rổ và sàng do ông Dương tự chẻ tre và đan lên khoe với chúng tôi: “Mấy cái này đem bán, đổi lấy thức ăn hàng ngày đấy chú ạ. Ông nhà tui khéo tay, hay làm lắm đó!”. Hỏi về mối tình của vợ chồng ông, ông Dương với tay cầm lấy chiếc đàn bầu tự chế treo ở vách tường rồi vừa đàn vừa ca bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”. Ông bảo: “Nhờ cây đàn và mấy bài hát mà tui “cưa” đổ bà nó”. Kể đến đây ông bỗng trầm tư, hai dòng nước mắt trắng đục trào ra từ đôi mắt sâu hoắm và làn da nhăn nheo như ruộng tháng sáu. Giọng ông Dương  như có vật gì chen ngang: “Trong một lần đang vác cái đàn bầu cặm cụi đi qua làng bên cạnh để về nhà thì bỗng tui nghe có giọng phụ nữ gọi thất thanh. “Này anh kia đi đâu mà vội thế, vào đây tôi nhờ chút việc”. Vào đến nhà, theo yêu cầu của gia chủ, ông Dương phải đánh đàn và hát một bài hát. Không ngần ngại, với tài năng âm nhạc thiên bẩm, ông Dương thể hiện chuyên nghiệp như một nghệ sĩ. Người phụ nữ kia hỏi: “Anh đi đâu về?”. “Dạ! Cháu đi chợ chọn mua lấy con “bò hai chân” (đi hỏi vợ) - Dương khôi hài. “Thế có mua được không?”, chủ nhà lại hỏi. Trong khi đang chưa biết trả lời thế nào thì người phụ nữ kia buông một câu nhẹ tênh: “Tôi sẽ bán cho anh con “bò hai chân”.”

Nấp sau cánh cửa nghe trộm mẹ nói chuyện với người thanh niên lạ, cô thôn nữ Tạ Thị Thúy như mê đắm khúc nhạc du dương, trầm bổng và giọng hát ấm áp của ông Dương. Không ngờ từ lần gặp gỡ ấy, Thúy và Dương nên vợ nên chồng. Hạnh phúc mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ khi Thúy sinh cho ông Dương đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Dù đói nghèo nhưng căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Ngày ngày ông Dương ở nhà chăm con thay vợ, còn bà Thúy đảm đang hết việc đồng áng. Từ ngày có con, ông Dương vui hơn và đi xa sửa khóa nhiều hơn. Lần lượt 5 đứa con có nếp, có tẻ chào đời khiến người cha mù được sống liên miên trong hạnh phúc.

Đi bộ mãi mỏi chân vì sức người có hạn, thế rồi ý nghĩ điên rồ lóe lên trong đầu người đàn ông khiếm thị là quyết định tập xe đạp để đỡ phần vất vả. Không ai tin được một người bị mù cả hai mắt mà dám tập đi xe. Bà Thúy kể: “Tui giật mình khi nghe ông nhà bảo mai mượn cái xe đạp của nhà hàng xóm để tập đi chứ đi bộ mãi mệt lắm, bắt xe thì tốn tiền. Tính ông đã bảo là làm nên tui cũng không thể cản nổi”. Sáng hôm đó, ông Dương lên nhà con ông bác, khó khăn lắm mới năn nỉ mượn được chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới cứng rồi nhờ mấy đứa trẻ con mang ra tít tận sân bóng đá của xóm. Lấy sân làm đường đi, đám trẻ con theo sau nheo nhéo hò hét inh ỏi làm “còi”, làm mốc ranh giới, làm người dẫn đường cho “lão hâm” thỏa lòng mong muốn.

Thông tin “Dương” mù tập đi xe đạp lan nhanh khắp nơi như một chuyện động trời. Buổi tập đầu tiên ấy, những vết thương bầm tím trên trán, chân và tay vì những lần đo đất, chiếc xe mới cứng đi mượn biến dạng. Bà Thúy phải bán mất 2 tạ lúa non để có tiền sửa lại chiếc xe nguyên vẹn. Không từ bỏ ý định, trong làng hễ ai có xe đạp là ông đều đến lân la đến mượn. Thấy ông có ý chí nên nhiều người cũng động lòng. Một tuần rồi hai tuần, những vết thương cũ chưa liền da thì vết thương mới lại tranh nhau kế cận. Thế rồi, nghị lực đã giúp Dương giữ được thăng bằng và đi được xe đạp như một người lành lặn. Chìa phần cùi tay và chân đầy những chiếc sẹo lồi lõm ra, ông Dương nói như minh chứng về sự khổ luyện: “Chú coi đó, không kiên trì còn lâu mới làm được”. Từ khi biết đi xe, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chắt chiu tằn tiện mãi, ông cũng sắm cho mình được chiếc xe đạp cà tàng để tiện việc chở đồ đi sửa khóa.

Từ những năm 1990, huyện Đức Thọ đã thành lập Hội người mù. Ông Dương được bầu vào ban chấp hành Hội người mù của huyện. Cũng chính thời gian hoạt động tại đây, ông đã có nhiều đóng góp trong việc thành lập Hội người mù huyện Đức Thọ, có nhiều sáng kiến trong việc thúc đẩy sự phát triển nghề trong hội như đan lát, làm tăm tre, đồ mỹ nghệ… Là một thành viên tích cực của Hội, những ai có hoàn cảnh éo le, khó khăn, ông đều đến tận từng gia đình động viên, thăm hỏi. Những việc làm và hành động của Phan Văn Dương được bà con nơi đây hết lòng ca ngợi và thán phục. Ông Dương vinh dự được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương Hội người mù Việt Nam. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ không có gì đáng giá ngoài những bằng khen được treo đầy kín cả mấy bức tường, ông Dương cười hiền từ: “Ở đời sống tốt cốt ở tấm lòng!”.

 Theo Phượt Gia (giadinh.net.vn)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây