Bao lần giành giật sự sống mong manh
Vốn là học sinh chuyên văn từ những khóa đầu tiên của trường Năng Khiếu Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, chị Hà được phân công về dạy ở trường PTTH ở huyện Can Lộc. Những tưởng rằng cuộc đời chị sẽ êm đềm với gia đình nhỏ yên ấm cùng đứa con trai kháu khỉnh.
Nhưng cuộc sống của chị đột ngột thay đổi khi đột nhiên chị thấy xuất hiện những cơn chóng mặt đau đầu lúc đứng trên bục giảng. Không muốn nghỉ dạy vì gần đến ngày thi cuối học kỳ, học sinh rất cần cô giáo, chị Hà đã cố gắng tiếp tục giảng dạy. Đến lúc học sinh nghỉ hè, chị mới quyết định ra Hà Nội khám bệnh. Kiểm tra từ bệnh viện Bạch Mai, đến Bệnh viện Việt Đức, bác sỹ mới cho chị hay chị bị u não, khối u đã ăn sâu vào một phần lớn của bán cầu não và buộc phải khẩn cấp mổ. Choáng váng với sự thật này, chị gắng gượng thu xếp tiền bạc để tiến hành phẫu thuật. Lương giáo viên của chị ba cọc ba đồng, bố mẹ chị buộc phải cầm cố cả sổ hưu để lấy tiền làm phẫu thuật cho con. Chị tràn đầy hy vọng vì tìm được bác sỹ giỏi, khối u tuy lớn nhưng may lại là u lành. Tuy nhiên, lần phẫu thuật ấy, bác sỹ cũng không thể nào bóc tách hết khối u, chân của khối u đã ăn sâu vào trong não nên không thể xử lý triệt để một lần được.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Hà đang tuyệt vọng trên giường bệnh
Sau lần phẫu thuật ấy, vì sức khỏe quá yếu chị không thể nào tham gia giảng dạy được nữa. Khối u sau vài tháng lại tiếp tục phát triển. Chị buộc phải nằm một chỗ, mỗi lần cố ngồi dậy là chị lại nôn thốc nôn tháo. Mọi sinh hoạt của chị đều do bố mẹ chị chăm sóc. Mọi gánh nặng đang dồn lên vai bố mẹ già, từ chăm sóc, lo lắng thuốc thang, ăn uống cho cả hai mẹ con chị. Thương bố mẹ giờ phải chăm con, chăm cháu ngoại, chị quyết tâm mổ lần hai. Số tiền hơn trăm triệu đồng phẫu thuần lần đầu chưa kịp trả, bố mẹ chị đành phải cầm cố nhà cửa đồng thời huy động thêm anh em họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, mỗi người một ít góp vào để tiếp tục làm phẫu thuật. Mỗi một lần phẫu thuật là một lần chị tưởng chết đi sống lại. Gặp chị trong bệnh viện không ai có thể ngờ rằng đấy là cô giáo mà cách đây một năm vẫn còn sôi nổi và nhiệt tình trên bục giảng, một tay vừa chăm con, vừa tham gia công tác đoàn đội.
Những tưởng sau lần phẫu thuật thứ hai, chị có thể khỏe mạnh lại như xưa. Nhưng không ngờ chưa kịp phục hồi sức khỏe thì vài tháng sau, khối u kia lại tiếp tục phát triển. Sức khỏe kiệt quệ sau mỗi lần phẫu thuật, chị không còn đủ sức để nói nữa. Bệnh viện lại hẹn chị phẫu thuật lần nữa… Tuy nhiên, ước mong về lần phẫu thuật lần tới càng xa vời khi mà bố mẹ chị giờ còn không đủ tiền để mà thuốc thang hằng ngày cho chị. Nợ cũ đè nợ mới, cả nhà đều nhìn nhau bất lực.
Kiệt quệ chờ chết vì thiếu tiền phẫu thuật
Chúng tôi đến thăm chị khi mẹ chị đang đi chợ bán rau vừa về. Từ ngày chị bị bệnh, mẹ chị lại còng lưng sớm tối đi chợ kiếm tiền. Bố chị ở nhà vừa trông con, vừa trông cháu. Vì khối u to chèn ép làm chị luôn đau đớn, không còn nói nổi, nhưng những giọt nước mắt của chị cứ tuôn chảy, ánh mắt chị đau đáu nhìn con thơ, nhìn bố mẹ già làm mọi người không khỏi đau đớn, quặn lòng.
Ở tuổi mới ngoài ba mươi, chị xót xa cho phận mình mang bạo bệnh không biết sống chết lúc nào, con gái chị hơn 6 tuổi rồi mà ốm đau liên miên, nhỏ thó như đứa trẻ lên ba lên bốn. Cuộc sống của hai mẹ con chị giờ chỉ trông cậy vào bố mẹ già. Trong khi đó, sự sống của chị cũng không biết kéo dài được đến khi nào, vì khối u vẫn đang liên tục phát triển. Theo như hội chẩn của bác sỹ bệnh viện Việt Đức thì nếu mổ sớm chị mới có cơ hội sống sót. Chị chỉ ước mong sao mình có tiền để phẫu thuật lần nữa, giành giật lấy cơ hội được khỏe mạnh trở lại để tiếp tục trở lại bục giảng, kiếm tiền nuôi con, nuôi bố mẹ già.
Mẹ chị nhìn con mà nghẹn ngào. 'Để ngày nào qua là tôi cắt ruột gan ngày đó vì cơ hội càng mong manh hơn. Nhưng trong nhà không còn gì để mà cầm cố được nữa, lại còn đứa cháu ngoại một tháng đôi ba lần vào viện…”, Hà nói.
Mọi giúp đõ xin gửi về: cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà – giáo viên trường THCS Quang Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh.
Theo Nguyễn Việt Hà (Người đưa tin)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn