“Vật thể lạ” trong nhà vệ sinh
Nhận biết nhu cầu thuê nhà trọ ngày càng lớn nhiều gia đình ở thành phố hay gần các khu công nghiệp, trường đại học... đã không ngại đầu tư xây phòng cho thuê. Nếu như nhiều người thuê trọ than vãn vì giá tiền thuê ngày một cao lại tỷ lệ nghịch với chất lượng phòng trọ thì cũng không ít chủ nhà trọ cũng phải "kêu trời" vì những thói quen, tật xấu của người thuê.
Bà Thảo, chủ 1 dãy trọ ở phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, chia sẻ: “Dãy nhà trọ của tôi vừa mới xây, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì 2 cô bé sinh viên ở phòng 1 đã kêu toilet bị tắc. Hai vợ chồng tôi dùng dụng cụ để thông thì phát hiện 1 miếng vải nhăn nhúm bị mắc sâu trong bồn cầu. Nhìn kỹ thì hóa ra là một chiếc quần chip phụ nữ”.
Theo bà Thảo, ngoài sự cố trên thì dù trên miệng lỗ thoát nước của nhà tắm đã có nắp ngăn rác nhưng nhiều sinh viên vẫn cố tình mở nắp để xả nước cho nhanh, mặc kệ rác thải trôi xuống ống thoát nước. Ngày nào bà cũng phải nhắc, mỏi mồm mà rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Chị Xuân chủ nhà trọ ở Văn Giang, Hưng Yên cũng rất bực mình vì nhiều bạn gái thuê trọ thiếu ý thức chung. Chị cho biết, nhà chị có 10 phòng trọ với 4 nhà vệ sinh, nhà tắm chung. Chị than thở: “Nhiều em gái còn cuộn tròn rồi nhét băng vệ sinh đã sử dụng lên các khe cửa nhà vệ sinh, nhà tắm của dãy trọ.
Thậm chí, có cô còn lười đến mức ném toẹt băng vệ sinh bẩn giữa sàn dù giỏ rác nằm ngay bên cạnh. Chỉ đến khi tôi đưa ra quy định phạt 200 nghìn nếu phát hiện vứt rác bừa bãi thì hành vi vô duyên trên mới giảm hẳn”.
“Của chùa” dại gì không xài
Chị Linh chủ trọ ở đường Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho rằng, nhiều người cứ suy nghĩ đơn giản rằng, làm nghề cho thuê phòng trọ nhàn nhã chỉ cần bỏ một số vốn xây nhà rồi chỉ cần ngồi chơi chờ cuối tháng vác sổ đến các phòng trọ thu tiền nhưng ít ai biết rằng chủ trọ cũng đã phải bỏ một số tiền lớn để xây phòng và một khoản không nhỏ để tu bổ, sửa sang lại phòng sau khi người thuê chấm dứt hợp đồng.
Tại xóm trọ của chị Linh, đồ dùng sinh hoạt của từng phòng như bóng điện, vòi nước, cánh cửa nhà tắm… thường xuyên phải bỏ tiền sửa và thay đồ liên tục vì sinh viên xài “đồ chùa” rất thiếu ý thức giữ gìn.
Một dãy xóm trọ ở phường Long Biên |
“Lúc đầu tôi còn mua chổi quét sân hay sọt rác để các phòng dùng chung nhưng chỉ được thời gian ngắn cái thì hỏng cái thì mất… Cuối cùng, tôi không sắm nữa mà để phòng ai người nấy lo thì chả thấy ai kêu mất mát hay hư hỏng gì”.
“Có 2 cậu sinh viên trước khi chuyển đi còn cuỗm luôn bóng điện mới toanh của chủ trọ thay vào đó là 1 cái bóng cũ, bị hỏng. Do trả phòng vào ban ngày nên chúng tôi đâu có biết là bóng bị hỏng”, chị Linh than vãn trước tính “táy máy” của một số sinh viên.
Không chỉ các vật dụng sinh hoạt mà trong việc sử dụng điện, nước sinh viên cũng rất thiếu ý thức là nhận định của chị N.,chủ nhà trọ ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
Chị cho biết: “Năm 2010, tôi quy định với sinh viên thuê phòng trọ giá tiền nước là 40 nghìn/người. Tuy nhiên, đến cuối tháng, vợ chồng tôi phải choáng váng vì hóa đơn tiền nước cao khủng khiếp. Lý do là các sinh viên ở đây suy nghĩ 'đằng nào cũng đã mất 50 nghìn/người tiếc gì mà không dùng cho thoải mái'”.
Theo chị, vì không tính cụ thể tiền nước nên nhiều người thuê nhà đã thoải mái để nước chảy tràn trề ra cả nhà tắm cũng không thèm khóa, có sinh viên còn cho bạn ở xóm trọ bên cạnh sang xách nước về dùng “tẹt ga” lúc chủ trọ đi vắng… “Nhưng từ khi tôi đầu tư lắp đồng hồ riêng từng phòng và thu tiền nước (3.000 đồng/khối) thì số tiền phải trả chỉ bằng…một nửa tháng trước đó”.
Thậm chí, nhiều sinh viên còn bày đủ trò ranh mãnh để ăn gian tiền nước. “Sáng đi học các cậu ấy lấy 1 chậu lớn rồi vặn nhẹ vòi nước để nước chảy nhỏ giọt vào chậu. Nước chảy quá nhỏ nên kim đồng hồ nước không quay. Đến trưa đi học về, các cậu có nước dùng thoải mái”, chị T. bức xúc.
Dù số tiền nước bị ăn gian không phải là nhiều nhưng hành vi này của các sinh viên nam đã khiến chủ trọ mất cảm tình. Nhiều chủ trọ sẵn sàng ghi chú “chỉ cho nữ thuê” tại các mục rao vặt cho thuê phòng trọ vì quá hãi những quái chiêu của các nam sinh.
Bùng tiền
Chuyện người thuê bùng tiền nhà là nỗi ấm ức lớn nhất của các chủ nhà trọ. Nhiều năm trước, không ít sinh viên đã lợi dụng lòng tin của chủ nhà trọ để xin khất nợ rồi bỗng nhiên “bốc hơi” trong một đêm. Không có thông tin về người thuê trọ nên nhiều chủ trọ đã phải “nuốt” sự bực tức vào người.
Nhưng hiện nay để tránh các tình trạng trên nhiều chủ trọ đã “áp dụng biện pháp mạnh” là yêu cầu nộp tiền nhà ngay từ đầu tháng. Nếu quá ngày chủ trọ sẽ cắt nước, cắt điện hoặc khóa cửa phòng để buộc người thuê nộp tiền. Anh Thanh, chủ một dãy phòng trọ ở khu vực Từ Liêm, Hà Nội, vẫn ấm ức vì một lần “ăn quả lừa” rất ngoạn mục.
Anh cho biết: “Đầu tháng 5/2012 một sinh viên nam đến nhà tôi xin thuê nhà trọ. Tôi yêu cầu ký hợp đồng và nộp tiền trước thì em này xin khất sang ngày mai vì đợi bạn cùng phòng ở quê lên mới đủ tiền để nộp. Thấy em trình bày hợp lý nên tôi cũng đồng ý. Ngay tối hôm đó anh chàng này kéo một đám bạn khoảng 20 người đến bày tiệc ăn uống ầm ĩ ở phòng trọ với lý do “rửa phòng nên khao các bạn 1 bữa”.
Đến chiều hôm sau tôi sang thu tiền phòng thì thấy cửa phòng mở toang, phòng trọ ngổn ngang rác từ bữa nhậu hôm qua.
Anh cho biết, hóa ra để có địa điểm nhậu nhẹt cho đông người (phòng trọ của anh rộng 30m2) mấy anh chàng này đã bày ra “kế” này. Trước khi bỏ đi, đám thanh niên này cũng không quên chôm luôn bộ khóa phòng còn mới tinh.
Theo VNN
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn