1. KHÁI NIỆM VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ):
Năm 1985 tổ chức Y tế thế giới định nghĩa "ĐTĐ là một tình trạng tăng đường huyết mãn tính, đôi khi kèm theo các triệu chứng khát nhiều, đái nhiều, sút cân và đờ đẫn”.
Năm 1997, định nghĩa về ĐTĐ đã có sự thay đổi: "ĐTĐ nằm trong nhóm các bệnh chuyển hoá với đặc điểm tăng đường huyết do khuyếm khuyết về tiết insulin, tác dụng của insulin hoạc cả hai. Tăng đường huyết do đái tháo đường thường kết hợp với tổn thương kéo dài, rối loạn và suy những cơ quan khác nhau, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.
Năm 2003, theo Ủy ban chẩn đoán và phân loại bệnh đái tháo đường Hoa kỳ thì "ĐTĐ là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucoza máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin, hoạc cả hai. Tăng glucoza máu mạn tính thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.
Hình minh họa
2. PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ)
1/ ĐTĐ týp1 hay ĐTĐ phụ thuộc insulin, thường gặp ở tuổi trẻ, tuổi vị thành niên. Nó thường kết hợp với các bệnh tự miễn khác như bệnh basedow, bệnh viêm tuyến giáp tự miễn hay bệnh Addison. Cũng có thể có ĐTĐ týp 1 không rõ nguyên nhân (hay gặp ở châu Phi hoạc châu Á).
2/ĐTĐ týp 2 hay ĐTĐ không phụ thuộc insulin, thể này gặp ở người trưởng , người trung niên trở lên, liên quan đến lối sống chể độ sinh hoạt, ăn uống khá nhiều.
3/ ĐTĐ ở phụ nữ đang mang thai và một số thể ĐTĐ đặc biệt khác,
trong đó có thể do sử dụng một số loại thuốc, hoá chất…
Hình minh họa
3. CHẨN ĐOÁN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ)
Một người bệnh được khẳng định là bị ĐTĐ nếu ở bất cứ thời điểm nào trong ngày có glucoza huyết tương từ 11,1 mmol/l (200mg/dl) trở lên hoạc glucoza xét nghiệm 2 lần khi đói từ 7,8 mmol/l ( 140mg/dl) trở lên. Sẽ không nghĩ đến ĐTĐ khi glucoza huyết tương dưới 5,5 mmol/l (100mg/dl).
Nếu ở trong khoảng giữa 2 mức trên thì làm nghiệm pháp tăng đường huyết: Uống 75gram glucoza với 250ml nước, sau 2 giờ mà glucoza huyết tương vẫn ở mức trên 11,1 mmol/l thì bị coi là ĐTĐ.
HbA1c cao, từ 6,5% trở lên.
Gần đây, các khái niệm giảm dung nạp, rối loạn dung nạp (IGT) đối với glucoza huyết và suy giảm glucoga huyết lúc đói (IFG) được coi là tiền ĐTĐ.
Đặc điểm nổi bật của tiền ĐTĐ là không có bất cứ một dấu hiệu hay một triệu chứng gì nên cần phải theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ĐTĐ typ2 bao gồm các yếu tố sau: Thường xuyên cảm thấy đói, cân nặng giảm ngoài ý muốn hoặc tăng cân, có triêu chứng tương tự như cúm bao gồm mệt mỏi, nhìn mờ, vết thương lâu lành hoặc xuất hiện nhiều vết thâm tím trên người, có cảm giác đau nhói hoặc mất cảm giác ở tay chân, hay bị nhiễm trùng lợi hoặc viêm da, hay bị viêm âm hộ hoặc nhiễm khuẩn bàng quang. Và nguyên nhân có thể là do mất ngủ, có hội chứng chuyển hoá hoặc rối loạn glucoza máu, tăng huyết áp, tăng triglycerid máu, thừa cân béo phì, phụ nữ sinh con trên 4kg…
Nói cách khác, tiền ĐTĐ là sự bất thường trong giai đoạn sớm của ĐTĐ cần phải được quan tâm đề phòng và phát hiện sớm.
Hình minh họa
4. DỰ PHÒNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ)
Mục tiêu của dự phòng bệnh ĐTĐ là làm chậm sự khởi phát ĐTĐ týp2, giữ gìn chức năng tế bào bêta của tuyến tuỵ, phòng và làm chậm lại các biến chứng các mạch máu lớn và các mạch máu nhỏ. Béo phì là một yếu tố gây bệnh rất quan trọng nên rất cần tăng cường hoạt động thể lực (tập luyện 45 phút/ngày, 5 ngày/tuần) và giảm cân (tối thiểu giảm đi 5-10% cân nặng hiện có), thay đổi lối sống, thực hiện bữa ăn cân đối, giảm đường bột, giảm chất béo giảm muối trong khẩu phần ăn là rất cần thiết.
Hình minh họa
5. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ)
- Giảm đường bột, tỷ lệ calo do đường bột cung cấp chỉ nên là 45-50% , do chất béo 25-30%, do chất đạm 15-20%. Nếu béo và cần giảm cân thì số calo chỉ nên là 20 kilocalo/kg thể trọng/ ngày.
- Tăng cường những thức ăn từ rau, củ ,quả ít ngọt, có nhiều chất xơ, cung cấp đủ vitamin nhất là vitamin nhóm B vì nó làm tăng chuyển hoá chất dường bột và ngăn ngừa tạo thể cetonic.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn những thức ăn có chỉ số đường huyết cao vì sau khi ăn lượng đường vào máu nhanh và tăng cao , ăn nhiều những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp vì sau khi ăn những thức ăn này lượng đường vào máu từ từ vào ít cao hơn.
Hình minh họa
6. GIỚI THIỆU CHỈ SỐ ĐƯỜNG HUYẾT (GLYCEMIC INDEX - GI) CỦA MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM:
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao ( GI từ 70% trở lên):
Bánh mỳ trắng 100, bánh mỳ toàn phần 99. Bột dong 95.Yến mạch 85. Gạo tẻ giã trắng 83. Gạo giã dối 72.
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình ( GI từ 56-69%):
Khoai sọ 58. Khoai lang 56.
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp ( GI từ 40-55%):
Sữa chua 52. Củ từ 51. Sắn 50.
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết rất thấp ( GI dưới 40%):
Lúa mạch 31. Diecerna : 27,6 ( sản phẩm của Cty cổ phần sữa Việt Nam- Đánh giá của Viện Dinh dưỡng quốc gia-2012.
Hình minh họa
PGS.TS.BSCC.Trần Đình Toán
Trung tâm Dinh dưỡng VNM