Cay đắng dự án thép tỷ đô: Phá sản là may

Thứ ba - 06/06/2017 20:36
Dù gây ra hậu quả xấu cho nhiều địa phương nhưng sự thất bại từ đầu của các dự án thép tỷ đô có khi lại là may. Bởi nếu các dự án đi vào hoạt động, nhất là các dự án có công suất 5 triệu tấn/năm tới 15 triệu tấn/năm của những nhà đầu tư kém năng lực thì thảm họa có thể còn kéo dài.

Phá vỡ quy hoạch

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, quy hoạch thép được đến năm 2025 mới đạt tổng công suất 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng số siêu dự án thép được cấp phép giai đoạn 2006-2008 đã có tổng công suất trên 30 triệu tấn/năm,gấp 1,5 lần với quy hoạch.

Điều đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan không chỉ phá vỡ quy hoạch riêng ngành thép, mà còn phá vỡ quy hoạch của nhiều các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển. Đặc biệt là môi trường vì ngành thép so với các ngành công nghiệp khác được xếp vào công nghiệp ô nhiễm.

Việc bố trí các Liên hiệp luyện kim cũng không hợp lý. Như khu vực Thạch Khê (Hà Tĩnh) có tới 4 dự án liên hợp luyện kim công suất từ 2 đến 15 triệu tấn/năm. Đây là một điều không tưởng, vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho cả 4 dự án lớn này.


Ngành thép - điển hình của phá vỡ quy hoạch

Chính vì thế, với sự thất bại của các dự án thép, nhiều chuyên gia cho rằng, phá sản cũng là may. Bởi nếu đi vào hoạt động, nhất là các dự án có công suất 5 triệu tấn/năm tới 15 triệu tấn/năm của những nhà đầu tư yếu kém sẽ là thảm họa lâu dài cho Việt Nam.

Một dự án thép thường chiếm từ 1.000 đến 3.000 ha đất, chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, sản xuất gang thép cũng cần nguồn nước rất lớn mà nhiều địa phương khó đáp ứng. Theo tính toán, 1 dự án thép cỡ 5 triệu tấn, mỗi ngày cần từ 150.000-200.000m3 nước, một năm cần hàng trăm triệu m3 nước, đây là vấn đề không dễ giải quyết.

Chẳng hạn như với dự án của Formosa tại Hà Tĩnh, cần tới cả trăm triệu mét khối nước mỗi năm, trong khi 2 hồ chứa nước hiện có là Sông Trí và Kim Sơn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh phải xây dựng thêm hồ chứa Rào Trổ. Hà Tĩnh, không phải là nơi có dư thừa nước, việc bảo đảm nguồn nước tưới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong mùa khô, luôn là bài toán nan giải của các địa phương.

Liệu dự án của Formosa với đề xuất mới nhất, nâng công suất lên 22,5 triệu tấn/năm có làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp sinh hoạt của địa phương này vào mùa khô?.

Bà Rịa- Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu về số lượng dự án thép được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả nước với 18 dự án. Các dự án thép tiêu thụ một lượng điện, nước quá lớn, trở thành gánh nặng của địa phương. Trong 18 dự án thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 dự án được cấp phép ngoài quy hoạch, không hề thông qua ý kiến tham khảo phê duyệt của Bộ Công Thương.

Địa phương này cuối cùng cũng đã nhận ra và tuyên bố không cấp phép thêm cho dự án thép nào nữa, rà soát lại các dự án thép trên địa bàn, cái nào không khả thi sẽ loại bỏ.

Thảm họa môi trường

Vấn đề tác động môi trường cũng là điều đáng lo ngại. Theo các nhà khoa học, để sản xuất được một tấn thép thô sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ.

Đây là loại rác thải Việt Nam vẫn chưa có cách xử lý. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải độc hại. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại...

Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít và cùng với bụi kim loại sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người dân trong khu vực.

Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép Việt Nam sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân thêm 1,5 tấn khí CO2.

Không chỉ có thế, trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác cho cả sức khỏe của người, động vật và môi trường như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho... thải ra môi trường. Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%.

Thử tưởng tượng, nếu các siêu dự án thép với tổng công suất cỡ 40 triệu tấn/năm khi đi vào hoạt động thì môi trường Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào. Đó là chưa kể công suất sản xuất thép tại Việt Nam chắc chắn sẽ vượt gấp 3-4 nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu èo uột thì đâu là “lối ra” cho những siêu dự án này? Chắc chắn hậu quả lúc đó sẽ còn lớn hơn nhiều.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, không khả thi khi xây dựng các nhà máy thép lớn tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/năm. Việc xây dựng nhà máy thép có công suất 5 triệu tấn/năm cũng đã là một thách thức. Nếu đã xây dựng đều phải được tiến hành bởi các tập đoàn sản xuất thép rất nổi tiếng và có công nghệ sản xuất thép từ hơn 50 năm. Sẽ rất rủi ro nếu mong đợi các nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong sản xuất thép đầu tư vào các siêu dự án thép.

Không những thế, các dự án lớn thường được ưu đãi lớn, kéo dài vì vậy đóng góp cho kinh tế địa phương không hẳn đã lớn.Với những lý do trên, chắc chắn trong vòng 15-20 năm tới, Việt Nam không thể trông đợi vào những siêu dự án thép.

Theo Trần Thủy Vietnamnet

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây