Cây cao su trên đất Hà Tĩnh: Biết đầu tư, sẽ tạo hiệu quả bền vững

Thứ tư - 07/06/2017 16:41
Qua nhiều năm đưa cao su về đất Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã chứng minh rằng: mảnh đất này đã thích ứng cho cây cao su bén rễ và tích mủ, sản phẩm cao su Hà Tĩnh đã có mặt tại thị trường trong nước và ngoài nước, được khách hàng đánh giá cao.


Công ty nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê chăm sóc cao su trên đất Sơn Hồng (Hương Sơn)

Vào thời điểm năm 1996 -1998, Lâm trường Trồng rừng Truông Bát tuy được Bộ NN&PTNT đánh giá là “đơn vị có thành tích trồng rừng và bảo vệ rừng tốt” nhưng sự thật đơn vị đang rơi vào “khủng hoảng”. Hàng trăm công nhân thiếu việc làm và được cho “tùy nghi di tản” miễn sao người lao động có tiền đóng nộp BHXH để chờ đợi đủ niên hạn nghỉ hưu. Không ít đối tượng nghỉ thôi việc theo chế độ 176 hưởng trợ cấp 1 lần. Tư tưởng người lao động chán nản, bi quan, cán bộ làm công tác quản lý như ngồi trên lửa. Ông Trần Ngọc Sơn nhớ lại: “Lúc đó, tôi giữ chức Giám đốc Lâm trường Truông Bát, nghĩ vừa thương công nhân vừa thương cho phận mình, bởi trong két sắt tập thể có lúc sạch nhẵn tiền, đi công tác xa tôi phải về nhà xin tiền của vợ”. Giữa lúc đang loay hoay tìm lối ra, may mắn có một người mách nước nên chuyển hướng trồng cao su để cứu vãn tình thế”.

“Vận may” đã đến với Lâm trường Trồng rừng Truông Bát khi dự án về chuyển hướng trồng cây cao su đã được Tập đoàn Cao su Việt Nam và lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, qua một chặng đường dài hơn 12 năm bền bỉ, doanh nghiệp này đã khẳng định được vị thế của mình trong quá trình hoạt động. Một số cánh rừng cao su ở các nông trường đã đến tuổi khai thác, thu được lợi nhuận khá. Đến tháng 2/2013, đơn vị đã có tổng diện tích hơn 6.857 ha, trong đó diện tích liên kết hơn 1.262 ha. Điều đáng mừng, hơn 2.516 ha khi đưa vào khai thác hầu hết đều có nguồn mủ dồi dào. Theo cán bộ kỹ thuật của công ty phân tích: “Có 3 yếu tố đó là: đất đồi thích ứng với cao su; sự chăm chỉ lao động và lao động có kỹ thuật của công nhân từ khâu trồng đến chăm sóc và bảo vệ; yếu tố khí hậu, thời tiết khá thuận lợi”. Trong năm 2012, nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, công nhân đã tận dụng được hết số ngày cạo trong năm. Trong số diện tích đã được khai thác, diện tích cạo mới năm 2012 là 209,54 ha. Năng suất bình quân toàn Công ty đạt 103 tấn/ha, điển hình, Nông trường Hàm Nghi năng suất bình quân đạt 1,14 tấn/ha. Cùng với khai thác là công tác chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng cao su tại các nông trường. Từng đơn vị đã tiến hành chăm sóc vườn cây, trang bị đầy đủ máng che mưa và tấm che, áp dụng kích thích mủ và bón phân vườn cây đầy đủ, đào hố tích mùn cho vườn cây được khai thác.

Không chỉ tận dụng hết nguồn quỹ đất để trồng cao su, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh bằng sự năng động của mình cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã vươn sang nước bạn Lào để mở mang thêm những cánh rừng cao su mới. Hiện tại, đơn vị đã trồng được 226 ha, GQVL cho nhiều người với thu nhập ổn định. Mặc dầu phải chờ đợi thêm một thời gian nữa những diện tích cao su này mới cho khai thác, nhưng có một điều khẳng định chắc chắn rằng: cây cao su đã rất thích ứng trên đất Lào và trồng đâu cũng tươi tốt. Đất nước Lào ít chịu ảnh hưởng của gió to, bão lớn nên cây cao su phát triển bền vững và dồi dào lượng mủ, dự báo khả quan năng suất và sản lượng lớn.

Nhờ có hướng đi đúng và biết tổ chức quản lý trong SXKD, nên hiện tại, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã tạo việc làm ổn định cho 1.723 lao động, tiền lương xấp xỉ 4 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2012, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nguyên liệu mủ cao su giảm giá mạnh, nhưng đơn vị vẫn tiêu thụ được 2.918 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 812 tấn, nội tiêu 2.106 tấn với mức giá 59,2 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt 172 tỷ 810 triệu đồng. Công ty còn tạo điều kiện GQVL, tăng thu nhập cho hơn 600 hộ dân địa phương nhận khoán vườn cây, rừng trồng và đất lâm nghiệp.

Năm 2013, Công ty tiếp tục đưa vào cạo mới 151 ha để đạt diện tích 2.667 ha, phấn đấu sản lượng khai thác 2.908 tấn mủ, tăng hơn 12% so với năm 2012. Để đạt được mục tiêu này, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý tổ chức sắp xếp bộ máy nhân lực thật sự khoa học trong SXKD; tập trung cao độ công tác chăm sóc, đầu tư nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật trong từng công đoạn và quản lý chặt chẽ nguồn mủ được khai thác.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây