16 năm nay, hai ông bà sống trong túp lều nép mình bên đường tàu
Tổ ấm đơn sơ của hai mái đầu bạc vẻn vẹn một tấm phản nhỏ đủ 2 người nằm, đồ đạc không có gì đáng giá ngoài chiếc radio đã cũ.
Trước khi đến với nhau, hai ông bà đã từng sống ở quê nhà, mỗi người một hoàn cảnh.
Ông Sơn là bộ đội xuất ngũ, đã từng tham gia đánh Pháp, Mỹ. Năm 1986 ông trở về với mảnh đạn vẫn còn găm trên đầu, mỗi khi trái gió trở trời vết thương lại hành hạ khiến ông phải lên điều trị tại Bệnh viện 103 suốt thời gian dài. Ở nhà, vợ ông có người mới. Quá đau lòng, ông Sơn quyết định lên Hà Nội sinh sống.
Hoàn cảnh của bà Mận trước đó cũng éo le. Bà lên đường làm nhiệm vụ kháng chiến với vai trò là một thanh niên xung phong. Ở nhà, người chồng đã lấy vợ khác, đưa hẳn vợ bé về nhà sinh sống và giành quyền chăm sóc cô con gái của hai vợ chồng. Quá uất ức, bà bỏ nhà đi lên Hà Nội mò cua bắt ốc, nhặt rác kiếm sống qua ngày.
"Tôi xin vào làm nhân viên gác tàu tại điểm này. Mỗi lúc rảnh rỗi thường hay ra quán nước chè gần ga ngồi nhâm nhi. Ngồi đó, tôi hay thấy bà Mận gánh ốc, gánh trai qua bán, tôi thấy thương bà..." - ông Sơn kể về nơi bắt đầu của cuộc tình này.
"Vì giai đoạn đi điều trị trên này, tôi thấy bà quá khổ, một ngày đi mò ốc ở Hồ Tây được 40 nghìn thì đi xe ôm hết 30 nghìn nên mỗi ngày tôi gửi 20 nghìn cho anh bạn nhờ gửi hộ, giúp bà có cái ăn ngày hôm sau" - ông Sơn tâm sự
Ông Sơn kể tiếp: "Thấy thế, mọi người ở ga mới bảo, già rồi ông bà chẳng còn gì nữa, thôi thì dựa vào nhau mà sống, lúc ốm lúc đau... Sau tôi chuyển giấy tờ của bà ấy lên phường Cửa Nam. Hai người ở với nhau rồi nảy sinh tình cảm. Giờ mới có cặp đôi già này sống với nhau ở bên đường tàu như thế này chứ".
Từ đó đến nay đã 16 năm, ông Sơn và bà Mận đã chọn gác chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học làm tổ ấm. Tuy màn trời chiếu đất, cuộc sống khó khăn nhưng theo lời người dân xung quanh, họ sống rất hạnh phúc, được mọi người yêu quý kính trọng.
Chị Ly (nhân viên gác tàu) cho biết: Trước đây, bãi đường tàu này là nơi tập kết nghiện ngập, trộm cắp. Từ khi ông bà Sơn - Mận đến sống ở đây, nghiện ngập, trộm cắp... hết nhẵn.
"Tôi chứng kiến, có lần có mấy người đi tù về nằm ở đây gần chết, dân ở đây giúp ông bà, ông bà lại giúp những người đó. Có nhiều hôm, không có tiền, hai ông bà lại sang chỗ tôi hỏi: "Cô có tiền không cho tôi vay mấy trăm lấy tiền cho nó về quê chứu ở đây lại nghiện, lại đi ăn trộm ăn cắp"" - Chị Ly kể.
Chia sẻ thêm về việc làm góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội, ông Sơn cho biết, có lần ông bắt trộm, bị nó cắn vào tay đứt gân, thương tật 21%.
Nhiều người khi ra tù, ông mới tâm sự: "Chú đưa mày đi để mày làm lại cuộc đời, có thời gian suy ngẫm". Được biết, hiện có một số người làm ăn rất khấm khá.
Nhắc về gia đình cũ, ông Sơn cho biết mặc dù có 4 người con nhưng đã từ lâu các con không còn ai quan tâm tới cuộc sống của ông nữa. Ngồi bên chồng, đôi mắt bà Mận đỏ hoe: "Nhiều đêm tôi không ngủ được vì nhớ con. Nhưng con gái lại nghe lời bố nên cũng không một lần tới hỏi thăm. Còn tôi, trước còn sức khỏe còn hay đi nhặt rác. Giờ ốm yếu, tôi không đi được nữa. Người dân quanh đây lại mang qua cho".
Cuộc sống của đôi bạn già cứ như vậy trôi đi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Cuộc sống của họ nhẹ nhàng trôi qua giữa đô thị phồn hoa.
Mỗi ngày, hai ông bà càng yếu đi. Ông Sơn chỉ mong mỏi có chút tiền bạc làm nhà cho bà ở quê. "Đất có rồi, làm cho bà ấy một gian nhà cho bà ấy về già, lúc ốm đau còn có các cháu trông nom, bà ấy về tôi mới về được" - ông Sơn tâm sự.
Hình ảnh cuộc sống của đôi vợ chồng già cạnh đường tàu ở Hà Nội:
Túp lều nhỏ bé của hai ông bà nằm nép mình bên đường tàu
Cuộc sống cứ vậy trôi đã 16 năm nay, ngày ngày bà đi nhặt rác kiếm chút tiền mua mớ rau, thuốc uống
Dọc hai bên hành lang đường tàu có rất nhiều cây xanh do chính tay ông Sơn trồng và chăm sóc. Ươm được cây nào, ông lại mang công đức cho nhà chùa.
Lều chât, giường chỉ vừa đủ cho hai ông bà nằm, lại thêm đồ đạc lỉnh kỉnh xung quanh khiến túp lều càng chật chội hơn
Thời gian gần đây, hai ông bà ốm yếu đi nheieuf. Bà không đi nhặt rác được nữa, người dân xung quanh thương hoàn cảnh hai ông bà nên thường mang rác đến tận nơi cho bà.
Mấy hôm nay chồng ốm, bà Mận một mình căng lại cái bạt che nắng mưa
Hiện tại hai ông bà sống nhờ số tiền phụ cấp 600.000 đồng/tháng của ông và tình thương của người dân xung quanh đây, người mang ít cơm, người mang ít thức ăn
Ông Sơn chỉ vết chó cắn khiến ông bị thương tật 21%
Những hôm trái nắng trở trời, 3 vết thương trên đầu lại giở chứng, hành hạ ông
Niềm vui lớn nhất của hai ông bà được cùng nhau nghe những câu chuyện, tin tức cuộc sống xung quanh qua chiếc radio cũ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn