Cân tải trọng xe: sau “quyết” sẽ “liệt”?

Thứ bảy - 10/06/2017 04:08
Bộ GT-VT đang quyết liệt triển khai các trạm cân tải trọng xe trên địa bàn cả nước. Ngay lập tức, trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…ở đâu cũng bắt gặp cảnh xe tải “nằm ỳ” hoặc chạy đường vòng “né” trạm cân. DN vận tải khốn đốn vì không thích ứng kịp. Nếu việc cân xe được tiến hành triệt để trong thời gian ngắn, điều gì sẽ xẩy ra?
Hàng loạt xe tải “nằm ỳ” tại cây xăng ở Nghi Lộc (Nghệ An) chờ trạm cân lơi lỏng để “chuồn”.

Lâu nay, tình trạng xe chở quá tải chạy rung đường, rung nhà đã là nỗi khiếp đảm không chỉ của người dân mà cả ngành GTVT, cả ngân sách. Những con đường hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mới làm xong chưa được bao lâu đã bị sụt lún, bong tróc. Thậm chí đường làm đầu này chưa xong, đầu kia đã hỏng. Rồi đường vồng khoai, ổ gà, ổ voi, vá chằng vá đụp...

Chất lượng đường sá vốn đã yếu kém vì không ít công trình bị “rút ruột” tàn bạo, nay lại oằn mình trước những dàn xe siêu trường siêu trọng rầm rập ngày đêm, không tơi tả mới là lạ.

Chi phí tu sửa, làm đường, làm lại đường và các công trình cầu cống cực kỳ tốn kém, đến mức không ngân sách nào có thể chịu nổi. Đường hỏng, người dân khốn đốn, giao thông bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Thực trạng nói trên đã diễn ra từ lâu, và Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp để hạn chế tải trọng xe. Tuy nhiên, từ trước đến nay hầu như các giải pháp đều thất bại. Nhiều trạm cân bị xóa sổ vì tiêu cực tràn lan, nhiều cán bộ bị truy tố, bị kỷ luật vì ăn tiền rồi cho xe qua, trạm cân trở nên vô tác dụng, thậm chí phản tác dụng. 


Một tài xế đứng vắt vẽo bên cabin ngóng về phía trạm cân

Tình trạng xe “né” trạm cân khiến cho những quãng đường bị băm nát. Rồi cảnh tài xế lót tay cho CSGT…để được “thông cảm”. Có cả chuyện cơ quan chức năng thu “hụi chết” để bảo kê cho các doanh nghiệp vận tải.

Lý do để tài xế chở quá tải gấp nhiều lần tải trọng cho phép, buộc phải hối lộ để được “thông xe”, các DN đều giải thích rằng đó là việc làm bất đắc dĩ. “Nếu 100% xe chở đúng tải, DN lỗ “chỏng vó”, có bán xe đi cũng không đủ”, một chủ DN vận tải lớn ở Hà Tĩnh khẳng định.  

“Chở quá tải cũng là kiểu “rút ruột ăn dần”, vừa nguy hiểm, vừa hao mòn phương tiện lớn, chi phí sửa chữa, thay thế phương tiện đội lên cao, rồi phải “lót tay” đậm…Nhưng không có cách nào khác”, một ông chủ DN vận tải than thở.

Trong tình cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao, chi phí đầu tư, sửa chữa phương tiện lớn, rồi đủ thứ thuế phí có tên và “không tên”, DN vận tải chỉ còn cách duy nhất để cân bằng thu chi là chở quá tải, mới bảo đảm có giá cước vận tải mà thị trường có thể chấp nhận/chịu đựng được. 

Vừa qua, Giám đốc một DN cao su trên địa bàn Nghệ An than thở: “Trạm cân vừa dựng lên, tôi gọi xe chở cây cao su giống từ miền Nam ra nhưng họ nói thời điểm này không chạy được. Vì nếu chở đúng tải thì giá cước phải tăng lên gấp đôi mà vẫn còn lỗ. Nếu họ không chở giống ra kịp thì bọn tôi rất gay”.

Nếu buộc DN vận tải phải chở đúng tải, lúc đó sẽ xẩy ra tình trạng: giá cước vận tải tăng lên cao gấp nhiều lần, dẫn đến giá cả sản phẩm, hàng hóa, chi phí sản xuất của cả nền kinh tế tăng lên nhiều lần, lợi nhuận giảm. Một số DN vận tải buộc phải giải thể, phá sản. 

Giá vận chuyển nếu tăng cao đến mức nào đó thì DN, thị trường và người tiêu dùng cũng không thể chịu đựng được. Những hợp đồng đã kí trước đây với giá cước vận chuyển thấp buộc phải sửa chữa, hoặc hủy bỏ.

Không khéo sẽ xẩy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa, đình đốn sản xuất, kinh doanh gây nên tình trạng lạm phát, thất nghiệp, suy thoái kinh tế trên diện rộng.

Cái khó của Việt Nam là lưu thông hàng hóa nội địa hiện nay phụ thuộc quá lớn vào đường bộ, vận tải bằng đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều có tỷ trọng không đáng kể.

Cân tải trọng xe, cũng giống như việc giăng lưới bắt cá, trong điều kiện “cá” (xe) chỉ có một, hai luồng đi (QL1A hay đường HCM), vốn không phải là việc quá khó. Nếu tỉnh thành nào cũng đặt trạm cân, duy trì lực lượng thường trực, làm nghiêm túc, quyết liệt, thì lái xe có “chạy đằng trời”.

Vấn đề là sau khi đã “quyết” cân xe, nếu không có lời giải cho bài toán tăng giá cước vận tải bất thường và những giải pháp vận tải phi đường bộ, thì không khéo nền kinh tế đất nước, vốn hiện đang suy thoái, sẽ bị “liệt”. 


Tại trậm cân tỉnh Quảng Bình không khí khá vắng vẽ nên các lực lượng chức năng đang ngồi chơi.

Vấn đề đang rơi vào trình trạng luẩn quẩn: không cân xe, thì nát đường, ngân sách không thể chịu nổi. Cân xe thì có nguy cơ dẫn đến hậu quả khôn lường là đình đốn sản xuất, kinh doanh, lạm phát và suy thoái kinh tế.

Thiết nghĩ, hạn chế tải trọng đường bộ ở mức cho phép là một việc không thể không làm, song cần tiến hành theo lộ trình thích hợp, với nhiều giải pháp đồng bộ: giảm tỷ trọng vận tải đường bộ, tăng khối lượng vận tải đường sắt, đường thủy; tái cơ cấu DN vận tải theo hướng giảm chi phí vận tải một cách hợp lý; hạn chế tiêu cực trong khâu quản lý Nhà nước về GTVT để giảm chi phí cho DN; quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với khu nguyên liệu hoặc thị trường để giảm khâu vận chuyển; có thời gian để DN và thị trường điều chỉnh thích ứng với mức cước vận tải mới…. 

Việc quyết liệt hạn chế tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trong khi chưa có những giải pháp để nền kinh tế thích ứng là một cách làm có phần cực đoan và khó có kết quả toàn diện. 

                                                                                      Theo Trần Quang Đại (Tầm Nhìn)


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây