Trà xanh được coi là thức uống phổ biến nhất của người Việt. Tuy nhiên, gần đây, có một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chè đã vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, nhẫn tâm pha trộn các tạp chất có hại cho sức khỏe con người.
Cụ thể, trước thông tin tại một số cơ sở chế biến chè tại xã Đông Khê, Đoan Hùng, Phú Thọ và xã Nhữ Hán, Yên Sơn, Tuyên Quang đang có hiện tượng pha tạp chất vào chè và đang có nguy cơ xâm nhập thị trường, lực lượng Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 đã tới hiện trường một số cơ sở huyện Yên Sơn và Đoan Hùng thì đúng là phát hiện nhiều thùng, xoong, nồi nấu trộn các loại loại tạp chất để ngay cạnh các nồi sao, sấy chè.
Theo đó, cơ sở này đã pha những thứ bột không nguồn gốc để chè nặng hơn, sau khi ra lò, chè sẽ vón cục, xám đen. Không những thế, toàn bộ chè tươi khi thu hoạch về được đổ thành từng đống ngay dưới nền sân đầy bùn đất, bụi bẩn. Công nhân không sử dụng dụng cụ đảm bảo vệ sinh khi làm việc, tự do đi giày, dép từ ngoài đường, ngoài vườn đi thẳng vào khu vực sơ chế, đi lên cả chè tươi, chè đang sơ chế.
Những thông tin này đang gây hoang mang dư luận, bởi được uống chè sạch là mong muốn của tất cả những người uống chè. Tuy nhiên làm sao để phân biệt được loại chè nào ngon và sạch – còn loại nào trộn hóa chất, không đảm bảo an toàn và độc hại? Sau đây là một số cách giúp bạn phân biệt và nhận biết loại chè đang dùng có thực sự sạch và ngon không?
Thứ nhất về mặt cảm quan bên ngoài, khi đi mua chè người tiêu dùng có thể nhận thấy chè sạch thì bao giờ cũng có bao bì, nhãn mác, đăng ký chất lượng và được cung cấp bởi các thương hiệu đã có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, nếu mua của
người quen hay được giới thiệu thì gói chè sạch phải đảm bảo các yếu tố về cảm quan như sau: gói chè phải trông sạch sẽ, búp chè lành, đẹp, có màu sắc xanh của chè.Còn chè bẩn thì thường không có nguồn gốc xuất xứ, chè thường vỡ, cánh chè có màu vàng hoặc nâu xỉn. cánh chè nếu không vỡ thì thường dài.
Thứ hai, khi pha trà, nếu là chè sạch, đầu tiên các bạn thả búp chè vào ấm để tráng nước sôi. Các bạn sử dụng loại nước sôi ở nhiệt độ 100 độ C hoặc thấp hơn, đổ vào lưng ấm hoặc ở một mức nước nào đó mà các bạn cảm thấy đủ để tráng ấm – tráng trà.Mục đích là để làm sạch trà, tráng rửa bỏ những chất cặn bẩn và bụi. Nếu khi đổ nước tráng rửa vào ấm mà ngay trong những giây đầu tiên, các bạn nhận thấy nước vẫn có màu trắng của nước sôi thì đó chính là chè ngon – chè sạch vì không bị trộn tạp chất. Ngược lại, ngay khi vừa đổ nước sôi vào, chè đã chuyển màu rất nhanh trong 2-3 giây đầu thì đó chính là chè đã bị lẫn tạp chất, các thành phần nhuộm, phụ gia và nhiều loại chất nguy hại khác...
Thứ ba, là khi rót chè vào chén để uống, chúng ta có thể trông thấy các chất cặn đóng dưới đáy chén. Trong khi đó, các loại chè ngon – chè sạch không hề có cặn. Bởi khi pha chè, chè sạch sẽ có màu sắc nước tự nhiên, có ánh vàng, ít cặn, khi sờ vào bã chè sẽ không có sạn. Còn với chè trộn tạp chất, màu nước sẽ khác thường, nhiều cặn, bã chè có nhớt và sạn.
Tuỳ theo giống cây trà khác nhau mà có thể tạo thành nước màu xanh, màu vàng hoặc màu hơi đỏ, tuy nhiên nước trà rất trong, màu nước chuyển màu rất lâu (thường là khoảng 10h). Trà sạch thì khi uống mới đầu có vị chát và sau đó mới xuất hiện vị ngọt ở nơi cổ họng (hay còn gọi là tiền chát hậu ngọt). Vị ngọt này thể hiện chất dinh dưỡng của chè, đặc biệt là chất tanin có trong chè - hàm lượng chất này càng cao thì càng chứng tỏ chè có phẩm chất tốt. Nếu nước trà bị đục và nhiều cặn, có vị chát hơi đắng, uống xong cảm thấy khé cổ thì đó là chè bẩn. Nước trà bẩn để khoảng 2-3h sẽ chuyển sang màu sẫm, đặc, nổi váng và có màu đen kết lại trên thành chén. Các loại chè không nhãn mác thì khi uống chúng ta sẽ cảm thấy có vị ngọt lợ ở lưỡi. Đặc biệt là nếu mức độ thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều thì sau khi uống sẽ có cảm giác hơi đau bụng.
Không khó để chọn được sản phẩm từ chè tự nhiên ngon và sạch, an toàn với sức khỏe, người tiêu dùng hãy chú ý và tham khảo những cách phân biệt trên để có thể chọn cho mình những loại chè ngon, chất lượng để thưởng thức.
Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng