Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt cân xe từ 1/4/2014. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã trang bị cho mỗi tỉnh, thành một bộ cân lưu động trị giá hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đã có quá nhiều sự cố xảy ra khiến cho nhiều trạm cân tê liệt.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Bùi Thị Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hanel, đơn vị sản xuất những chiếc cân di động trị giá bạc tỷ, cho biết: "Hệ thống cân lưu động mà các địa phương đang sử dụng để “siết” tải trọng phương tiện được Hanel thiết kế, sản xuất theo đơn đặt hàng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống cân này có 40% thiết bị được nhập khẩu từ Canada, Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc và 60% là nội địa do Hanel nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Bộ cân lưu động đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy phép kiểm định, xác nhận đạt độ chính xác 99,5%.
Bàn giao bộ cân trọng tải xe lưu động điện tử tại Hà Nội.
Đây là những chiếc cân cực kỳ hiện đại, gần như tự động hóa toàn bộ. Khi xe lên bàn cân, camera sẽ tự động chụp lại biển số, truyền dữ liệu trọng thẳng về trung tâm kiểm soát của Cục đường bộ ở Hà Nội và báo luôn số tiền phạt. Tuy nhiên, khi đưa ra sử dụng thì nhiều tỉnh liên tiếp báo hỏng".
Theo bảng tổng hợp lỗi đến ngày 5.5.2014 mà bà Yến cung cấp thì có tới 68 lỗi xảy ra với 32 chiếc cân, trên tổng số 63 chiếc cân được cung cấp cho 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, chỉ có 6 sự cố do lỗi thiết bị camera. Một số lỗi do cách vận hành không đúng, còn lại, trên 50 lỗi là do các lái xe phá hoại trạm cân. Bà Yến than thở: "Dự án vừa triển khai, các tỉnh đã liên tiếp báo cân hỏng. Có cân camera bị vặn chếch lên trời, có cân bị vặt hỏng cáp, dùng dao cắt đứt cáp. Thậm chí, có cán bộ cắm USB vào máy tính làm cân không thể hoạt động do nhiễm virus… Vì lợi ích nhóm quá lớn nên lái xe, doanh nghiệp tìm mọi cách phá hoại trạm cân. Đã có nhiều vụ lái xe lao thẳng vào trạm cân để phá. Thậm chí, có vụ, khi trạm cân đang hạ, họ cho xe máy đâm đứt cáp, dẫn đến hỏng cân".
Cũng theo bà Yến, ngay sau khi các trạm cân điện tử được đưa vào hoạt động thì cánh lái xe tải đã phổ biến cho nhau rất nhiều quái chiêu phá hoại trạm cân. Ví dụ, theo quy định, khi lái xe vào cân, chỉ được đi với tốc độ 5km/h. Thế nhưng, tài xế lao mạnh vào cân, rồi phanh gấp. Trọng lực quá lớn khi phanh gấp sẽ khiến cân bị dồn lại, gây đứt cáp, báo hỏng.
Khi cán bộ giám sát chặt tốc độ xe khi đi lên bàn cân, thì họ lại rồ ga, rồi phanh gấp khi xe đang ở trên cân. Rồi cố tình đi lệch cân, làm vênh cân, cũng sẽ khiến cân bị hỏng, báo sai. Khi cân hỏng, hoặc báo sai trọng lượng, tài xế sẽ xúm lại phản đối, kiện cáo, gây ách tắc giao thông và thế là cả đoàn xe trọng tải lớn thoát trạm cân, tiếp tục tàn phá đường sá".
Cũng về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đặng Văn Trung cho biết, trong 63 bộ cân đã chuyển cho các tỉnh thì chỉ có một số bộ cân có trục trặc nhưng Hanel đều xử lý rất nhanh sau đó. Đơn cử như lỗi liên quan đến kết nối mạng. Theo ông Trung, tại một số tỉnh miền Nam, hệ thống mạng rất kém. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phía Hanel đều có hệ thống hỗ trợ trực tuyến để giải quyết.
Liên quan đến lỗi phần mềm, ông Trung cho rằng đây là lỗi khó tránh khỏi tuy nhiên lại được khắc phục rất nhanh. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã vin vào lý do phần mềm trục trặc để không tiếp tục cân xe. Đơn cử trường hợp của Hòa Bình, ông Trung cho biết bộ cân lưu động của tỉnh này bị lỗi phần mềm. Ngay khi nhận được thông tin, phía Tổng cục Đường bộ phối hợp Hanel xử lý chỉ trong 1 phút. Tuy nhiên, lực lượng chức năng thì đã bỏ về không làm. Thậm chí sau đó, Công an tỉnh Hòa Bình còn đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản khẳng định cân đúng tuyệt đối mới làm. “Không một thiết bị nào không có sai số, miễn là nằm trong quy định. Làm sao có thể đòi hỏi cân tuyệt đối đúng 100% được” – ông Trung lý giải.
Giải thích về việc có sai số giữa các trạm cân với nhau, TS Đặng Hữu Đạt – Giám đốc CTCP Tự động hóa và Cơ khí điện tử Hanel, đồng thời cũng là kĩ sư trưởng thiết kế và sản xuất các bộ cân kiểm tra tải trọng xe lưu động của doanh nghiệp này,
Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động ở Quảng Bình.
cho biết: “Thực tế chỉ có 2% lỗi là do nhà sản xuất (lỗi hỏng bóng đèn led và lỗi camera do điều kiện môi trường khí hậu ẩm thấp. 98% các lỗi còn lại chủ yếu liên quan đến 5 nguyên nhân như mặt bằng đặt cân, độ sâu đóng cột tiếp điện, bảo quản thiết bị chưa đúng quy định, đối chiếu cân động với cân tĩnh và người vận hành trạm cân chưa được đào tạo” – TS Đạt khẳng định.
TS Đạt cho biết thêm, theo thống kê của Hanel, 100% các tỉnh thành không đáp ứng được tiêu chuẩn về điều kiện mặt bằng tối thiểu để hệ thống cân hoạt động chính xác (mặt bằng tối thiểu là 3.5m x 6m; bằng phẳng, phải được thi công bằng bê tông cốt thép và chịu được tải). Hầu hết các tỉnh thành cũng không đáp ứng yêu cầu đóng cọc của cột tiếp điện sâu xuống đất tối thiểu là 1,2m.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết 15 ngày triển khai việc kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc vào sáng 17/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng nhận định: "Không phải 100% các xe đều chở quá tải. Nhưng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp chở đúng tải không thể cạnh tranh giá cước đối với chở quá tải". Theo Bộ trưởng Thăng, chỉ có kiểm tra tải trọng xe thường xuyên liên tục để tạo sự cạnh tranh kinh doanh bình đẳng, đưa giá cước trở về giá trị thật thì những chi phí ngoài vận tải sẽ không còn hoặc sẽ hạn chế đến mức tối đa.
"Không thể nói 100 chiếc xe tải chở đúng quy định mà phải đi mãi lộ. Tôi hứa sẽ xử lý rất nghiêm nếu thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực là có căn cứ,” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Tại cuộc họp bàn "Nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đối với đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không" mới đây, Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định: "Bằng mọi cách phải kết nối được các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ, Bộ GTVT sẽ kiên định kiểm soát trọng tải xe...". Vị tư lệnh ngành này còn ra tối hậu thư: "Trong năm nay, nếu hoạt động vận tải không chuyển biến, không tích cực hơn thì các Thứ trưởng cũng không thể được bình xét xếp loại là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đừng để như những năm trước, đọc con số 97,5% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ mà xấu hổ”.
Tuy nhiên, với những sự cố liên tục xảy ra với các trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động ở trên thì chỉ đạo "nóng" của Bộ trưởng Thăng liệu có còn giữ nhiệt?
Vào lúc 1 giờ 05 phút sáng nay (27/12/2013) 1 xe ô tô 7 chỗ, BKS 90T-5678 chạy với tốc độ cao đã đâm vào Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động số 2 đặt tại tuyến đường tỉnh 494, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (vị trí Km11 +800) làm hư hỏng các thiết bị cân.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nam sự cố đâm xe đã làm cột giám sát thiết bị bằng đèn led chiếu sáng hồng ngoại bị đổ hư hỏng, hệ thống dây dẫn kết nối các thiết bị trên cột bị đứt. Mặt cân 2 vệt bị cong vênh, hư hỏng, băng chuyền dẫn 2 bên bị biến dạng, hệ thống dây dẫn mặt cân bị đứt đã khiến Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động không thể hoạt động được.
Hà Nam là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị trạm cân lưu động để thực hiện việc kiểm soát xe quá tải đang ngang nhiên hoạt động gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn