Các ông bầu tại V-League 2012: 2 “lên”, 4 “xuống”

Thứ tư - 07/06/2017 06:32
V-League 2012 chứng kiến hàng loạt biến động xảy ra ở các đội bóng, bắt nguồn từ những thành công và cả thất bại của các ông bầu.
Lên:

Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức)

HA.GL của bầu Đức không giành được danh hiệu nào trong năm 2012 (xếp thứ 5 chung cuộc V-League 2012), nhưng ông Đức vẫn được biết đến như một ông bầu khá thành công khi đảm đương hiệu quả cương vị Phó Chủ tịch HĐQT VPF, và ở cấp độ CLB, Học viện HA.GL Arsenal JMG của bầu Đức cũng đã cho quả ngọt khi 4 học viên của Học viện này đã được CLB Arsenal gọi sang thử việc 10 ngày ở đội U18 Arsenal vào tháng 12/2012.

Bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng)

Không nổi bật bằng bầu Kiên trong bộ máy lãnh đạo VPF, nhưng bầu Thắng cũng đã có rất nhiều đóng góp quan trọng để giúp VPF hoạt động suôn sẻ trong năm đầu tiên. Ngoài ra, thành tích của bầu Thắng ở CLB ĐT.LA cũng rất đáng kể, khi đội bóng của ông đã giành chức vô địch giải hạng Nhất 2012 sớm một vòng đấu để trở lại V-League ngay sau một mùa rớt hạng. Chiến tích này rất đáng chú ý bởi ở giai đoạn lượt đi giải hạng Nhất 2012, ĐT.LA từng có thời điểm rơi xuống nửa dưới của bảng xếp hạng.

Xuống:

Bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên)

Từng được rất nhiều CĐV Việt Nam xem là người hùng sau bài phát biểu gây sốc ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, sau đó lại giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình ra đời và hoạt động của VPF, nhưng sau khi CLB BĐ Hà Nội và CLB trẻ BĐ Hà Nội trụ hạng an toàn ở vòng đấu cuối cùng của V-League và giải hạng Nhất thì bầu Kiên lại bị bắt giam vì những tội danh không liên quan tới lĩnh vực bóng đá, khiến hàng trăm con người ở 2 đội bóng của ông lâm vào tình cảnh bi đát vì CLB không đủ tiền để đăng ký tham dự mùa giải 2013 nhưng lại không giải thể.

Bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy)

Ồn ào bao nhiêu khi xuất hiện trong đời sống bóng đá Việt Nam thì bầu Thụy lại lặng lẽ bấy nhiêu khi rút lui và để lại vị trí Chủ tịch CLB SG.XT cho người em ruột nắm giữ. Nếu để tìm một tấm gương điển hình cho kiểu làm bóng đá “ăn xổi” không có ngày mai thì bầu Thụy hẳn phải là một điển hình tiêu biểu, khi đội bóng của ông mua lại từ CLB khác, và có lúc được đem cho tặng biếu mà người ta cũng không muốn nhận.

Bầu Trường (ông Hoàng Mạnh Trường)

Không chính thức rút lui nhưng cũng coi như đã ở ẩn sau quyết định rời khỏi chức Chủ tịch CLB V.Ninh Bình để đảm nhận vai trò nhà tài trợ thuần túy, có nhiều dấu hiệu cho thấy số năm mà bầu Trường còn hứng thú với bóng đá dường như chỉ còn đếm được trên một bàn tay.

Bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển)

SHB.ĐN của bầu Hiển đã đoạt chức vô địch V-League 2012 nhưng đây không thể được coi là năm thành công của ông bầu được cho là đang sở hữu 2 đội bóng này, vì HN.T&T-ứng cử viên sáng giá nhất của danh hiệu nói trên, chỉ về thứ 3. Bên cạnh đó, tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” mà ông Hiển được xem là tác giả cũng bị dư luận chỉ trích rất nhiều trong năm qua, đặc biệt là sau khi HN.T&T tìm mọi cách ngáng chân SG.XT để SHB.ĐN lên ngôi quán quân ở vòng cuối cùng V-League 2012. Ngoài ra, bầu Hiển cũng gây thất vọng cho người hâm mộ khi CLB Hà Nội của ông tuy đoạt được vé thăng hạng V-League nhưng cuối cùng phải xin ở lại giải hạng Nhất, mà nguyên nhân có lẽ là bởi không tìm được đối tác để chuyển giao.

Bầu Thọ (ông Nguyễn Vĩnh Thọ)

Tiếng là bầu nhưng ông Thọ thực chất cũng chỉ là người làm công như các cầu thủ N.SG, và khi CLB này lâm vào tình trạng sống dở chết dở trong suốt nhiều tháng trước khi bị bán lại cho SG.XT rồi bị giải thể, ông Thọ gần như đã biến mất hoàn toàn trước sự tìm kiếm gắt gao của các cầu thủ N.SG, và cuối cùng cho đến lúc đội bóng không còn tồn tại thì người ta cũng không thấy ông Thọ trực tiếp nói chuyện với cầu thủ lần nào.

Theo thethaovanhoa.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây