Hồng Lam đất văn vật bởi nơi đó có núi Hồng Lĩnh như bức bình phong vĩ đại chạy sát bờ biển ôm ấp lấy mảnh đất Hà Tĩnh. Trong nhiều cuốn dư địa chí đều viết “Dãy núi Hồng Lĩnh nổi lên giữa đồng bằng ven biển, chạy sát giữa bờ biển Đông và quốc lộ 1A, trải dài trên 4 huyện thị: Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh, đây là nguồn sinh thủy cho các hồ đập thủy lợi đã được xây dựng trong mấy chục năm qua dưới chân núi Hồng: Khe Hao, khe Cấy, Culây, Nhà Đường, Đá Bạc, Thiên Tượng... Phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Cung cấp nước cho sản xuất, đời sống của các khu dân cư và đô thị trên địa bàn”.
Hàng trăm năm qua, núi Hồng Lĩnh giữ vai trò điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái. Dọc theo dãy núi Hồng Lĩnh có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: chùa Chân Tiên, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, đền Bùi Cẩm Hổ, đền Hoàng Mười... đã được nhà nước xếp hạng ở cấp Quốc gia. Có thể khẳng định, núi Hồng Lĩnh là điểm hội tụ của văn hóa Hồng Lam. Hồng Lĩnh có tầm quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc phòng tuyến biển Đông phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Nếu không có một tầm nhìn chiến lược, cứ cho khai thác đất, đá một cách ồ ạt thì chẳng bao lâu nữa đất Hồng Lam mất núi Hồng Lĩnh. Hà Tĩnh thiếu gì núi, thiếu gì đất, đá sao cứ phải khai thác ở núi Hồng Lĩnh? Đó là trăn trở chung của hầu hết người dân Hà Tĩnh mà chúng tôi gặp để tìm tư liệu cho bài viết này. Trong những lúc cao điểm, bên chân núi Hồng Lĩnh có đến 29 mỏ đá nổ mìn suốt ngày đêm thi nhau lấy đá. Hầu hết các chủ mỏ đều tranh thủ xin giấy phép khai thác đá nơi đây bởi ngoài chất lượng đá tốt, thì núi Hồng chạy dọc theo Quốc lộ 1A nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu.
Núi Hồng Lĩnh đang tiếp tục bị các chủ mỏ cạo trọc cả rừng thông xanh tốt để nổ mìn khai thác đá. |
Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi chạy về phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh tìm hiểu vấn đề. Một phường đất không rộng, người không đông nhưng đã, đang có hàng chục mỏ khai thác đá. Một số ít người dân sống chung với mỏ, có công ăn việc làm từ mỏ, nhưng số đông người dân khi nhắc đến các mỏ đá đều lắc đầu ngao ngán cho biết, tiếng nổ mìn khai thác đá, bụi đá bay đã bao trùm cuộc sống người dân nơi đây trong ô nhiễm.
Rời phường Đậu Liêu, chúng tôi ngược vào thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc nơi có những mỏ đá đang làm người dân điêu đứng. Trên địa bàn xã Vượng Lộc có nhiều mỏ đá như mỏ đá Ngọc Hải, Trường Kỳ, Hồng Vượng… Anh Nguyễn Văn N., một người dân địa phương cho biết, mỗi lần các mỏ đá nổ mìn lấy đá thì cả làng nháo nhác chẳng khác gì thời chiến tranh bị máy bay ném bom. Bởi khi mìn nổ, chén bát trong nhà đều kêu, rơi loảng xoảng, ngói lợp trên nhà lật lên lật xuống. Thương nhất là trẻ con và người già không bao giờ được ngủ yên giấc, luôn thon thót giật mình vì tiếng nổ mìn.
Anh Nguyễn T. cho biết thêm: “Nhiều buổi sáng sớm cả khu vực bụi mù mịt như sương, không một lần nào họp thôn, họp xã, người dân không kêu ca, không phản ánh tình trạng ô nhiễm, khai thác đá phá núi Hồng nhưng lãnh đạo xã nói sẽ báo cáo lên huyện, đại biểu HĐND huyện về tiếp xúc cử tri sau khi ghi nhận ý kiến lại nói sẽ báo cáo lên tỉnh, nhưng rồi đâu lại vào đó. Có lần có mấy anh nhà báo về cũng quay phim, chụp hình, dân tui tin lắm nhưng rồi cũng chẳng thấy bài viết mô”.
Từ xa xưa, bên chân núi Hồng Lĩnh là các thôn, làng sống nép mình hiền hòa dựa vào lưng núi. Song từ khi tỉnh Hà Tĩnh cấp phép ồ ạt cho các mỏ khai thác đá đã phá vỡ cuộc sống yên bình của người dân. Tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, các mỏ khai thác đá còn nổ mìn làm đá rơi xuống khu dân cư, đá rơi làm sứt mẻ cả một số phần mộ ở nghĩa địa thôn Hồng Lĩnh.
Đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sớm có giải pháp để bảo vệ núi Hồng Lĩnh, một biểu tượng ngàn đời của đất Hồng Lam.