Quan tìm hiểu, người dân địa phương cho biết, lâm tặc vào rừng sâu dùng cưa lốc máy đốn hạ gỗ, sau đó dùng xe máy vận chuyển ra ngoài rừng, tập kết dưới chân núi Ụ Bò đoạn giáp ranh giữa 2 thôn T6 và T4 (xã Bok Tới), sau đó vận chuyển về những xưởng mộc dưới xuôi để tiêu thụ.
Cũng theo người dân cho biết, lâm tặc chở gỗ theo hai hướng từ chân núi Ụ Bò men dọc theo chân đèo thôn T6 (xã Bok Tới) về thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) và nhánh thứ 2 từ chân núi Ụ Bò về thôn T4 rồi đi qua đường trung tâm UBND xã Bok Tới về thôn Nghĩa Nhơn (xã Ân Nghĩa).
Anh T.V.T, một người dân địa phương, bức xúc nói: “Tôi đi qua lại tuyến đường này ngày một, cứ khoảng 3-4 giờ chiều, lâm tặc sau khi đưa gỗ từ rừng sâu ra ngoài rừng rồi dùng xe máy chạy từng tốp 4-5 người chở gỗ chạy bạt mạng trên đường. Chỉ cần nghe tiếng xe máy là biết xe vận chuyển gỗ của lâm tặc nên phải lo núp vào lề đường vì sợ gỗ tặc đụng vào. Lâm tặc lộng hành, ngang nhiên tàn phá rừng, chở gỗ giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không hiểu sao lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương như không hề hay biết”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Líp, cho biết: “Lâm tặc ở đây chủ yếu là người dân ở xã Ân Nghĩa, Ân Hữu và một số ít là người dân địa phương. Thời gian qua, địa phương đã nhiều phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện Hoài Ân tuần tra, truy quét đã bắt xử phạt các đối tượng chở gỗ lậu bằng xe tải, xe gắn máy. Tuy nhiên, vì lực lượng kiểm lâm đóng trên địa bàn quá mỏng chỉ có 2 cán bộ là Kiểm lâm huyện, 2 cán bộ của địa phương. Trong khi đó, lâm tặc quá đông được tổ chức theo nhóm, vận chuyển vào lúc sẩm tối và ban đêm nên việc truy quét rất là khó. Thậm chí, khi lực lượng công an xã và cán bộ kiểm lâm huyện truy quét, vây bắt, lâm tặc sẵn sàng dùng dao, rựa, gậy gộc, đá sỏi… chống trả”.
Nói về tình trạng phá rừng, ông Líp còn tiết lộ thêm: “Rừng ở đây đã cạn kiệt rồi, gỗ quý hết rồi chỉ còn gỗ tạp thôi. Anh thấy đối tưng nào vận chuyển gỗ dạng tròn thì chỉ là gỗ tạp thôi chủ yếu là gỗ cà đuối, tai man, muồng... Còn những lâm tặc chở chở gỗ được phách dọc thành xúc hình chữ nhật đó mới là gỗ quý. Gỗ đó chỉ còn ở khu vực rừng giáp ranh với huyện Vĩnh Thanh”.
Tuy nhiên, có một thực tế nạn phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) đã diễn ra nhiều năm qua. Mức độ lẫn quy mô tàn phá ngày càng rộng lớn, tinh vi và khốc liệt. Nếu ngành chức năng không kiên quyết vào cuộc thì không bao lâu nữa những cánh rừng xanh trên địa bàn huyện Hoài Ân sẽ bị xóa sổ. Điều này đồng nghĩa với thiên tai, hạn hán lũ lụt ngày một gia tăng, đời sống người dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn