Giếng cổ Chăm pa vừa được các nhà khảo cổ phát hiện. |
Theo một số người dân sống xung quanh giếng thì giếng Chòm ẩn chứa rất nhiều điều kỳ lạ. Giếng thường phát ra tiếng động lạ giống như có người đang múc nước, mà kỳ lạ là chỉ phát ra tiếng động vào ban đêm. Bà Bùi Thị Tứ (SN 1963), một người dân sống gần khu vực giếng cho biết: “Tiếng động đó giống như tiếng múc nước kẽo kẹt pha lẫn tiếng thùng nước va vào nhau loảng xoảng. Có hôm nghe cả tiếng chân người bước thình thịch nữa”.
Thời gian gần đây, trong dân chúng lan truyền câu chuyện, có một người dân đi qua giếng Chòm lúc đêm khuya bỗng nghe tiếng hát từ khu vực giếng vọng lại. Người này tò mò nên quay lại xem thì ngạc nhiên khi nhìn thấy năm cô gái đội mũ cao, mặc áo dài đang vui vẻ nhảy múa, ca hát bằng một thứ tiếng rất khó nghe. Thấy vậy, anh hốt hoảng chạy về thì dẫm phải một cành cây. Nghe tiếng động, các cô gái liền tan biến trong màn đêm mờ ảo.
Những cây chuyện ngày một nhiều lên và trở nên ly kỳ hơn. Nhiều người cho rằng, đó có thể là những linh hồn chết oan bên giếng chưa siêu thoát nên trở về quấy rối. Từ đó, cứ tối đến là không ai dám bén mảng tới gần giếng nữa. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc nhà nhà sập rèm, đóng cửa. Thanh niên trong làng cũng không dám lai vãng ngoài đường và nếu có việc phải ra ngoài họ thường rủ thêm một vài người nữa đi cùng chứ không ai dám đi một mình. Làng Hữu Quyền cũng vì thế mà trở nên yên ắng, tĩnh mịch hẳn.
Giếng cổ chưa bao giờ cạn nước
Giếng cổ Chòm đã tồn tại ở làng Hữu Quyền từ hàng trăm năm nay nhưng không một ai biết về gốc tích của nó và không ai bảo ai, mỗi người đều có ý thức bảo vệ giếng. Một vị cao niên trong làng cho biết: “Giếng Chòm có từ bao giờ chúng tôi không ai biết cả, chỉ biết từ khi sinh ra nó đã tồn tại và người dân đến đó để lấy nước về sinh hoạt. Dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840), có lần nhà vua đi kinh lý qua đây đã ghé qua, cho người kiểm tra độ an toàn của giếng và khẳng định nước giếng cổ sạch, trong, mát, ngọt, nguồn mạch tốt… Dân làng chúng tôi có tục tát giếng vào tháng 6 Âm lịch hằng năm để cầu mong cuộc sống an lành, mùa màng bội thu. Việc tát nước trong giếng là do Đoàn thanh niên đứng ra đảm nhận. Theo lệ, thanh niên sẽ đứng thành hai hàng quanh giếng thay nhau múc nước. Khi nước đã rút bớt thì phải xuống lau chùi, vét bùn đất và rác rưởi cho sạch sẽ”.
Dẫn chúng tôi ra thăm giếng nước, ông Trần Hữu Minh, Phó thôn Hữu Quyền chia sẻ: “Ngày trước bà o tui sau khi đi cắt cỏ hay làm đồng gì đó về thì qua giếng rửa chân nhưng không may rơi thẳng xuống giếng chết đuối. Sau đó, dân làng phải làm lễ cúng thì mới vớt được xác bà ấy lên đem đi mai táng. Nhiều người nghĩ rằng chuyện này là do ma làm chứ tui thì không tin lắm”.
Nước giếng chưa bao giờ cạn. |
Ông Minh còn cho biết: “Cái giếng này kỳ lạ lắm. Tui sống ở đây ngần ấy năm nhưng chưa bao giờ thấy giếng cạn. Vào mùa khô, giếng Chòm cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở các xã lân cận như: Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Tiến… Dù vậy nhưng giếng cổ này chưa bao giờ cạn, cho dù trời nắng hạn, tất cả các giếng khác trong làng đều cạn nhưng giếng Chòm vẫn đầy và trong vắt bởi mạch nước giếng ở dưới đáy lúc nào cũng tuôn trào. Điều kỳ lạ là nước chỉ dâng đến thành giếng rồi dừng lại chứ không bao giờ tràn ra ngoài”.
Ông Phan Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy cho biết: “Giếng Chòm là một giếng cổ đã tồn tại lâu đời và đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2011. Tôi cũng có nghe người dân kể về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chiếc giếng cổ Chòm. Nhưng những lời đồn đại đó theo tôi là không có cơ sở vì nhiều khi người dân thêu dệt lên rồi cứ qua miệng người này lại thêm bớt vào làm cho câu chuyện ly kỳ hơn và trở thành “tam sao thất bản”…
Nói về việc bảo tồn và gìn giữ giếng cổ, ông Minh chia sẻ: “Đây là báu vật mà ông trời ban tặng cho dân làng chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền có chính sách bảo vệ chiếc giếng cổ này”.
Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây có thể là một trong số giếng cổ mang đậm kỹ thuật xây cất giếng cổ của người Chăm Pa. Phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh từ thời Lý, Trần (thế kỷ X-XIV) là địa bàn giao thoa của nền văn hóa Chăm Pa và Đại Việt. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một hệ thống giếng cổ mang yếu tố kỹ thuật Chăm Pa ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh…
Theo Thanh Tâm Báo bảo vệ pháp luật
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn