Người làng tôi có nghề “gia truyền” là dạy chữ. Đi dạy nhiều nơi, ở nhiều nơi nhưng vẫn không quên đường về làng. Dăm ba ngày Tết, làng đông nghịt người đi tứ xứ trở về. Vâng thì là pha tạp nhẽ thường cũng là do chút lưu lạc này chăng?
Nhưng dẫu là lưu lạc, dẫu là dấu chân người làng đã đi biết bao đường đất nơi phố thị, làng quê, biển xa, rẻo cao thì vẫn quanh quẩn trở về, vẫn không quên nếp cũ – Tết xưa...
Người Bắc gói bánh chưng, người Nam gói bánh tét – nấu – cúng Tết. Người làng tôi gói, nấu cả hai loại. Người làng tôi gọi bánh tét (bánh đòn, dài) là bánh tày (chữ “tày” có nghĩa là bằng và đều nhau). Ngày trước, nếp không dễ mua như bây giờ, các mẹ, các mệ (bà) đi chợ mua nếp trữ dần từ tháng 10, tháng 11 âm lịch. Đỗ xanh cũng thế. Người ta không gói bánh bằng lá dong như ngoài Bắc mà ra vườn rọc lá chuối. Không phải chuối nào lá cũng gói được mà phải là chuối sứ, chiếm xiêm (người Bắc gọi là chuối tây), lá xanh hơn và dai hơn.
Cái Tết ấm cuối cùng của tuổi thơ tôi Xuân năm con mèo 1975. Cái Tết cuối cùng chúng tôi còn mẹ, bốn chị em ríu rít bên ba mẹ cùng nồi bánh chưng, mâm cỗ Tết của hai gia đình nội, ngoại. Vốn dĩ, người ta sẽ nhớ nhất mùa xuân êm dịu cuối cùng trước khi bắt buộc phải đối diện với dông bão, sóng gió, mất mát của cuộc đời…
Trước khi mẹ mất, tôi ở với bà ngoại. Ông ngoại mất khi tóc bà còn rất xanh. Bà ở vậy chèo chồng nuôi người con ăn học, bền bỉ giữ lửa cho mái nhà chung mà “nòng cốt” là những cái Tết đoàn tụ. Cậu cả lấy vợ ngoài Bắc ít khi về quê ăn Tết. Năm con mèo 1975 đó, ngoài cậu thứ 3 đã hy sinh trong Nam thì cậu thứ tư cũng đang ở chiến trường, nhà còn dì thứ 5 dạy gần nhà, dì thứ 6 sắp tốt nghiệp đại học và cậu út còn đi học chưa có gia đình lần lượt về nhà khoảng ngày 25 Tết. Các dì, các cậu bắt đầu dọn vườn, dọn nhà, dọn ban thờ chuẩn bị Tết. Ngày 27, các dì trèo lên tra (gác gỗ) lấy nồi đồng, mâm đồng và bát đĩa để bày đồ cúng xuống chùi, đánh. Cậu út lấy rìu bổ các khúc củi nhặt được trong mùa lụt ra thành các loại to nhỏ khác nhau. Chiều 27, các dì bắt đầu ra vườn chặt lá chuối, rồi rửa, rồi phơi, rồi rọc, cậu út chẻ lạt. Tối, bắt đầu ngâm đỗ, ngâm nếp. Chỉ là các dì làm. Bà không làm trực tiếp, chỉ thỉnh thoảng đảo mắt qua, nhắc cái nọ, điều chỉnh cái kia một tí. Bà nói vài chữ, chậm rãi, đủ nghe. Các dì làm theo thoăn thoắt.
Sáng 28, một dì theo bà đi chợ mua gà, mua thịt, cá, mắm muối; một dì ở nhà ở nhà đãi đỗ, vo nếp; cậu út gánh nước đổ vào bể, chuẩn bị chỗ bắc bếp nấu bánh chưng. Khoảng 2 giờ chiều bắt đầu gói. Bà sẽ là người trực tiếp gói đủ các cặp bánh chưng cúng ở nhà và các chi họ liên quan. Các dì và cậu ngồi phụ và gói những chiếc bánh tét và bánh con (bánh đòn nhỏ cho các cháu). Khi nồi bánh bắt đầu bắc lên cũng là hoàng hôn. Bọn trẻ con chúng tôi cũng hiểu là đã xong nửa cái Tết…
Thời gian tưởng chừng có thể xoá nhoà đi tất cả nhưng có những ký ức đã thành nếp, không dễ và không thể mất đi. |
Sau bữa cơm tất niên, thiêng liêng nhất có lẽ giờ khắc chuẩn bị giao thừa. Bánh chưng, bánh tét, trái cây, kẹo rượu…đã được đặt lên ban thờ chính giữa nhà. Chè bà cốt (gạo nếp nấu nhừ bỏ mật mía hoặc đường), đĩa xôi màu (gấc hoặc đậu đỏ gì đó không nhớ nữa) đã bày trên ban thờ thần bếp. Nải chuối đẹp và chai rượu đặt ở án thờ Trời – Đất ngoài sân. 12 giờ kém, bà ngoại pha chè, rót rượu, đốt đèn dầu và châm hương…Hồi đó chưa có điện, chưa có ti vi. Cái cảm giác nằm trong màn, đắp chăn ngủ liu riu, nghe bà khấn vái trong màn đêm đen kịt rồi le lói ánh đén dầu như hạt đỗ, mùi dầu, mùi hương trầm, mùi vôi trầu xen lẫn phảng phất vô cùng kỳ diệu. Mãi về sau này, lớn lên mới hiểu rằng sự kỳ diệu đó còn bởi mọi thứ diễn ra thời khắc thiêng liêng của đất trời, khi mà người và cả cõi tâm linh cùng làm lễ bàn giao năm cũ sang năm mới.
Sáng mồng 1, bà và các dì lại nấu cơm cúng. Trông trang nghiêm và khẽ khàng lắm ấy. Mẹ tôi là con gái xuất giá rồi nên phải xong bữa cơm cúng sáng mồng 1 bên nhà chồng đã rồi mới lên chúc Tết nhà mẹ đẻ.
Quê tôi hồi trước còn có tục lệ con trai, con gái thành gia thất ở riêng rồi ngày Tết cũng sẽ nấu một mâm cơm đủ món gánh về nhà mẹ. (Gánh thật, bỏ các món vào bát, đĩa vào đôi quanh gánh và gánh về nhà cũ). Trước là cúng tổ tiên, ông bà, sau hạ lễ thì mời bố mẹ và các thành viên trong gia đình thưởng thức bữa cơm mình nấu. Nhà khá cúng cỗ sang, nhà nghèo có gì cúng nấy. Thông thường là cơm, cá, thịt, rau. Có lẽ vì thương mẹ không khoẻ lại bộn bề con nhỏ nên bà ngoại miễn cho việc phải gánh cơm. Trước Tết, mẹ sẽ “đăng ký” với bà và các góp món gì đó rồi hẹn ngày lên nấu với bà và các dì…42 năm rồi, tôi nhớ mãi ngày mồng 2 Tết năm ấy ríu rít thế nào. Dì thứ tư làm gà, dì thứ 5 làm bánh gai, mẹ ngồi cuốn và rán nem. Tôi cứ chạy ra chạy vào vì cả năm mới nhìn thấy mẹ và các dì quây quần bên bếp. Đó là cái Tết cuối cùng tôi ăn cỗ Tết mẹ nấu, là lần cuối cùng tôi được ăn cái nem mẹ rán.
Hồi đó máy ảnh hiếm hoi nên không có bức hình gia đình nào gồm đủ ba mẹ tôi với 4 đứa con tề tựu cùng bà ngoại và các dì, cậu trong cái Tết cuối cùng đoàn viên ấy. Nhưng, trong tim tôi thì khắc ghi hình ảnh líu ríu ấy không phai mờ…
Thời gian tưởng chừng có thể xoá nhoà đi tất cả nhưng có những ký ức đã thành nếp, không dễ và không thể mất đi. Nhớ để nhắc mình về những nếp nhà làm nên bếp ấm ngày Tết...
Theo Dân việt
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn