Bác sĩ tắc trách hay trình độ chuyên môn yếu?

Thứ bảy - 10/06/2017 18:21
Tai biến y khoa là điều không ai lường trước được, nhưng để những bác sĩ không đủ trình khám chữa bệnh, người dân làm sao có thể yên tâm.
Mẹ ơi! Chân con đâu rồi. Còn một chân sao con đi học?”, câu nói không chỉ làm nhói lòng người mẹ trẻ của cô bé mới tròn 15 tuổi, ở Đắk Lắk, vừa bị cưa mất một chân vì bác sĩ non kém trình độ và thiếu trách nhiệm.

Nghe con thảng thốt nói trong nước mắt mà chị Nguyễn Thị Lan thấy như dao cắt vào tim. Con chị, bé Hà Vi xinh xắn, khỏe mạnh, trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông. Vào bệnh viện, bé Vi được bác sĩ chẩn đoán là gãy mâm chày chân nên phải bó bột.

Cô bé 15 tuổi xinh xắn giờ đã mất một chân chỉ vì sự tắc trách hay yếu kém chuyên môn của bác sĩ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vào bệnh viện, bác sĩ nói sao phải nghe vậy, nhưng một ngày sau khi bó bột, bé Vi kêu đau tức vì bó quá chặt, chân sưng vù và không thấy còn cảm giác, gia đình gặp Giám đốc bệnh viện huyện Cư Kuin - Nguyễn Văn Tâm để xin tháo bột và chuyển viện, nhưng không được sự đồng ý của bệnh viện, vì “ở đây đã điều trị nhiều trường hợp giống vậy”.

Đến ngày thứ 4, bé Vi không thể chịu đựng nổi nữa, thì Phó Giám đốc bệnh viện mới chỉ đạo cho cưa bột. Ôi thôi! Chân bé Vi đã sưng to, bầm tím và đầy mọng nước. Một lần nữa, bệnh viện nói lời từ chối xin chuyển viện của gia đình bé Vi.

Ngày thứ 5, bệnh viện mới đưa bé Vi vào phòng mổ để phẫu thuật, lúc này bệnh viện thấy không thể mổ được, mới quyết định cho chuyển viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Do bé Vi bị bó bột chân quá chặt, gây tắc động mạch chủ, phần chân bó bột bị hoại tử, nên bé Vi lại được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 7 ngày điều trị ở BV Đa khoa huyện, bé Vi đã vĩnh viễn mất một chân, trở thành người khuyết tật vận động.

Chuyện bé Vi làm dư luận phẫn nộ vì tắc trách của cả tập thể lãnh đạo bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tắc trách hay trình độ chuyên môn yếu? Cho dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng cảm nhận của tôi có lẽ là cả hai.

Đến khi tháo bột ra rồi, tận mắt nhìn thấy chân bé Vi bất bình thường mà vị Phó Giám đốc bệnh viện vẫn từ chối lời đề nghị "xin chuyển viện" của gia đình, vẫn bắt bé Vi đau đớn, chờ đợi thêm một ngày mới đưa đi mổ. Để rồi, không thể mổ được.

Bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn – Khoa Chấn thương chỉnh hình (BV Chợ Rẫy) nói rằng, nếu bệnh nhân được đưa đến sớm để lưu thông mạch máu ngay thì chân sẽ không bị hoại tử.

Thật đau cho bé Vi.

Cùng thời điểm, ở Bệnh viện Đa khoa quận 9-TPHCM cũng xảy ra trường hợp sản phụ tử vong mà nguyên nhân có thể nằm ở sự tắc trách, và nằm ở cả trình độ chuyên môn kém. Sản phụ Châu Thị Tài nhập viện được bác sĩ chẩn đoán khỏe mạnh, sinh thường.

Sau một ngày nằm viện thì bác sĩ cho hay phải mổ bắt thai. Bác sĩ thông báo “ca mổ thành công, sản phụ đang đang hồi sức”.

Một tiếng sau, gia đình lần nữa ký vào giấy cam kết “cắt bỏ tử cung”. Nguyên nhân là do sản phụ bị băng huyết sau khi sinh. Cũng như lần thứ nhất, sau ca phẫu thuật, bác sĩ lại thông báo "ca mổ thành công". 

Sau đúng tuần lễ hôn mê tại Khoa hồi sức Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức, trưa qua 12/3, chị Tài đã tử vong trong sự đau đớn, bức xúc của người thân. Ảnh: Dân Trí

Gia đình tưởng sau 2 lần phẫu thuật chớp nhoáng của các bác sĩ thì tình hình của bệnh nhân sẽ ổn định. Nhưng chưa đầy một tiếng sau thì sản phụ Tài được chuyển ra xe cấp cứu không một lời thông báo. Gia đình thắc mắc thì một người mới được theo xe cấp cứu. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức thì… không thể cứu được chị Tài nữa

Tai biến y khoa là chuyện không ai lường hết được. Tuy nhiên, dư luận bức xúc đầu tiên chính là thái độ của y, bác sĩ trước sinh mệnh của người bệnh.

Khi tai biến xảy ra, thường được đổ lỗi cho bệnh lý, không nhìn thấy trách nhiệm của mình. Với lời “sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm túc” từ phía bệnh viện, chẳng khác gì “thêm dầu vào lửa” với thân nhân người bệnh.

Thuyên tắc mạch ối là bệnh được y khoa thế giới xác định là hiếm gặp, nhưng lại xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam khi sản phụ tử vong, thường được kết luận là “thuyên tắc ối”.

Vào năm 2012, cái chết bất thường của mẹ con sản phụ Trần Thị Hưởng cũng làm nóng dư luận. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ Hưởng thì hồ sơ bệnh án đã vạch trần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Bệnh viện này đã “vin” vào tai biến thuyên tắc ối hiếm gặp để rũ bỏ trách nhiệm.

Chúng ta không khỏi giật mình trước câu nói của Thạc sĩ, bác sĩ Phan Văn Khoát ( Đại học Y Dược Cần Thơ) khi nói về bác sĩ cử tuyển: "Thật lòng là chúng tôi bị ép dạy số sinh viên này nên phải rất cố gắng để làm sao các em tốt nghiệp ra trường đạt loại trung bình trở lên. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phải truyền đạt ở mức thấp nhất cho các em có thể hiểu được”.

Sinh viên y khoa hệ cử tuyển mà học 6 năm vẫn chưa biết ruột thừa nằm ở vị trí nào trong ổ bụng? Trường đại học có trách nhiệm đào tạo bác sĩ cử tuyển này đã từng lo lắng, lên tiếng về trình độ bác sĩ cử tuyển.

Trong khi Bộ Y tế lên tiếng kêu gọi người dân không nên dồn về bệnh viện tuyến trên gây quá tải, thì người dân liệu có yên tâm giao phó sinh mệnh cho bệnh viện tuyến cơ sở gần dân nhất, để rồi mất mạng, mất chân, để rồi “mổ sạn thận ở BV Đa khoa Củ Chi… bị cắt cụt tứ chi”.

Bộ Y tế bao giờ mới giải được bài toán “trình độ chuyên môn” bác sĩ ở tuyến cơ sở và tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên? Dù bộ có khống chế bằng chuyện “tiền nong” với bệnh nhân vượt tuyến thì người dân vẫn “nhắm mắt” về tuyến trên để đổi lấy sự an toàn cho tính mạng.

Bộ Y tế hãy mạnh dạn lên tiếng, nói không với “bác sĩ cử tuyển” để đội ngũ y tế cơ sở vững chuyên môn, người dân mới yên tâm tìm đến điều trị.

Cố giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách từng trăn trở khi sinh viên ngành y đào tạo những 6 năm, ra trường vẫn thất nghiệp. “Phí lắm” – ông thốt lên và theo ông cần phải có chính sách, chế độ khuyến khích bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa mới thu hút được.

Thế nhưng, xin đừng “nói trước quên sau” như một thời kêu gọi giáo viên miền xuôi tăng cường cho miền núi, để rồi “đã đến nhưng không một ngày có cơ hội trở về vùng xuôi” như lời đã hứa hẹn.

Bộ Y tế có làm được điều ấy? Dư luận chờ đợi. Người dân ở vùng sâu, vùng xa lại càng mong mỏi hơn bao giờ hết, họ không bị thiệt thòi trong quyền lợi “khám, chữa bệnh”.

Theo Lê Nguyễn khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây