Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà đã “mượn” trạm thu phí Cầu Rác cũ sử dụng để hoàn vốn BOT cho tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh nằm cách trạm gần 30km. Chính vì vậy, những xe đi từ TP Hà Tĩnh vào thị xã Kỳ Anh hoặc chiều ngược lại dù không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí.
Chị Nguyễn Thị Phương, một người dân tại TP Hà Tĩnh làm việc tại thị xã Kỳ Anh bức xúc: “Vì công việc, chúng tôi thường xuyên lưu thông trên tuyến đường từ TP Hà Tĩnh vào thị xã Kỳ Anh, mỗi lần đi xe ô tô 4 chỗ qua trạm Cầu Rác phải đóng 35.000 đồng/lượt. Tính ra một năm tôi đóng không biết bao nhiêu tiền tại trạm cầu Rác này dù không sử dụng mét đường BOT nào. Người dân huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên được miễn rồi không có lý gì người dân TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh phải đóng phí cả”.
Trạm thu phí BOT Cầu rác, liệu đã đặt đúng chỗ?
Cùng chung bức xúc, anh Hoàng Văn Cường, một cán bộ làm việc tại thị xã Kỳ Anh phàn nàn: “Đồng lương cán bộ công chức đã thấp lại phải gánh thêm phí BOT qua trạm nữa, mỗi tháng cũng “đứt” gần nửa tiền lương. Từ TP Hà Tĩnh vào thị xã Kỳ Anh chỉ có đoạn đường làm từ ngân sách Nhà nước, tức là dân đã đóng thuế rồi, tại sao phải gánh thêm tiền “hoàn vốn” cho nhà đầu tư? Nếu không chuyển trạm về đúng vị trí thì phải miễn hoàn toàn vé cho chúng tôi”.
Không chỉ người dân hằng ngày đang mất tiền “oan” mà nhiều doanh nghiệp cũng phải è cổ “cõng” khoản thu vô lý này. Trung bình mỗi năm, công ty vận tải ô tô Hà Tĩnh phải nộp hơn 430 triệu đồng phí qua trạm Cầu Rác dù 40 chiếc xe buýt của công ty này không tham gia giao thông trên tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh.
ÔngTrần Văn Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh bất bình: “Tuyến xe buýt của công ty chúng tôi có lộ trình từ TP Hà Tĩnh đến thị xã Kỳ Anh dọc theo quốc lộ 1A, không hề đi trên tuyến BOT đường tránh TP Hà Tĩnh. Thế nhưng trung bình mỗi năm công ty phải đóng 430 triệu đồng tiền phí qua trạm Cầu Rác. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà tạo điều kiện nhưng chỉ nhận được câu trả lời “cảm ơn công ty đã mua vé tháng, vé quý đầy đủ… và mong quý công ty tiếp tục mua vé tháng, vé quý khi qua trạm thu phí Cầu Rác theo quy định như đã thực hiện thời gian qua”.
Cần có 1 chính sách thỏa đáng cho người dân
Trước đó, với việc bất hợp lý tại trạm thu phí Cầu Rác (BOT) người dân địa phương đã nhiều lần đưa phương tiện đến tại trạm thu phí đậu kèm băng rôn khẩu hiệu để phản đối việc công ty TNHH MTV Hạ Tầng Sông Đà thu phí không hợp lý đối với phương tiện của người dân không tham gia tuyến đường đơn vị này đã đầu tư, khai thác, gây mất an ninh trật tự và gây ách tắc giao thông.
Trước những bất hợp lý đó, vào ngày 21/4, chủ đầu tư trạm BOT Cầu Rác đã tổ chức đối thoại với người dân địa phương, tiếp nhận nguyện vọng của bà con gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết.
Ngày 26/4, ông Lê Đình Thọ- Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải đã ký văn bản số 4508/ BGTVT-ĐTCT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Sông Đà về việc miễn giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện của người dân sống hai bên trạm thu phí Cầu Rác, cụ thể sẽ giảm 100% giá dịch vụ các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Sông Đà.
Sau khi văn bản của Bộ GTVT về đến địa phương thì đã vấp phải nhiều phản đối của người dân về việc giải quyết một cách chưa thuyết phục, vì nhiều địa phương cũng không tham gia tuyến đường BOT nhưng không nằm trong diện được miễn giảm, đặc biệt phương tiện của người dân thị xã Kỳ Anh điều đáng nói Thị Xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh trước đây được tách từ huyện Kỳ Anh(cũ). Phương tiện khi tham gia giao thông cũng như nhau.
Công văn của Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Sông Đà.
Để tìm hiểu sự việc phản ánh của người dân địa phương, nhóm PV đã có buổi làm việc với ông Võ Sơn - Phó tổng giám đốc cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà, ông cho biết: "Về việc trong văn bản không đề cập đến phương tiện của người dân Thị Xã kỳ Anh thì có khả năng đó là đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, họ căn tính phạm vi cự ly tính từ trạm thu phí để để căn cứ mức độ để miễn giảm, sau này thấy không hợp lý thì có thể đề xuất tiếp tục miễn".
Theo ông Nguyễn Quốc Hà - chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh: “Có lẽ khi làm văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Tổng công ty Sông Đà vẫn nghĩ địa giới hành chính huyện Kỳ Anh đang từ Đèo Ngang ra đến trạm thu phí, nếu trong trường hợp Thị xã Kỳ Anh không được miễn giảm, chúng tôi sẽ có công văn gửi UBND tỉnh và Tổng công ty Sông Đà. Chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng gửi Công văn đề nghị giải quyêt kịp thời, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân".
Thiết nghĩ, việc thu phí “oan” nhiều năm qua tại trạm thu phí BOT Cầu Rác khiến hàng trăm người dân không hề đi qua tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh bức xúc và giờ đây, khi 2 huyện đã được miễn nhưng chưa hợp lý cho các địa phương khác. Họ rất mong sớm nhận được câu trả lời xác đáng từ phía cơ quan chức năng.
Hoàng Hiệp - Bùi Trung/VTOTO
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn