Ám khí “Sinh tử phù” – luận cổ suy kim

Thứ ba - 06/06/2017 21:17
Có cảm giác hình như ông bạn đã thấu suốt hết mọi thứ ở ta, như gã khổng lồ đang nắm anh chàng Gulliver trong lòng bàn tay.
“Sinh tử phù”  có nghĩa là “bùa sinh tử”, một “ám khí” võ học được mô tả trong tác phẩm “Thiên Long Bát Bộ” của tiểu thuyết gia Kim Dung do nhân vật có tên Thiên Sơn Đồng Lão sử dụng.

Quái chiêu này thường được dùng để cài cắm vào thân thể đối phương, phế dần võ công và nội lực khiến cho đối phương phải chịu sự sai bảo, khống chế của người sử dụng, nếu bất tuân có thể mất mạng hoặc thân bại danh liệt.

Thủ pháp gieo “Sinh tử phù” biến hóa theo từng đối phương.

Thân thể con người có 36 đại huyệt, cứ thế thay đổi mà gieo. Gieo người này bốn huyệt thì gieo người kia ba hoặc năm huyệt.

Nạn nhân chỉ nghe huyệt đạo mình hơi lạnh một chút, chưa kịp nhận ra trúng cái gì thì nó đã tan vào da thịt. Như vậy là đã dính “Sinh tử phù”.     

Chính vì sự nguy hiểm của nó nên “Sinh tử phù” được xếp vào nhóm “ám khí” của “bàng môn tà đạo” được sử dụng bởi những kẻ tiểu nhân, thích khách, đối nghịch hoàn toàn với võ công của kẻ quân tử “danh môn chánh phái”. 

Đó chỉ là một trong vô vàn những môn võ mà bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp - Kim Dung đã tưởng tượng ra, những điều tác giả viết cách đây mấy mươi năm nhưng thông qua phim ảnh, sách truyện khiến cho nhiều người không khỏi “giật mình” khi liên tưởng đến xã hội hiện đại.

Với Việt Nam những dự án kinh tế của ngoại bang mọc lên “bất thường” ở những địa bàn trọng yếu mang tính chiến lược và những hậu quả khôn lường về môi trường, xã hội trong thời gian gần đây làm chúng ta không khỏi nghi vấn:

Phải chăng đó chính là những “Sinh tử phù” được cài cắm trên “thân thể” nước Việt?

Không phải chỉ đến khi Formosa vỡ lỡ sự việc nghiêm trọng như vậy người ta mới nghĩ về những “Sinh tử phù” đã được gieo vào nhiều “huyệt đạo” của Việt Nam, mà trước đó đã có nhiều dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc mọc lên ở nhiều địa bàn nhạy cảm. 

Không ít trong số đó đối tác đã thuê đất tới 50, 70 năm và biến một vùng rộng lớn thành nơi bất khả xâm phạm, giống như kiểu một khu tự trị thu nhỏ.       

Không những thế họ còn ngang nhiên đưa hàng ngàn lao động Trung Quốc (hầu hết là nam giới) sang lao động, sinh sống mà nhiều chính quyền địa phương không hay biết gì!?

Rồi họ lập nên những con đường mà bảng hiệu hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc!

Cho đến nay phía sau hàng rào của Formosa thực sự có cái gì vẫn là bí ẩn, có đơn thuần chỉ là nhà máy thép?

Sẽ như thế nào nếu hàng ngàn lao động nam giới Trung Quốc lấy vợ Việt rồi sinh con đẻ cái và lập làng lập xóm?

Nên nhớ rằng dân số nước này đang mất cân bằng nghiêm trọng, lượng nam giới quá thừa và đây là chiêu bài “xuất khẩu” hàng thừa – loại hàng thừa có khả năng đặc biệt là sinh con đẻ cháu để bành trướng ngay trong lòng đối phương!

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, xe buýt chất lượng cao hay đường ống nước Sông Đà… vì sao hết lần này đến lần khác gây hậu quả nghiêm trọng, liên tục đội vốn mà tiến độ và chất lượng vẫn “rùa bò”?

Tại sao tổng thầu Trung Quốc làm ăn bết bát thế kia mà không dễ tống cổ họ?

Bài học cay đắng về “made in China” đã được học cả ngàn năm nay nhưng sao cứ vấp hoài?

“Vay tiền của Trung Quốc bây giờ đành phải chịu, không làm gì được”! (Ảnh: laodong.com.vn).

Đến mạnh mẽ và quyết liệt như ông Đinh La Thăng mà cũng phải ngậm ngùi “vay tiền của Trung Quốc bây giờ đành phải chịu, không làm gì được”![1]

Phải chăng ám khí  “Sinh tử phù” ngày nay là những đồng Nhân dân tệ đã được “rải thảm” để dọn đường cho nhà đầu tư Trung Quốc coi thường luật pháp, tính mạng con người Việt Nam!

Đầu tư FDI trực tiếp từ Trung Quốc tuy đứng thứ 9 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam [2], nhưng dòng vốn lớn nhất trong 17 lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp nước này tại Việt Nam lại chủ yếu tập trung vào Bất động sản và Dệt may: Một ngành thâu tóm đất đai và một ngành không phải công nghiệp chủ đạo, nhưng được tăng thêm nhiều lợi thế để cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.

Tiếp nhận đầu tư nước ngoài là điều tất yếu, thực tế cho thấy Trung Quốc cũng chưa phải là nước số một trong đầu tư tại Việt Nam nhưng chắc chắn danh hiệu “quán quân” về bê bối, lùm xùm ở các dự án sẽ thuộc về nước này.

“Phố Tàu” - khu mua bán, ăn uống của người Trung Quốc - đã lan đến những nơi hẻo lánh có công nhân Trung Quốc trú ngụ ở thôn Nhân Thắng, Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Ảnh: V.Định/Tuổi trẻ

Hơn thế nữa, những địa bàn “cắm rễ” của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc nếu liệt kê ra sẽ khiến không ít người giật mình.

Đó là vùng Miền Trung – cửa ngõ của Biển Đông, Tây Nguyên – địa bàn giáp với Lào, Campuchia, lá chắn bảo vệ đất nước từ phía Tây, rồi vùng Tây Nam bộ, vựa lúa lớn nhất nước, là “nồi cơm” của hơn 90 triệu dân… và rõ ràng Trung Quốc không hề thiếu đất nhưng sao họ lại ào ạt sang Việt Nam thuê đất?

Mấy hôm nay sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm tại nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắc Nông khiến các nhà khoa học lo lắng xuất hiện thêm một quả “bom” môi trường ngang tầm Formosa.

Chất kiềm cực độc này sẽ theo dòng chảy các con sông bắt nguồn từ Tây Nguyên mang chất độc đến các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ qua hệ thống sông Đồng Nai, sông Sêrêpôk…

Và giờ đây, thêm nguy cơ bị tấn công về kỹ thuật - công nghệ đã hiển hiện rõ ràng, qua những vụ bị chèn sóng phát thanh vừa qua và mới đây nhất là sự cố tại hai sân bay chính ở hai đầu đất nước.


Hôm nay tin tặc xâm nhập được hệ thống thông tin sân bay, ngày mai liệu có đảm bảo chúng sẽ không vào “nghịch chơi” hệ thống kiểm soát an toàn bay?

Có cảm giác hình như gã khổng lồ đang nắm anh chàng Gulliver trong lòng bàn tay.

Trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa “Sinh tử phù” đã được ngoại bang ngang nhiên truyền bá ngay trên lãnh thổ nước ta, hướng dẫn viên người Trung Quốc tha hồ “múa gậy vườn hoang” khi xuyên tạc lịch sử Việt Nam rằng:

14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận phía Bắc Trung Quốc. Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc[3].

“Sinh tử phù” là sản phẩm của nền văn hóa Trung Hoa nên đương nhiên chính họ là bậc thầy trong việc sử dụng nó, ám khí này nguy hiểm là thế nhưng không có nghĩa là “bất trị”.

Trong “Thiên Long Bát Bộ”, Kim Dung đã xây dựng nên nhân vật có tên Hư Trúc, một hòa thượng chân chính ngay thẳng – là người duy nhất trong “thiên hạ” có thể hóa giải “Sinh tử phù”.

Tuy nhiên, đó là chuyện phim ảnh, hư cấu, với người Việt “Sinh tử phù” và Hư Trúc có thật hay không không quan trọng mà quan trọng là những cái na ná như “Sinh tử phù” lại hiện diện ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-pham-chi-lan-la-nguoi-dong-thue-toi-phan-doi-vay-von-trung-quoc-20160728220032249.htm

[2] http://dongphuong.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=af61ca6e-232a-41a3-908b-ad0af67aecd1

[3]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/huong-dan-vien-du-lich-trung-quoc-xuyen-tac-lich-su-viet-nam-3427476.html


Theo ThS. Trương Khắc Trà Giaoduc.net.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây