Đến thời điểm này, ông cùng gia đình vẫn mải miết gõ cửa các cơ quan công quyền mong nhận được sự giải quyết thỏa tình đạt lý song chỉ nhận được một kết luận dài tới 16 trang của tỉnh Hà Tĩnh với những nội dung không có gì mới so với những gì ông đã nhận được từ chính quyền xã. Phóng viên báo Sứckhỏe&Đời sống đã xuống làm việc trực tiếp với gia đình và chính quyền để tìm hiểu vấn đề này.
Gặp họa vì có “sổ đỏ”
Chúng tôi tìm gặp và trò chuyện cùng ông Hồ Sĩ Chững trong chính ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, vách đất thủng những mảng lớn cùng một xấp hồ sơ liên quan đến quá trình đi tìm công lý của ông suốt 20 năm qua. Qua phân tích các tài liệu liên quan có thể tóm lược sự việc như sau: Năm 1988, ông Hồ Sĩ Chững cùng ông Dương Công Lưu, Dương Văn Mai có đơn gửi các cấp ban ngành địa phương xin được đấu thầu đồi núi trọc. Ngày 18/3/1988, Ban quản lý HTX Bắc Xuân chứng nhận và đề nghị các cấp, các ngành có liên quan giải quyết đơn của 3 hộ nói trên. Tiếp đến UBND xã Thạch Xuân chứng nhận đơn xin đấu thầu phát triển vườn đồi của 3 hộ, đề nghị UBND huyện và hạt kiểm lâm huyện Thạch Hà về quy hoạch cụ thể cho từng hộ (do Chủ tịch xã Trương Văn Hiển ký ngày 20/3/1988); Ông Kiểm cán bộ ruộng đất đề nghị giải quyết; Ông Lê Đình Sơn (Trưởng phòng Nông lâm); ông Nguyễn Tiến Độ (Phó Chủ tịch UBND huyện) ký ngày 3/5/1993 nhất trí cho làm thủ tục để cấp quyết định.
Ông Hồ Sĩ Chững bị trói, đánh phải nằm viện 65 ngày (ảnh nhân vật cung cấp). |
Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất đồi núi làm vườn đồi có chữ ký của Chủ nhiệm HTX Bắc Xuân và Chủ tịch UBND xã Trương Văn Hiển ngày 30/4/1988. Sau 6 năm miệt mài bỏ công, đổ sức khai hoang, trồng cây phủ xanh khu đồi trọc, chăm sóc rừng bạch đàn tái sinh (trước đó hai hộ ông Dương Công Lưu và ông Dương Văn Mai đã bỏ cuộc vì rừng thiêng nước độc còn mình ông Chững bám trụ đã đóng phí sử dụng đầy đủ), ngày 14/5/1993, UBND huyện Thạch Hà ban hành Quyết định số 16/QĐ-UB “về việc giao đất khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở, nuôi trồng thủy sản”.
Tại Điều 1 ghi rõ: Nay cho phép ông Hồ Sĩ Chững sử dụng 150.000m2 loại đất đồi tại xứ Đập Tây để nuôi trồng thủy sản. Thời gian sử dụng 30 năm có Nam, Bắc, Đông, Tây tứ cận. Những tưởng có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) này gia đình ông Hồ Sĩ Chững yên tâm phát triển sản xuất. Song đó cũng bắt đầu cho chuỗi ngày ông phải lận đận đi gõ cửa công quyền để đòi lại sự công bằng, mồ hôi công sức ông đã bỏ ra khai khẩn, trồng trọt chăm sóc cây trên 15ha trong suốt 6 năm trước. Nguyên nhân bắt nguồn từ hàng loạt các quyết định sai luật, phạm luật từ UBND huyện Thạch Hà.
Cụ thể, trên lô đất đã cấp cho hộ ông Hồ Sĩ Chững theo QĐ số 16, UBND huyện Thạch Hà tiếp tục ra QĐ cấp sổ lâm bạ cho hai hộ gia đình ông Nguyễn Văn Biểu và ông Dương Công Tùng vào ngày 27/4/1993. Nội dung của QĐ này ghi “Nay cấp cho chủ sử dụng ông Dương Công Tùng 8ha để làm vườn rừng. Ranh giới thửa đất: Đông giáp Đinh Thăng Buồm, Tây giáp vườn rừng ông Biểu, Bắc giáp khe Bước, Nam giáp đồi trọc (trại Thạch Đài cũ)”. Hộ ông Nguyễn Văn Biểu 10ha, ranh giới Đông giáp Động Trửa, Nam và Tây giáp đường 21, Bắc giáp Khe Bước. Ranh giới hai lô đất rừng được giao này nằm trong 15ha mà ông Hỗ Sĩ Chững đã được cấp sổ đỏ và đã khai thác sử dụng ổn định trong suốt 6 năm.
Chính việc cấp “sổ đỏ” chồng “sổ đỏ” trên một lô đất của UBND huyện Thạch Hà, cùng hàng loạt các quyết định sai luật chồng chéo về sau đã châm ngòi cho việc bùng nổ mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi của các hộ gia đình được giao đất trên diện tích đất kể trên. Liên tục thời gian sau đó, ông Hồ Sĩ Chững bị các thành viên gia đình ông Biểu gây sự, thậm chí 2 lần bị trói đánh phải nằm điều trị 65 ngày (việc này được chính quyền xã Thạch Xuân, Công an huyện Thạch Hà thụ lý).
Cùng với đó, khi UBND huyện ra các quyết định thu hồi đất sau này phục vụ dự án hoặc giao đất cho hộ gia đình khác đều không hề có phương án đền bù, bồi thường tài sản trên đất, công lao động trong suốt 6 năm trên diện tích 15ha đã giao cho gia đình ông Hồ Sĩ Chững. Một thời gian dài gia đình ông cũng không được giao đất sản xuất nông nghiệp song vẫn phải nộp thuế nông nghiệp cho xã? Là người nông dân, là cựu binh dù luật định ông Hồ Sĩ Chững không hiểu nhiều song ông hiểu đạo lý. Việc chính quyền thu đất của ông giao cho người khác mà không hề đền bù về công sức lao động nhiều năm của ông để khai khẩn mảnh đất đó là trái đạo lý. Trái đạo lý là trái luật. Đó là niềm tin trong suốt 20 năm đi tìm công lý của ông.
Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống làm việc với ông Hồ Sĩ Chững (bên trái ảnh). Ảnh: PV |
Xã, huyện cố sửa sai bằng các quyết định... “sai”
Phân tích hàng chục trang tài liệu có liên quan đến việc UBND xã Thạch Xuân cũng như huyện Thạch Hà đưa ra nhằm giải quyết sự vụ của ông Hồ Sĩ Chững đã cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán, không hợp tình hợp lý khi đưa ra hàng loạt các quyết định chồng chéo, mâu thuẫn và phạm luật khiến nội tình càng trở nên rối. Cụ thể, sau 3 ngày kể từ khi ông Hồ Sĩ Chững nhận được Quyết định số 16/QĐ-UB, việc tranh chấp xảy ra, ngày 27/7/1993, UBND huyện ra Thông báo số 37/TB-UB với nội dung “vùng tranh chấp thuộc lãnh thổ xã Thạch Xuân quản lý.
Trong lúc chờ quyết định của UBND huyện tạm thời thu hồi hai quyết định trên do có nhiều thiếu sót (Quyết định số 17/QĐ-UB và Quyết định 16/QĐ-UB ra ngày 14/5/1993)”. Tiếp đến, ngày 27/12/1993, UBND huyện Thạch Hà ban hành Quyết định số 167/QĐ-UB “thu hồi Quyết định giao đất trồng rừng số 16 đã cấp ngày 14/5/1993 cho ông Hồ Sĩ Chững có diện tích 150.000m2; thu hồi sổ lâm bạ của ông Nguyễn Văn Biểu cấp ngày 22/4/1993” với lý do không mấy thuyết phục.
Tuy nhiên, đến ngày 2/9/1994, UBND huyện Thạch Hà lại ra hai Quyết định số 02 và 03/QĐ-UB ngày 24/9/1994 giao cho hộ ông Tùng 4,8ha cùng hộ ông Biểu 3,3ha đất lâm nghiệp trên chính diện tích đất của ông Hồ Sĩ Chững đã được giao trong Quyết định số 16. Điều phi lý là ở chỗ các hộ gia đình được giao đất sau hộ ông Chững nghiễm nhiên sử dụng toàn bộ tài sản trên đất mà gia đình ông Chững đã trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ trong 6 năm mà không nhận được bất kỳ sự đền bù nào.
Các quyết định của UBND huyện Thạch Hà cũng không đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể nào cho hộ ông Chững. Trước những quyết định sai luật, phạm luật của UBND xã Thạch Xuân, UBND huyện Thạch Hà đã vô tình tước đoạt quyền lợi chính đáng và hợp pháp của ông Hồ Sĩ Chững trên diện tích đất rừng 15ha đã được giao. Ngày 27/1/1999, tại Kỳ họp thứ 10, Khóa 15, HĐND huyện Thạch Hà có Nghị quyết số 01/NQ-HĐ với nội dung bãi bỏ QĐ số 16/QĐ-UB ngày 14/5/1993 và QĐ số 167/QĐ-UB ngày 27/12/1993 của UBND huyện Thạch Hà do phạm luật, sai luật. S
ong tại Thông báo số 42/TB-UB ngày 25/8/1999, UBND huyện Thạch Hà viết: “Việc ông Hồ Sĩ Chững đòi quyền lợi thiệt hại về kinh tế trên vùng đất 15ha và đòi lại 15ha đất có rừng trồng, đồng thời đòi đền bù thiệt hại do quyết định hành chính sai trái...là không thuộc quyền giải quyết của UBND huyện?! Còn trong Báo cáo số 14 BC/ĐCT ra ngày 6/3/2001 của đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh lại cho rằng “việc HĐND huyện Thạch Hà ban hành NQ 01 ngày 27/1/1999 bãi bỏ hai quyết định trên là không cần thiết. Vì các QĐ đó mang tính cá biệt và sau khi có NQ hủy bỏ mà không có biện pháp tiếp theo là thiếu chặt chẽ. Thể hiện quan điểm giải quyết thiếu thống nhất”. Trong lúc ấy, quyền lợi của ông Hồ Sĩ Chững vẫn không được tính đến?
Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống cũng làm việc trực tiếp với ông Dương Anh Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân. Ông Trúc cho biết: Về đơn thư khiếu nại của ông Hồ Sĩ Chững đã kéo dài từ rất lâu, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo cả xã và huyện đến nay vẫn chưa dứt điểm. Nội dung trong đơn thư của ông Chững có nội dung phản ánh đúng, có nội dung trùng lặp. UBND xã, UBND huyện cũng đã nhiều lần xuống địa bàn tiếp xúc người dân để tìm hướng giải quyết thấu đáo, tuy nhiên vẫn chưa đạt được do “còn bất đồng quan điểm và thiếu sự hợp tác”.
Ông Trúc cũng thừa nhận: “Chính sai sót về chuyên môn trong công tác quản lý đất đai, sai trong việc đưa ra các quyết định đứng về mặt hành chính Nhà nước nên ông Chững có cơ sở đi khiếu kiện...”. Cũng theo ông Trúc, hiện tại toàn bộ diện tích đất đồi rừng 15ha đã được thu hồi để thực hiện dự án “hồ chứa nước Khe Sai” do Công ty thủy nông Kẻ Gỗ làm chủ đầu tư. Các hộ dân ở trên diện tích phải giải tỏa đã được đền bù. Tuy nhiên, với ông Hồ Sĩ Chững chỉ nhận được một phần đền bù nhỏ so với công sức ông đã bỏ ra để cải tạo 15ha khu đồi này trong khi những hộ khác chỉ thông qua một quyết định sai của huyện đã được hưởng lợi lớn.
Điều tra của phóng viên cho thấy: Luật Đất đai năm 1993 và năm 2003 đều quy định người sử dụng đất không có các loại giấy tờ... nhưng đất đã sử dụng ổn định có xác nhận của cấp xã thì được bồi thường khi Nhà nước thu hồi. Nghĩa là luật khi đó không bắt buộc đất sử dụng phải được chính quyền giao. Như vậy, ông Chững sử dụng đất hoàn toàn không trái luật, ông phải được hưởng thành quả lao động của mình và việc ông yêu cầu chính quyền bồi thường tiền công lao động để cải tạo, trồng, chăm sóc cây rừng trong 6 năm không có gì là quá. Việc chính quyền cấp xã, huyện nhận ra những sai sót trong quản lý là đáng hoan nghênh song cần có những biện pháp sửa sai hợp tình hợp lý để người dân tin vào lãnh đạo địa phương. Hy vọng lãnh đạo huyện Thạch Hà và UBND tỉnh Hà Tĩnh nhìn ra vấn đề để giải quyết dứt điểm vụ khiếu kiện kéo dài này.
Theo Sức Khỏe Đời Sống