Thu nhập cao
Với nhiều lao động có nguyện vọng đi nước ngoài làm việc, Hàn Quốc là một “miền đất hứa”. Từ năm 2004 đến nay, Hà Tĩnh có trên 8.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Theo ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Hà Tĩnh, ở thời điểm hiện tại, đang có trên 5.300 lao động Hà Tĩnh làm việc tại Hàn Quốc, mỗi năm gửi về cho gia đình tổng số tiền trên 850 tỷ đồng, bằng 25% tổng thu ngân sách của tỉnh. Mức thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động tại Hàn Quốc từ 900 - 1.000 USD, thậm chí có nhiều người còn đạt 1.500 - 2.000 USD. Chỉ sau một tháng sang Hàn Quốc, họ đã có thể gửi tiền về để gia đình chi trả các khoản phí đóng nộp trước lúc đi.
Lao động Việt Nam rất được giới chủ, giới doanh nghiệp của Hàn Quốc tin tưởng, nhất là những lao động có thời gian làm việc nhiều năm tại Hàn Quốc. |
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) của Hàn Quốc có nhiều điểm ưu việt: Chi phí thấp, quy trình tuyển chọn đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận. Vì thế, tỉnh này cũng có hơn 2.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo diện EPS.
Cả nước hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm khoảng 26% lực lượng lao động nước ngoài đang làm việc tại quốc gia này. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH), hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đáp ứng được lợi ích của hai quốc gia. Một bộ phận lao động Việt Nam được giải quyết việc làm với thu nhập cao hơn trong nước, được tiếp cận với cách làm việc công nghiệp, hiện đại của Hàn Quốc. “Đây là thành công rất lớn trong việc tạo việc làm cho người lao động, không những cải thiện thu nhập cho bản thân, gia đình mình mà còn góp phần cho sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá.
Nhiều lao động bỏ trốn
Thống kê của Đại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho thấy, trong số 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, thì Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ lao động bỏ trốn. “Lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp là nguyên nhân cản trở những lao động có đủ điều kiện sang Hàn Quốc làm việc” theo Chương trình EPS”, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho hay.
Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2012, số lao động Việt Nam hết hạn tái tuyển dụng đang bỏ trốn chiếm tỷ lệ 48,7%. Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ bình quân của 14 quốc gia có lao động tại Hàn Quốc. Hiện nay, tổng số lao động đi theo diện EPS đang làm việc tại Hàn Quốc là 63.000 người, trong đó có khoảng hơn 10.000 người hết hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước, trốn ở lại làm việc. Bày tỏ lo ngại trước tình trạng lao động bỏ trốn tăng, Đại Sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho cho biết, thời gian tới, chính phủ Hàn Quốc không còn cách nào khác, sẽ phải cắt giảm tỷ lệ nhân lực tiếp nhận của những quốc gia có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, do một bộ phận người lao động Việt Nam chưa tôn trọng các quy định của Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng không về nước là nhằm có thêm thu nhập. Mặt khác, thực tế này xảy ra một phần do nhiều chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc hiện vẫn sử dụng số lao động bất hợp pháp làm việc. Theo đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh, nguyên nhân này là khách quan. Bởi, lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh nói riêng rất được giới chủ, giới doanh nghiệp của Hàn Quốc tin tưởng, nhất là những lao động có thời gian làm việc nhiều năm tại Hàn Quốc đã chiếm được tình cảm của chủ sử dụng lao động nên sau khi hết hạn hợp đồng, vẫn được chủ doanh nghiệp tiếp nhận”.
Phối hợp để chống trốn
Để giảm tình trạng lao động nước ngoài trốn ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng lao động, Đại Sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho cho biết, chính phủ nước này đã ban hành chính sách tái nhập cảnh cho lao động hồi hương khi lao động hết hạn và đã quay về. Cụ thể, những lao động làm việc tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ và không thay đổi nơi làm việc thì 3 tháng sau khi về nước sẽ được tái nhập cảnh. “Chính sách này đã bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2012. Chúng tôi hy vọng lao động Việt Nam hiểu rõ chính sách này và tuân thủ để trong tương lai, có thêm nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc lâu dài”, ông Ha Chan Ho cho hay.
Về phía Việt Nam, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động ý thức chấp hành pháp luật của Hàn Quốc được xác định là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, ngành LĐ,TB&XH sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương trong việc tuyển chọn, đào tạo và giáo dục người lao động. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng với các tổ chức chính trị- xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền với gia đình người lao động về các chính sách liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại Hội nghị Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tổ chức cuối tuần qua, ở tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý trong tháng 10/2012, các địa phương có người lao động ở lại cao (trong đó, đặc biệt là những địa phương có trên 300 người) cần có Nghị quyết để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Mục tiêu đến cuối 2013, phải khắc phục cơ bản tình trạng lao động của các địa phương không trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng. |
Đại diện ngành LĐ,TB&XH Hà Tĩnh đề xuất ý tưởng giữ tiền lương của lao động để ràng buộc ý thức trách nhiệm tuân thủ luật pháp. Cụ thể, đối với lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị phía Hàn Quốc xem xét đưa ra quy định để chủ lao động được giữ lại 50% tiền lương của 5 tháng làm việc đầu tiên, nhằm ngăn chặn tình trạng số lao động này bỏ trốn sang làm các ngành khác. Với những lao động gần hết thời hạn hợp đồng làm việc, cho phép chủ sử dụng lao động chưa thanh toán số tiền lương 6 tháng cuối hợp đồng, buộc lao động phải về nước đúng hạn. Còn đối với những lao động tuân thủ thời hạn về nước đúng với hợp đồng, Chính phủ Hàn Quốc cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để lao động được tham gia các kỳ kiểm tra tiếng Hàn thuận lợi và ưu tiên trong tuyển dụng trở lại.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Ninh Bình cho rằng, để việc thực hiện các giải pháp giảm tình trạng lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc cư trú và làm việc bất hợp pháp, các địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm về việc theo dõi, nắm tình hình số lao động đi Hàn Quốc trên địa bàn mình. Đặc biệt là những trường hợp sắp hết hạn hợp đồng. Từ đó, chính quyền phối hợp với các đoàn thể phải đến từng hộ gia đình có con em sắp hết hạn hợp đồng để vận động gia đình, tác động con em họ về nước đúng hạn.
Song song với công tác tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể. Đối với những lao động hết hợp đồng, tuân thủ và trở về đúng hạn, sẽ phối hợp với phía Hàn Quốc để tổ chức cho các lao động được thi tuyển và tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc. Còn với những lao động làm việc chăm chỉ, chủ doanh nghiệp có nhu cầu giữ lại làm tiếp thì nếu quay về đúng hạn sẽ được tiếp tục nhập cảnh mà không phải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn...
Theo tuoitre.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn