Tiếp tục giải cứu thành công bốn em
Sáu tiếng đồng hồ sau khi chiến dịch giải cứu lần thứ hai được khởi động, tức vào khoảng 17 giờ hôm qua, thành viên thứ năm trong đội bóng 12 người (và một huấn luyện viên) đã được an toàn ra khỏi hang, được chuyển thẳng đến bệnh viện để được chăm sóc y tế.
Ông Narongsak Osatanakorn, người đứng đầu Trung tâm Phối hợp chỉ huy chiến dịch giải cứu trưa qua, cho biết các điều kiện thời tiết (mực nước trong hang giảm), sự chuẩn bị của lực lượng cứu hộ và sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của các cầu thủ nhí hoàn toàn phù hợp để tiến hành đợt giải cứu vào sáng thứ Hai.
Chiến dịch giải cứu hôm qua diễn ra sớm hơn năm tiếng so với dự kiến. Trả lời PV The Guardian rằng cậu bé nào sẽ được chọn cho lần giải cứu thứ hai, ông Osatanakorn trả lời “những cậu bé hoàn hảo nhất, những em đã sẵn sàng nhất”. Một quan chức lâm nghiệp Thái Lan mô tả mực nước trong hang hôm qua tiếp tục giảm nhờ lượng mưa không ảnh hưởng đáng kể và hàng ngàn máy bơm hút nước từ bên trong hang liên tục không ngừng.
Đến 19 giờ 30 phút hôm qua, CNN xác nhận đã hoàn tất quá trình đưa thêm ba thành viên của đội bóng ra khỏi hang an toàn, kết thúc chiến dịch giải cứu ngày thứ hai. Như vậy đã có tất cả tám trong tổng số 13 thành viên của đội bóng đã ra ngoài an toàn, được chuyển đến bệnh viện ở tỉnh Chiang Rai để theo dõi sức khỏe và chăm sóc y tế. Trong hang còn lại năm thành viên đội bóng.
Quy trình giải cứu các thành viên. Ảnh: THE GUARDIAN
Kiểm tra dịch bệnh ở trẻ và trấn an phụ huynh
Các thành viên được giải cứu lần thứ nhất vào hôm Chủ nhật đã ổn định sức khỏe tại bệnh viện ở Chiang Rai nhưng vẫn được cách ly để kiểm dịch trong vòng vài ngày tới. Các cậu bé được giải cứu vào hôm thứ Hai cũng chuyển đến đây để theo dõi. Danh tính của các cậu bé vẫn được các quan chức giữ bí mật.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời bác sĩ chăm sóc những đứa trẻ ở khu cách ly cho biết việc trì hoãn cho những đứa trẻ này đoàn tụ với gia đình là để trấn an tinh thần những bậc phụ huynh có con vẫn còn mắc kẹt trong hang, đồng thời để kiểm tra liệu những đứa trẻ đã ra ngoài có mắc dịch bệnh trong thời gian chúng sống trong bóng tối và hang động ngập nước.
Ngoài ra, các chuyên viên y tế cũng tập trung vào việc kiểm tra và giám sát ôxy, tình trạng suy dinh dưỡng, mất nước, hậu chấn tâm lý hay rối loạn căng thẳng với các em. “Một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề ôxy. Các em đã sống trong một khu vực có nồng độ ôxy thấp” - TS Darria Long Gillespie, trường y thuộc ĐH Tennessee nói với CNN.
Trong khi đó, TS Carole Lieberman, một bác sĩ tâm lý và cũng là một thợ lặn, nói với CNNrằng “đó là một kỳ tích tuyệt vời” khi một số thành viên của đội bóng đã được giải cứu. Cô Lieberman nói thêm các nhà chức trách cần phải kiểm tra hậu chấn tâm lý và các ảnh hưởng tâm lý khác đối với những đứa trẻ. Ngoài ra, theo Lieberman, việc gửi thông tin vào trong hang nơi những thành viên còn lại chưa được ra ngoài là cực kỳ quan trọng. “Đó sẽ là động lực thúc đẩy sự tự tin của những người còn lại” - CNN dẫn lời cô Lieberman.
Hôm qua, các cậu bé nói mình rất đói và mong muốn được ăn uống, đặc biệt là món Phad Ka Pao, một món ăn của người Thái gồm thịt bò băm, húng quế và ớt; và cả món Khao Pad Kraprow - cơm gà xào lá Basil. Các cậu bé đã chịu đói ít nhất chín ngày trong hang động trước khi được các thợ lặn người Anh tìm thấy và cứu hộ. Trong một lá thư gửi ra bên ngoài cho các bậc cha mẹ vào thứ Bảy tuần trước trước khi được giải cứu ra khỏi hang, những đứa trẻ nói “chúng con thật sự muốn ra khỏi đây và muốn ăn rất nhiều món ăn”.
Nhìn lại hơn ba tuần “nghẹt thở” chiến dịch giải cứu - Ngày 9-7: Thêm bốn thành viên của đội bóng mắc kẹt tại hang Tham Luang được giải cứu, nâng tổng số người được giải cứu thành công lên tám người. - Ngày 8-7: Khởi động quá trình giải cứu. 13 thợ lặn quốc tế, năm chuyên viên cứu hộ đội SEAL hải quân Thái Lan trong tổng số 90 thành viên đội cứu hộ vào cuộc. Bốn thành viên đầu tiên của đội bóng được đưa ra ngoài an toàn, chuyển đến bệnh viện ở Chiang Rai để chăm sóc. - Ngày 7-7: Chiến dịch giải cứu được ưu tiên phương án “dạy các em lặn để đưa các em ra ngoài” khi thời tiết không có dấu hiệu giảm mưa lũ và nồng độ ôxy trong hang giảm mạnh đến mức báo động. - Ngày 6-7: Một thợ lặn từng là lính hải quân Thái Lan thiệt mạng khi tiến hành lặn đặt các bình khí ôxy để chuẩn bị công tác giải cứu. - Ngày 3 đến 5-7: Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sức khỏe của các thành viên chưa thể tiến hành chiến dịch giải cứu. Nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó có ba phương án được tính đến là chờ nước cạn; khoan lỗ từ trên xuống cứu đội bóng và dạy các em lặn để thoát ra ngoài. - Ngày 2-7: Thống đốc tỉnh Chiang Rai chính thức lên tiếng xác nhận đã tìm được cả 13 người còn sống sót và an toàn. Theo BBC đưa tin, có tổng cộng hơn 1.000 người trong nước đã góp sức vào chiến dịch này. Các nước trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Lào, Myanmar, Úc, Trung Quốc và Mỹ cũng góp sức bằng cách cử các chuyên gia giỏi nhất đến để hỗ trợ. - Ngày 26-6 đến 1-7: Công tác cứu hộ được thúc đẩy bất chấp thời tiết khắc nghiệt khi mưa lớn và nước liên tục dâng cao trong hang. Nhiều chuyên gia nước ngoài vào cuộc. - Ngày 25-6: Đội cứu hộ cho biết tìm thấy dấu tay của các thành viên đội bóng nhưng vẫn chưa tìm thấy người. - Ngày 24-6: Túi, dép của các thành viên trong đoàn được tìm thấy bên trong hang động nhưng nước dâng cao và không thấy người. - Ngày 23-6: Đội bóng nhí gồm 12 cầu thủ và một huấn luyện viên đến tham quan hang Tham Luang Nang Non ở vùng núi phía Bắc Thái Lan và không trở ra được. |
Tác giả bài viết: ĐẠI THẮNG - THU THẢO
Nguồn tin: Pháp luật Tp HCM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn