6 năm kiên trì "vạch" sai phạm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Thứ sáu - 27/11/2020 15:06
Từ năm 2014, khi còn giữ chức Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ông Lương Xuân Bình đã nêu ý kiến, gửi văn bản phản ánh về những sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ vừa công khai hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội theo đơn thư tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

"Năm 2014 tôi đang làm Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Khi dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu triển khai gói thầu tư vấn, tôi đã có ý kiến rồi. Đầu tiên, tôi nêu ý kiến trong tập thể ban lãnh đạo cơ quan. Các ông ấy không nghe. Tôi tiếp tục có ý kiến bằng văn bản cũng không được. Tôi đã báo cáo sự việc lên Bí thư Thành ủy cũng không giải quyết được"- ông Bình trao đổi với PV Dân trí sau khi kết luận thanh tra được báo chí đăng tải.
 
T2020112710 1
Ông Lương Xuân Bình (Ảnh: Đức Minh).

Ông khẳng định, đến năm 2016 ông vẫn đang "báo cáo" và "kiến nghị", chứ không phải "tố cáo". Tuy nhiên, Thanh tra thành phố Hà Nội đã vào cuộc và kết luận các việc làm của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đúng pháp luật, buộc ông "phải tiếp tục đấu tranh".

Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn công tác để gặp gỡ trao đổi thông tin, tài liệu với ông Lương Xuân Bình trong khoảng 2 tháng, trước khi chính thức có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thanh tra đột xuất dự án này.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận thanh tra một số nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình về dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội. Tuy nhiên ông Bình tiếp tục có đơn thư, kèm theo hồ sơ, chứng cứ gửi tới lãnh đạo Chính phủ và cơ quan chức năng liên quan nên Thanh tra Chính phủ tiếp tục được giao làm rõ thêm.

"Suốt từ đầu chí cuối, tôi không quản ngại thiệt thòi về bản thân mình. Do được bố trí công việc không phù hợp với năng lực chuyên môn, tôi đã làm đơn xin nghỉ việc không lương (tháng 9/2019) để chờ đợi xem cơ quan thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của mình như thế nào. Thế nhưng họ không cho tôi nghỉ, lại hướng dẫn tôi viết đơn xin thôi việc, có văn bản hẳn hoi đấy. Tôi làm sao mà phải viết đơn xin thôi việc?"- ông Bình bộc bạch.

Hiện tại, ông Bình vẫn tới cơ quan mỗi ngày, nhưng không còn thuộc quản lý của phòng ban nào và chỉ được hưởng mức lương bằng 1/3 so với trước đây.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Gói thầu số 6 của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bởi "chưa hài lòng" với kết luận thanh tra vừa được công khai.
 
T2020112710 2
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Thông báo kết luận thanh tra do ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký, nêu rõ một số nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình là có cơ sở.

Kết luận nhấn mạnh: Trước khi có đơn tố cáo, ông Bình đã có một số báo cáo về những sai phạm của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) lên Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giám sát, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội thành lập đoàn để xem xét, nhưng ông Bình không nhất trí và tiếp tục có đơn gửi các cơ quan Trung ương tố cáo về các sai phạm của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

Ông Bình cũng đã tố cáo về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác thanh tra của Đoàn thanh tra thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định 2774/QĐ-TTTP-P6 năm 2015 của Chánh thanh tra thành phố Hà Nội.

Đối chiếu với quy định của Luật Tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

"Trách nhiệm thuộc Chánh thanh tra thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra theo Quyết định số 2774/2015 của Chánh thanh tra thành phố Hà Nội"- kết luận thanh tra nêu rõ.

Cơ quan thanh tra cũng đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác của ông Bình, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi cho ông.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tư vấn thực hiện là Công ty Systra (Pháp). Quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo Quyết định 4007/2013 của UBND TP Hà Nội là 1.176 triệu Euro; thời gian thực hiện dự án điều chỉnh đến năm 2018.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro (vốn ODA gần 958 triệu Euro, vốn đối ứng trong nước trên 218 triệu Euro), gồm nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp AFD, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Châu Âu (EIB) và Ngân sách thành phố Hà Nội.
Thế Kha
Theo  Dân trí

https://dantri.com.vn/xa-hoi/6-nam-kien-tri-vach-sai-pham-duong-sat-do-thi-nhon-ga-ha-noi-20201127101103109.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây