5 năm chờ đợi cho một ước mơ

Thứ hai - 01/08/2022 09:20
Tối 30-7, đài lửa tại sân vận động Manahan ở thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java (Indonesia) đã được thắp sáng, chính thức mở màn hơn một tuần thi đấu sôi nổi của Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 11.
Được tổ chức từ ngày 30-7 đến 6-8 tại thành phố Surakarta, ASEAN Para Games 11 gồm 14 môn thể thao, với 907 nội dung tranh tài, quy tụ 1.286 vận động viên (VĐV). Các nội dung thi đấu tại đại hội được tổ chức ở 3 địa điểm, gồm thành phố Surakarta, thành phố Semarang và huyện Karanganyar.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam với 153 thành viên, trong đó có 120 VĐV, tham gia tranh tài ở 8/14 môn (gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo, bắn cung), phấn đấu góp mặt trong nhóm dẫn đầu đại hội với chỉ tiêu đề ra từ 35 đến 40 huy chương vàng (HCV).
 
D2022080105
Lê Văn Công được đánh giá là lực sĩ cử tạ người khuyết tật hay nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Sport.
 
Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, đồng thời là Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: “ASEAN Para Games 11-2022 là đại hội có nhiều VĐV thể thao người khuyết tật xuất sắc trong khu vực tranh tài. Đây là cơ hội để VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam thử sức, thể hiện nghị lực của bản thân để tự tin vươn lên, thể hiện khát vọng chiến thắng, hòa nhập và cống hiến”.

5 năm qua, các VĐV thể thao người khuyết tật trong khu vực không có mấy giải đấu cấp đại hội để được tranh tài. Vì thế, không chỉ VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam mà các tuyển thủ khuyết tật khác của Đông Nam Á cũng háo hức, chờ đợi giây phút đài lửa của ASEAN Para Games 11 được thắp sáng. Ông Đặng Việt Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT tin tưởng: "Mỗi thành viên trong đoàn Việt Nam đều có sự quyết tâm riêng của mình cho giải đấu, cũng như đã có được sự chuẩn bị tốt nhất về thể lực, tinh thần".

Sau kỳ SEA Games 30 tại Philippines, các VĐV thể thao người khuyết tật trong khu vực háo hức chờ đợi thời khắc được tranh tài ở ASEAN Para Games 10. Thế nhưng, kỳ đại hội trên đã không thể diễn ra theo kế hoạch khi chủ nhà Philippines quyết định hủy bỏ sự kiện này vì những hạn chế về tài chính và do dịch Covid-19 bùng phát.

Tại kỳ ASEAN Para Games gần nhất diễn ra năm 2017 tại Malaysia, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có kết quả khả quan khi giành 17 HCV ở môn điền kinh, 15 HCV môn bơi, 4 HCV môn cử tạ, 4 HCV môn cờ...

Trong 5 năm qua, lần gần nhất thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu giải tầm cỡ đại hội là Paralympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 và ở đó, đoàn giành 1 huy chương bạc cử tạ nhờ công của lực sĩ Lê Văn Công. Năm nay, Lê Văn Công tiếp tục là niềm hy vọng tại môn cử tạ của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Tuyển thủ Lê Văn Công tâm sự: “Giành được thành tích là điều không dễ khi thi đấu ở SEA Games. Với VĐV thể thao người khuyết tật, điều này còn khó hơn. Chúng tôi đã chờ đợi, kiên trì luyện tập trong 5 năm qua để quyết tâm thực hiện những ước mơ, những mục tiêu”.

Tuyển thủ điền kinh Cao Ngọc Hùng chia sẻ: “ASEAN Para Games rất quan trọng với người khuyết tật, vì đó là cơ hội để VĐV được thể hiện tài năng, thi đấu cọ xát và gặt hái những thành công mang vinh quang về cho Tổ quốc”.

CẨM TÚ
Theo qdnd.vn


Link gốc: 5 năm chờ đợi cho một ước mơ (qdnd.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây