Thực trạng này không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn gây tình trạng mất ATGT tại các tuyến đường ra vào mỏ.
Bất tuân lệnh Sở GTVT
Cuối tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực rú (núi) Nấy, thuộc địa bàn thôn Cường Thinh, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo quan sát, khu vực này có 3 mỏ đá và 1 mỏ đất. Thời điểm PV có mặt, tất cả 4 mỏ đều hoạt động rầm rộ. Chưa đầy 10 phút có mặt ở đây, PV đã ghi nhận hàng chục xe tải, xe ben các loại ra, vào “ăn” đất, đá. Tuy nhiên, cả 4 mỏ khoáng sản nói trên đều chưa có trạm cân kiểm soát tải trọng, dù quy định này đã có từ lâu.
Hậu quả của việc không có cân kiểm soát tải trọng là các xe tải “mạnh ai nấy chở”. Nhiều xe cơi nới thành thùng, chở hàng có ngọn khiến cho tuyến đường dài gần 1km từ khu vực mỏ ra đến tuyến ĐT547 bị cày nát. Nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội. Chưa hết, tuyến ĐT547, đoạn gần nút giao với đường vào mỏ, đất đá rơi vãi dày đặc, tạo thành 1 lớp phủ kín mặt đường. “Xe chạy ngày chạy đêm, nhiều xe chở cao ngút nhưng bạt phủ không kín khiến cho đất đá rơi vãi khắp nơi và bụi tung mù mịt. Là hộ buôn bán nhỏ nhưng suốt ngày chúng tôi phải đóng cửa kín mít, đến ăn uống cũng phải đóng cửa”, bà Tô Thị Xuân, sống cạnh lối vào khu mỏ bức xúc.
Điều đáng nói là cuối tháng 10/2018, đoàn liên ngành gồm Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở LĐ, TB&XH, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Nghi Xuân, UBND xã Xuân Liên đã kiểm tra và chỉ rõ các mỏ này đều chưa có trạm cân, chưa lắp đặt camera giám sát lưu trữ thông tin liên quan. Đoàn liên ngành đã yêu cầu các chủ mỏ khẩn trương khắc phục những tồn tại, sai phạm đã được chỉ ra trong thời hạn 90 ngày. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, cả 4 mỏ này đều chưa làm gì cả.
Tình trạng tương tự cũng đã và đang xảy ra trên tuyến đường liên xã Sơn Bình - Sơn Thủy - Sơn Mai (thuộc huyện Hương Sơn). Gần 20 phút đứng trên tuyến đường này, chúng tôi đếm được gần chục xe tải ben các loại chở đất, đá. Nhiều xe cơi nới thành thùng, chở hàng có ngọn; nhiều xe phủ bạt không kín khiến đất đá rơi vãi khắp nơi. Theo người dân nơi đây, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, người dân cũng đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết dứt điểm. Cực chẳng đã, nhiều lần người dân mang sào, vác đá chặn xe “ra yêu sách”, bắt các chủ mỏ phải tưới nước thường xuyên.
Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy thừa nhận: “Hiện trên địa bàn xã có 3 mỏ đá và cả 3 đều chưa lắp trạm cân theo quy định. Tuy nhiên, cấp xã không đủ thẩm quyền xử lý nên chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở”.
Thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vẫn chây ì
Theo Khoản 2, Điều 42 Nghị định 158/2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ 15/1/2017), tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Trọng Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Sơn Nguyệt (chủ mỏ đá Sơn Nguyệt) cho biết: Ở huyện Hương Sơn không chỉ mỏ Sơn Nguyệt mà tất cả 7 mỏ khác đều chưa lắp trạm cân theo quy định. “Chúng tôi biết như thế là chưa đúng quy định, nhưng do sản lượng khoáng sản bán được ít làm ảnh hưởng đến doanh thu của cả đơn vị. Vừa qua, các mỏ ở huyện Hương Sơn đã có văn bản gửi các ngành chức năng xin lùi thời gian lắp trạm cân thêm một thời gian. Sắp tới, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất thời gian, phương án lắp. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến cuối năm 2019 này sẽ lắp xong và đưa vào sử dụng”, ông Giang nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 80 mỏ khoảng sản (mỏ đất, đá, cát…). Thế nhưng, hiện chỉ mới có 41 mỏ lắp đặt camera, trong số đó mới chỉ có 31 mỏ lắp đặt cân kiểm soát tải trọng và chủ yếu là các mỏ đá. Theo ông Thành, Nghị định 158 được ban hành vào cuối tháng 11/2016 và có hiệu lực từ 15/1/2017. Trong năm 2017 và 2018, Phòng đã kiểm tra và phát hiện nhiều mỏ khoáng sản chưa lắp trạm cân và camera giám sát theo quy định. Tuy nhiên, thời gian này chủ yếu là tuyên truyền, vận động các DN, đơn vị chủ mỏ chấp hành quy định của pháp luật.
“Trong quá trình kiểm tra, các chủ mỏ cũng phản ánh việc lắp đặt trạm cân còn gặp nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu; tại các mỏ cát nằm trên bãi bồi, khó chọn được vị trí đặt trạm cân; chi phí lắp đặt trạm cân khá cao… nên nhiều mỏ chưa cân đối được tài chính. Tuy nhiên, trong năm 2019, Phòng sẽ tiếp tục kiểm tra và kiên quyết yêu cầu các DN chấp hành nghiêm quy định nói trên. Nếu DN nào cố tình không chấp hành thì Phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở có hình thức xử lý cao nhất là thu hồi giấy phép”, ông Thành nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn