Năm nay, tuyển sinh đại học ghi nhận hiện tượng điểm chuẩn nhiều ngành tăng vọt lên đến 9 điểm, có ngành lấy điểm chuẩn 30/30 tuyệt đối, thậm chí trên 30 điểm.
Với mức điểm chuẩn như vậy, về lý thuyết thuyết thủ khoa cũng trượt đại học, người có điểm 30 tuyệt đối nếu chọn ngành không phù hợp vẫn trượt.
Trước hiện tượng đó, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của việc điểm chuẩn tăng đột biến là do đề thi tốt nghiệp THPT dễ, khiến điểm thi cao dẫn đến điểm chuẩn cao.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo kết quả điểm thi tốt nghiệp giảm khiến sự cạnh tranh đầu vào các trường đại học trở nên "khốc liệt", đẩy điểm chuẩn tăng cao.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội
Điểm chuẩn tăng là tín hiệu đáng mừng
Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học top, ngành hot năm nay cao đột biến, có ngành tăng tới 9 điểm so với năm trước, khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt đại học, gây sốc cho các em. Theo ông nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng này?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, có ba nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn tăng cao trước hết số lượng năm nay thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến.
Các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực. Có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển.
Điều này dẫn đến áp lực lên tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.
Và do tình hình dịch bệnh, bài thi kết quả THPT nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây.
Cá biệt có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 đến 10 điểm) tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn anh văn, ngữ văn; hoặc ngữ văn, địa lý, GDCD,…
Theo ông với kết quả tuyển sinh như năm nay, ông có cho rằng các trường đại học đã thành công khi chọn được thí sinh điểm cao?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Nhìn về tổng thể thì năm nay các trường top trên theo thống kê đã tuyển đủ thí sinh có chất lượng ngay từ đợt 1.
Xét về mục tiêu của các cơ sở đào tạo thì có thể nói đây là thành công của các trường vì đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu và thường đây là những thí sinh có nguyện vọng ngay từ ban đầu.
Như vậy sẽ yên tâm học tập và sẽ giảm hiện tượng thôi học để thi lại, xin chuyển trường,…có thế nói đây cũng là một sự tiết kiệm chi phí xã hội khi các em ổn định, xác định theo học một ngành/trường ngay từ ban đầu.
Qua quan sát, có một yếu tố khiến một số ngành tăng mạnh, thu hút thí sinh vì những ngành đó hứa hẹn khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp cao.
Cái cần quan tâm nhất trong tuyển sinh là tuyển đủ những thí sinh có chất lượng và thí sinh chọn được trường theo đúng nguyện vọng ưu tiên của mình.
Tóm lại, với những yếu tố như trên, những gì quan sát được thì tôi thấy việc tăng điểm trúng tuyển năm nay là có lý do rất khách quan và cũng là tín hiệu đáng mừng khi việc lựa chọn trường, chọn ngành dần dần đi vào quy luật cung - cầu, ngành tốt, trường tốt thì điểm sẽ rất cao.
Xã hội, thí sinh và phụ huynh cũng dần quen với nhiều cơ hội khác nhau để có thể vào đại học bằng các hình thức xét tuyển khác nhau mà các trường đã được trao quyền và phát huy được lợi thế của quyền tự chủ trong tuyển sinh.
Hai năm lại đây, tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng cao (trích số liệu phân tích của Giáo sư Nguyễn Đình Đức).
30 điểm vẫn trượt đại học: Không bất ngờ
Nhiều ý kiến còn băn khoăn về độ khó đề thi giảm dẫn đến kết quả điểm thi cao đến mức 30 điểm vẫn có thể trượt đại học, ông có thể phân tích sâu hơn vấn đề này được không? Theo ông điều này có gây ra tình trạng mất công bằng trong thi cử không?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đúng là năm nay, có một số môn có điểm giỏi tăng đột biến, ví dụ môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi từ điểm 8 trở lên chiếm 24% tổng số bài thi, trong khi tỷ lệ này năm 2020 là 6,5%, năm 2019 là 5,96% và năm 2018 là 2,7%. Như vậy cứ 4 thí sinh có gần 1 thí sinh đạt điểm giỏi môn Anh văn.
Môn Văn, tỷ lệ bài thi từ điểm 7 trở lên rất cao, chiếm 41,7% tổng số bài thi, tỷ lệ này năm 2020 cũng là 46%, trong khi năm 2019 là 14,4% và năm 2018 là 17,4%.
Môn Địa lý, tỷ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 22%, trong khi năm ngoái là 16,5%, năm 2019 là 5,55% và 2018 chỉ có 3,16%.
Đặc biệt, môn Giáo dục Công dân thì luôn cao: năm 2021 điểm giỏi từ 8 trở lên là 71,5%, năm 2020 là 66,2% và năm 2019 là 38,4% và 2018 là 29,2 %, do đó những tổ hợp có môn Văn, Địa lý và GDCD điểm sẽ tăng rất cao là đương nhiên.
Dẫn đến có ngành chọn tổ hợp có những môn này đã tăng điểm trúng tuyển so với năm ngoái đến 7-8 điểm. Cũng tương tự với tổ hợp có môn Tiếng Anh.
Môn Toán và Lý, Hóa không có đột biến lớn so với năm 2020, nhưng kết quả thi cho thấy đề thi năm ngoái và năm nay cũng dễ hơn nhiều so với mấy năm trước.
Ví dụ, môn Toán, tỷ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 25,87%, năm ngoái la 29,7%, năm 2019 là 9,2% và 2018 chỉ có 1,2%.
Môn Vật lý, tỷ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 18,3%, năm ngoái là 23,95%, năm 2019 là 6,0% và 2018 chỉ có 2,7%.
Môn Hóa, tỷ lệ bài thi từ điểm 8 trở lên chiếm 24.9% tổng số bài thi, trong khi tỷ lệ này năm 2020 là 27,4%, năm 2019 là 3,9% và năm 2018 là 2,6%.
Và thấy rất rõ, điểm khối A năm nay tổ hợp có 2 môn Toán, Lý hoặc Toán, Hóa,… điểm trúng tuyển tăng không mạnh.
Những số liệu liên tục trong mấy năm này chứng minh chất lượng và độ khó ngày càng dễ của đề thi tốt nghiệp THPT, nhất là từ năm ngoái đến nay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn được Bộ giáo dục xem như phục vụ mục tiêu “2 trong 1” và xem tuyển sinh là việc của các trường, phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Với 3 nguyên nhân như tôi đã phân tích như trên, thì nếu không tỉnh táo để phân tích tình hình để đăng ký nguyện vọng phù hợp, thì 30 điểm vẫn trượt là giải thích được.
Và cũng không thể kết luận là không công bằng, vì dễ hay khó thì vì thí sinh cùng dự thi cùng làm bài thời gian như nhau, như vậy là dễ thì cùng dễ mà khó thì cũng khó.
Hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh đại học
Trong khi điểm xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 30 điểm còn có thể trượt nhưng nhiều trường lại áp dụng xét tuyển bằng học bạ khiến nhiều người lo lắng về sự mất công bằng trong tuyển sinh đại học. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Đinh Đức: Hiện nay, xét tuyển theo học bạ chỉ là 1 trong nhiều phương thức xét tuyển mà các trường đã công bố công khai bằng đề án tuyển sinh của trường,.. thí sinh có quyền tự lựa chọn các phương thức đăng ký xét tuyển, cơ hội cho mỗi thí sinh là như nhau.
Và những kết quả đối sánh đã công bố giữa điểm học bạ và thi tốt nghiệp THPT của nhiều môn và ở nhiều địa phương là khá tương đồng, do đó bức tranh xét tuyển theo học bạ, theo tôi nhận định thì tỷ lệ học sinh giỏi “chọi” với nhau để xét trúng tuyển cũng với tỷ lệ rất cao.
Từ những thực tế đó, cho thấy sau khi Luật giáo dục Đại học sửa đổi, đã giao quyền tuyển sinh cho các trường và kỳ thi tốt nghiệp THPT thực sự đã phục vụ chỉ với mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT thôi.
Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển đại học, dùng “2 trong 1” chỉ là phương án tạm thời vận dụng để xét tuyển đại học trong thời điểm giao thời khi Luật giáo dục đại học sửa đổi mới ban hành và nhiều trường đại học chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh đại học riêng.
Với tình hình đề thi và kết quả điểm như đã thống kê ở trên cho thấy điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường hot.
Để tăng chất lượng đầu vào, năm nay nhiều trường cũng đã tăng tỷ lệ xét tuyển thẳng với các em học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, các em có điểm thi ACT, SAT và các chứng chỉ quốc tế khác và vì vậy đã tuyển sinh được nhiều thí sinh có chất lượng thực sự tốt.
Đây là những điểm tích cực của Luật giáo dục đại học sửa đổi và phương án tự chủ tuyển sinh mang lại.
Vậy theo ông, tới đây trong công tác tuyển sinh đại học có cần chú trọng quá vào kết quả thi tốt nghiệp nữa hay không, hay cần có thay đổi như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm của kỳ thi THPT như hiện nay, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh đại học, một lần nữa lại vô cùng cấp thiết.
Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, và Việt Nam cũng đang triển khai (như ở hai ĐHQG và một số trường đại học khác).
Tuy nhiên cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.
Mặt khác, nói việc tuyển sinh là của các trường, nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua vai trò hỗ trợ và điều hành, điều tiết của Bộ giáo dục và Đào tạo, trong khi các trường còn đang lúng túng với các kỳ thi tuyển sinh đại học riêng.
Thiết nghĩ Bộ có thể hỗ trợ các trường đại học, điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT hằng năm, để phục vụ tốt mục đích “hai trong một” – giúp các trường có thể yên tâm sử dụng điểm bài thi THPT để tuyển sinh đại học trong bối cảnh như hiện nay – thật là nhất cử lưỡng tiện, đỡ tốn kém cho các trường và đỡ vất vả cho thí sinh, đồng thời cũng đỡ đi việc thả nổi xét tuyển sinh đại học bằng quá nhiều phương thức khác.
Thông qua thi cử nghiêm túc và chất lượng sẽ hiện thực hóa mục tiêu học thật – thi thật – nhân tài thật như Thủ tướng đã hiệu triệu.
Link gốc: https://congluan.vn/30-diem-van-truot-dai-hoc-hoi-chuong-canh-tinh-ve-viec-doi-moi-tuyen-sinh-dai-hoc-post156756.html