Trong đó, Quảng Ngãi 7 người, Bình Định 13 người, Quảng Nam 2 người, Phú Yên 1 người, Gia Lai 1 người và 1 người mất tích.
Tại Quảng Ngãi, có 9 xã thuộc 3 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành bị cô lập do mưa lũ.
Sáng 16-11, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp để tiếp tục triển khai chống lũ, cứu hộ, cứu nạn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, do mưa lớn ở thượng nguồn, trong ngày 15-11, mực nước các sông Trà Khúc, sông Vệ lên quá nhanh, vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1 - 0,4 mét làm cho nhiều vùng bị ngập sâu, cô lập. Nước lũ còn vượt qua đê bao sông Trà Khúc, "tấn công” vào TP Quảng Ngãi.
Mưa lũ đã làm cho 2 người chết là em Vương Thị Thu Thảo ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành và ông Lâm Quang Vinh, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Trong đêm qua đã có nhiều vùng, người dân điện thoại cầu cứu ngành chức năng xin cứu hộ.
Cũng theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, trong ngày hôm qua tỉnh đã có cuộc di dân khá lớn với trên 11.540 hộ với 50 ngàn người. Huyện Tư Nghĩa di dời dân cao nhất với trên 3600 hộ, huyện Nghĩa Hành dời trên 2500 hộ.
Tại Bình Định: Sáng nay (16/11), mưa lũ từ thượng nguồn đổ về quá mạnh cuốn trôi cầu Tân An, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định, cô lập thành phố Quy Nhơn với các huyện phía Bắc. Trong khi đó Quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn bị tê liệt, ách tắc hoàn toàn từ trưa qua. Đoàn xe hai chiều nằm chờ kéo dài hàng chục cây số.
Mưa to, lũ lớn đến mức nước lũ đã vượt tất cả bờ tràn ở hồ thủy lợi Định Bình - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh. Hiện nước đã vượt tất cả 6 cửa tràn của hồ Định Bình với lưu lượng lên tới 2.800m3/giây qua tràn.
Hiện hàng ngàn hộ dân ở các xã phường thuộc thị xã An Nhơn, các xã phía Đông huyện Tuy Phước, Phù Cát leo lên nóc nhà kêu cứu. Các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) nước tiếp tục dâng cao. Thành phố Quy Nhơn đã bị cô lập. Nhiều đoạn nước dâng cao trên mặt đường hơn 1m.
Chiếc cầu bắc qua suối Cát nối xã Tây Thuận với xã Tây Giang, ở huyện Tây Sơn bị lũ cuốn trôi. Người dân nơi đây tự đặt chiếc bảng “cầu gãy cấm qua” để cảnh báo người đi đường (Ảnh Báo Bình Định)
Hàng trăm người dân ngoại thành Quy Nhơn che bạt sống tạm trên đường ray xe lửa. Cả tỉnh đã có 3 người bị lũ cuốn trôi, trong đó 1 trường hợp ở huyện Vân Canh, 1 nạn nhân ở huyện Tây Sơn và 1 học sinh ở huyện Tuy Phước.
Tại Phú Yên, thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân mưa lớn làm ngập lụt cục bộ 8 xã ven sông Kỳ Lộ, sông Cô. Các lực lượng chức năng đã tổ chức đã tổ chức di dời 880 hộ với 2.391 nhân khẩu.
Hiện tại, nhiều tuyến giao thông nông thôn ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An… bị ngập sâu, chia cắt nhiều vùng dân cư. Hai tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Phú Yên là quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai, Đăk Lăk, một số đoạn bị nước lũ gây sạt lở, đi lại khó khăn. Các tuyến tỉnh lộ, nhất là qua các đoạn đường tránh, cầu đang thi công nước ngập sâu từ 0,5 - 1 m. Các tuyến hương lộ sạt lở khoảng 2.100 m3 đất đá, xói lở mặt nền đường khoảng 2.000 m3.
Ở Gia Lai, nước trên sông Ba lên, thủy điện Knát xả lũ làm ngập cục bộ huyện Kbang và xã An Khê. Tại thị xã An Khê, mực nước sông Ba tăng rất nhanh. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, đường chính từ thị xã An Khê vào huyện Kbang bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Hệ thống điện đã được cắt nhằm bảo đảm tính mạng cho nhân dân. Do nước chảy mạnh, việc tiếp cận, ứng cứu các hộ dân bị ngập sâu trong nước hết sức khó khăn. Hàng trăm người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ. Hôm qua, 2 cô giáo đang trên đường đi dạy khi đi đến ngầm tràn qua suối Tà Nang ở thôn 10, xã Đông, huyện Kbang đã bị nước cuốn trôi.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.
Tổng hợp theo VOV/Tuổi trẻ/Tri thức
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn