Xúc động người trưởng Trạm Y tế xã 38 năm không biết đến nghỉ phép

Thứ hai - 06/05/2019 06:55
“Trong suốt 38 năm công tác, tôi không biết đến nghỉ phép. Ngay đến vợ sinh mấy đứa con, tôi vẫn đi làm bình thường. Có lẽ, chỉ một lần duy nhất tôi nghỉ 3 ngày là để chăm mẹ vợ ốm. Bà ở cùng vợ chồng tôi”, ông kể lại giọng áy náy.
 

 

Bác sĩ Đinh Thế Diện thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: Tư liệu.
Bác sĩ Đinh Thế Diện thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: Tư liệu.

 

Gần hết giờ làm việc buổi sáng, trời Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nắng nóng như đổ lửa nhưng Trạm Y tế Xuân Hải vẫn còn nhiều người bệnh ngồi chờ. Đồng hồ lúc này đã điểm 12 giờ nhưng tại phòng siêu âm, vị bác sĩ vẫn cặm cụi thăm khám. Ông là Đinh Thế Diện, Trưởng trạm Y tế xã.

Chỉ biết đến công việc!

“Một lần, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - ông Lê Ngọc Châu trong vai một người dân ghé trạm y tế nơi tôi đang công tác để đăng ký khám bệnh. Ông muốn biết người ta đồn thổi về tôi có thực sự là người bác sĩ hết lòng vì nhân dân không? Điều này, chỉ sau khi khám cho ông Châu xong, tôi mới biết” - mở đầu câu chuyện, bác của Đinh Thế Diện kể.

Minh chứng cho 38 năm hành nghề cứu người của vị Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, thầy thuốc Đinh Thế Diện được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, nhưng có lẽ với ông, phần thưởng tự hào nhất là được người bệnh trân quý, gọi bằng cái tên “bác sĩ nhân dân”.

Câu chuyện về bác sĩ Diện như một cuốn sách hay, kể đến trang bìa cũng muốn lật lại. Tính theo chế độ, năm nay ông nghỉ hưu, nhưng ông bảo: “Tôi không bỏ nghề được. Chừng nào dân còn cần thì tôi sẽ còn làm việc, còn cống hiến”.

40 năm trước, ông Diện thi đậu vào lớp y sĩ của Trường Y Nghệ Tĩnh. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hải.

Câu chuyện về bác sĩ Diện như một cuốn sách hay, kể đến trang bìa cũng muốn lật lại. Tính theo chế độ, năm nay ông nghỉ hưu, nhưng ông bảo: “Tôi không bỏ nghề được. Chừng nào dân còn cần thì tôi sẽ còn làm việc, còn cống hiến”.

Vừa công tác, vừa sắp xếp để theo học chuyên tu, ông đã miệt mài nâng cao kiến thức, năng lực để có thể phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Mặc dù có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm ở tuyến huyện nhưng ông vẫn quyết định ở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn để được chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng quê.

“Trong suốt 38 năm công tác, tôi không biết đến nghỉ phép. Ngay đến vợ sinh mấy đứa con, tôi vẫn đi làm bình thường. Có lẽ, chỉ một lần duy nhất tôi nghỉ 3 ngày là để chăm mẹ vợ ốm. Bà ở cùng vợ chồng tôi”, ông kể lại giọng áy náy.

Còn sức là còn cứu chữa bệnh nhân

Tuổi nay đã cao, đôi chân tập tễnh vì tai nạn, nhưng hàng ngày ông vẫn leo lên leo xuống mấy chục lượt cầu thang để thăm khám cho bệnh nhân.

Cũng ngồi chờ đến lượt khám bệnh, anh Nguyễn Văn Lục (Xóm Hải Lục, xã Xuân Hải) cho biết: “Năm 2013, tôi bị những cơn đau hành hạ không thể ăn uống. Nhà nghèo, phải chạy vạy để đi khắp các bệnh viện nhưng cũng không chẩn đoán ra bệnh gì, trong lúc đó, đôi chân ngày càng khó cử động.

Qua thăm khám, xem bệnh án, hồ sơ, bác sĩ Diện phát hiện tôi bị áp xe tủy. Chỉ sau vài tháng điều trị, tôi đã khỏi hẳn. Ông chính là người tái sinh cuộc đời tôi. Giờ không riêng tôi, mà cả nhà hắt hơi, xổ mũi cũng tìm đến bác Diện. Tôi gọi ông là bác sĩ của mỗi gia đình”.

Bà Võ Thị Thảo, người dân tại đây cũng có kỉ niệm khó quên về bà Diện bà kể: Tôi từng bị bệnh viêm phổi nặng, bệnh viện trả về nghĩa là tử thần đã gọi tên, nhưng may gặp được bác Diện, đời tôi được tái sinh, sống đến hôm nay là thêm 14 năm nữa.

Và muôn vàn câu chuyện về việc bác sĩ Diện cứu người thoát chết mà kể mãi không hết…

Chỉ là bác sĩ cơ sở nhưng vì sao ông lại được dân tin, dân mến? Bởi ông là một bác sĩ có tâm, có tầm. Ông giúp người bệnh âm thầm, không đòi hỏi sự báo đáp nên mới được dân tin yêu, các thế hệ y bác sĩ trên địa bàn huyện kính nể xem là người “anh cả” để noi gương học tập - một cán bộ Phòng Y tế huyện Nghi Xuân nhận xét.

Nói về phương pháp chữa bệnh, ông Diện cho hay: Ngoài sử dụng các thiết bị máy móc để thăm khám, ông dùng thêm phương pháp “tứ chẩn”: Vọng, văn, vấn, thiết để bắt bệnh, chữa bệnh theo phác đồ Đông Tây y kết hợp và quan trọng nhất là tạo cho người bệnh có thêm niềm tin để chống chọi bệnh tật.

“Nhiều bệnh nhân, thậm chí có những người ở tận các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, TP Vinh (Nghệ An) bây giờ hễ gặp tôi là tay bắt mặt mừng nói lời cảm ơn. Tôi thấy vui vì điều đó và cũng tự nhủ khi còn sức khỏe, nghĩa là còn cống hiến, cứu chữa bệnh nhân”, bác sĩ Diện nói trước khi chia tay chúng tôi.

Suốt 38 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh, huyện, xã.

Hiện, các cơ quan chức năng đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III cho bác sĩ Diện. Thế nhưng, với ông niềm hạnh phúc lớn nhất chính là đã giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật.

 

Tác giả bài viết: Trương Hoa

Nguồn tin: Giáo dục thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây