Thời gian gần đây liên tục xảy ra vụ việc người mẹ bị trầm cảm sau sinh sát hại con.
Câu chuyện đau lòng trên xảy ra ở quận Bình Tân, TP.HCM vào ngày 5/2. Khi đó, anh L.Q.B (31 tuổi, quê Sóc Trăng) về nhà trọ trong hẻm đường Lê Đình Cẩn, thấy cửa chốt trong.
Anh B. gọi nhưng không ai trả lời nên phá cửa phòng trọ. Cảnh tượng kinh hoàng hiện ra khi vợ anh là chị N.T.H.C (34 tuổi, quê Sóc Trăng) tử vong trong tư thế treo cổ. Ngay cạnh đó, con gái 7 tháng tuổi của anh, bé L.H.T.A cũng đã tử vong.
Theo lời người chồng, chị C. có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra vụ việc.
Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào 6h sáng cùng ngày 5/2, tại Hương Khê, Hà Tĩnh.
Khi đó, anh Đậu Đăng Giảng (ngụ tại xóm 11, xã Hương Giang) về nhà thì phát hiện con trai 2 tháng tuổi tử vong trên giường với nhiều vết thương trên cơ thể.
Mọi người tìm thấy vợ anh Giảng là chị Lê Thị H. (39 tuổi) ở khu vực cạnh bờ sông gần nhà, trong tình trạng hoảng loạn.
Trước và sau khi sinh con, gia đình nhận thấy chị H. có nhiều biểu hiện khác thường do bị trầm cảm.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Cao Minh (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, dù y học chưa hiểu toàn bộ nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ, nhưng có thể chắc chắn rằng, hội chứng này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hormone.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Cao Minh
Trong thời kì thai kì và sinh con, các hormone của người phụ nữ thay đổi, tác động đến cảm xúc của người mẹ, tạo ra những cơn buồn bã chán nản.
Những yếu tố sinh lý khác có thể tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh như: hút thuốc, có tiền sử trầm cảm hoặc lo âu, mắc một số bệnh lý mãn tính liên quan đến thần kinh nội tiết.
Ngoài ra, một nhóm các yếu tố nguy cơ khác với bệnh trầm cảm khi sinh là các yếu tố tâm lý. Và điều tệ hại nhất của trầm cảm sau sinh là những trường hợp mẹ sát hại con rồi tự tử.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Cao Minh, cảm xúc của con người rất phức tạp, nó tồn tại cùng một lúc cả yêu, ghét, hận thù, tội lỗi. Nó diễn biến theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Hành vi sát hại và tự tử đó có thể từ sự tức giận với bản thân, với con sau khi phải chịu đựng trầm cảm lâu dài: “vì đứa bé này mà tôi phải dằn vặt, đau khổ như thế này”.
Hành vi đó cũng có thể từ sự yêu thương: “em không chịu được nữa, nếu mà không có em, thì con em bé bỏng sẽ sống sao, em sẽ mang nó đi cùng”.
Trong bối cảnh phải chịu đựng trầm cảm lâu dài, các suy nghĩ, cảm xúc của bà mẹ trở nên khó kiểm soát và dễ dẫn đến hành động bột phát.
Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, suy nghĩ và cảm xúc của các bà mẹ bị trầm cảm khi sinh đang bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố sinh học, yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Trả lời câu hỏi, có thể làm gì khi gia đình có người hoặc bản thân bị trầm cảm sau sinh, Tiến sỹ Nguyễn Cao Minh phân tích, cần phải biết về các dấu hiệu của hội chứng này và sẵn sàng cởi mở để trao đổi về nó.
Điều tiếp theo là luôn sẵn sàng lắng nghe các cảm xúc, chia sẻ của cả bố và mẹ. Sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận các cảm xúc của người khác tạo ra sự kết nối cảm thông, những liều thần dược tự nhiên cho chứng trầm cảm sau sinh.
Nếu thấy tình trạng trầm buồn chán nản vượt ra ngoài kiểm soát, cần khuyến khích các bậc bố mẹ tìm kiếm sự can thiệp từ những các nhà tâm lý chuyên nghiệp hay các bác sĩ tâm thần.
Trầm cảm sau sinh giết con có phạm tội?
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, bất cứ hành vi nào sát hại trẻ em cũng là đáng trách, đáng lên án, có thể còn gọi đó là tội ác.
Nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể xử lý bằng chế tài hình sự. Và chế tài hình sự cũng không phải là giải pháp tích cực đối với những vụ việc mẹ sát hại con đẻ vì trầm cảm sau sinh.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường
Theo luật sư, chế tài hình sự chỉ có thể áp dụng đối với những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác) mà nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhưng vẫn cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi.
Còn đối với những trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như sát hại người khác, nhưng không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không được coi là tội phạm.
Vẫn theo luật sư, dưới góc độ pháp lý, nếu phụ nữ do bực tức mà sát hại con mình thì sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người.
Còn trường hợp sát hại con mình do bị bệnh tâm thần, vì trầm cảm sau sinh dẫn đến mất khả năng nhận thức thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tram-cam-sau-sinh-va-nhung-cai-chet-oan-nghiet-814430.html