6 ca mắc mới Covid-19 (BN-2502-2507) là các ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương (04 ca lấy mẫu ngày 04/03/2021; 02 ca lấy mẫu ngày 05/03/2021). Cụ thể:
- 2 ca tại huyện Kim Thành là F1 của BN2437; đã được cách ly tập trung từ ngày 28/02/2021 (Ca bệnh BN2502-BN2503).
- 1 ca tại Kim Thành là F1 của BN2393; đã được cách ly tập trung từ ngày 22/02/2021 (Ca bệnh BN2504).
- 1 ca tại Kinh Môn là F1 của BN2481; đã được cách ly tập trung từ ngày 04/03/2021 (Ca bệnh BN2505).
- 1 ca tại Kinh Môn là F1 của BN1879; đã được cách ly tập trung từ ngày 31/01/2021 (Ca bệnh BN2506).
- 1 ca tại Kinh Môn là F1 của BN1711; đã được cách ly tập trung từ ngày 31/01/2021 (Ca bệnh BN2507).
Hiện cả 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chi nhánh 2.
Như vậy tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 2507 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1584 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số bệnh nhân mới Covid-19 tính từ ngày 27/1 đến nay là 891 ca.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 49.565, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.290
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.199
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 34.076.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện đã có 259 bệnh nhân âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2. Hiện cả nước điều trị khỏi 1920 ca bệnh, 35 trường hợp tử vong.
Về tiến độ tiêm ngừa Covid-19 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc triển khai sẽ rất thận trọng. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Dự kiến ngày 8/3, Việt Nam sẽ bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên ở Hải Dương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Khi số lượng vắc xin được cung ứng tăng lên sẽ tiếp tục triển khai tiêm diện rộng, tiến tới tiêm toàn dân trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Y tế, chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lần này là một chiến dịch lớn, chưa từng có với một loại vắc xin mới. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, trong một năm tiêm hơn 100 triệu liều. Vì thế, công tác khám sàng lọc phải thực hiện kỹ càng trước tiêm dù mất thời gian nhằm đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, không có vắc xin nào an toàn 100%. Bộ trưởng Y tế đánh giá chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vắc xin. "Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vắc xin nhưng lợi ích vắc xin ngừa Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân người tiêm và cộng đồng", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, độ bảo vệ của vắc xin AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Vì thế, bên cạnh việc tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K để ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19.
Nguồn Dân trí