Ít nhất đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 nhà bị thiệt hại, 3.237 nhà bị ngập nước…
Nghệ An là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão và hoàn lưu bão số 3 (bão Wipha), nhất là các địa phương vùng núi phía Tây tỉnh này. Cơn bão quét qua để lại cảnh tan hoang chưa từng thấy.
Thiệt hại nặng nề
Tại xã Mường Xén, nhiều khu dân cư ngập trong rác, bùn đất dày cả mét. Chị Nguyễn Thị Oanh, trú xã Mường Xén, buồn bã: "Chiều tối 22-7, nước lũ đột ngột lên nhanh khiến chúng tôi phải chạy tìm nơi an toàn, còn tài sản không thể di dời kịp. Sáng 23-7, khi nước lũ rút, trở về nhà thì phần lớn tài sản đã bị ngập trong bùn đất và rác, hầu hết bị hư hỏng".
Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Mường Xén, cho biết thiệt hại do mưa lũ gây ra là rất lớn, trong đó một số nhà dân đã bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả nên chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại.
Tại xã Mỹ Lý, khung cảnh tan hoang không kém, thống kê sơ bộ có khoảng 150 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi; hơn 200 nhà ngập sâu. Cầu treo qua bản Yên Hòa cùng nhiều công trình khác đã bị lũ cuốn trong đêm 22-7. Tổng thiệt hại ước tính gần 30 tỉ đồng. Tại xã Nhôn Mai, đến cuối ngày 23-7 vẫn còn 21 bản bị cô lập hoàn toàn. Quốc lộ 16 - tuyến huyết mạch đi qua khu vực - bị chia cắt tại nhiều điểm. Riêng tại bản Nhôn Mai (xã Nhôn Mai) có 5 ngôi nhà bị sạt lở, 4 nhà bị cuốn trôi và 6 nhà có nguy cơ cao tiếp tục sạt lở.
Đến chiều 23-7, nhiều khu vực ở Nghệ An vẫn ngập trong biển nước. Ảnh: TƯƠNG DƯƠNG
Mưa lũ đã gây chia cắt nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 7A, khiến giao thông nối nhiều xã miền Tây Nghệ An bị chia cắt. Ông Võ Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần 495, thông tin mưa lũ khiến nước sông Cả dâng cao, từ tối 22 đến ngày 23 đã chia cắt 21 điểm trên toàn tuyến quốc lộ này.
Đến chiều 23-7, theo thống kê ban đầu, tại Nghệ An mưa lũ khiến 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 nhà bị thiệt hại, 3.237 nhà bị ngập nước. Nhiều xã đang bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn, như: Tương Dương 21 thôn, bản; Tam Quang 29 hộ, Mường Xén 9 khối. Ngoài các xã: Châu Khê, Hữu Khuông, Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang, Con Cuông... còn rất nhiều bản, làng, khu dân cư bị cô lập.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh Nghệ An có 45 điểm sạt lở ta-luy, 1.522 m chiều dài đường sạt lở, hư hỏng; 49 điểm sạt lở, ách tắc; 56 điểm giao thông bị ngập nước, ách tắc; 3 cầu treo bị cuốn trôi. Ngoài ra, mưa bão còn gây thiệt hại lớn về nông nghiệp, hư hỏng nhiều trường học, cơ sở sản xuất…
Trong chiều 23-7, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo ứng phó với bão số 3, mưa lũ do hoàn lưu bão. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung cao nhất cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo tinh thần chủ động, quyết liệt với phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Trong ngày, ông Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - trực tiếp đến các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo bố trí nhân lực, phương tiện, đặc biệt là tàu, ca-nô để hỗ trợ di dời, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
"5.000 năm xảy ra một lần"
Chiều 23-7, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra thực tế công tác vận hành, điều tiết hồ chứa tại Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ nhằm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Sau khi đi kiểm tra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị đơn vị vận hành hồ chứa túc trực thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng chức năng để nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; đồng thời rà soát toàn bộ quy trình vận hành hồ chứa, điều chỉnh, bổ sung những điểm chưa phù hợp với thời tiết hiện nay.
Xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An tan hoang sau khi cơn lũ lịch sử quét qua. Ảnh: ĐỨC TÂM
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ - Tổng Công ty Phát điện 1, cho biết đến chiều 23-7, nước lũ chảy về khu vực lòng hồ đã giảm, hiện chỉ còn lưu lượng 5.200 m3/giây. Trong thông báo vào chiều cùng ngày, Tổng Công ty Phát điện 1 cho biết lũ bắt đầu xuất hiện lúc 4 giờ ngày 22-7 với lưu lượng 583 m3/giây, mực nước hồ cùng thời điểm là 189,08 m; sau đó tăng nhanh, đạt 1.500 m3/giây lúc 10 giờ cùng ngày, mực nước hồ là 189,69 m. Lúc 10 giờ 15 phút ngày 22-7, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ vận hành giảm lũ cho hạ du theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An.
Đến 16 giờ, hồ chứa bắt đầu vận hành điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng 508 m3/giây (các cửa van mở hoàn toàn), tổng lưu lượng nước xả qua công trình là 845 m3/giây, mực nước hồ cùng thời điểm là 191,23 m (mực nước đón lũ thấp nhất là 191,5 m). Đến 2 giờ ngày 23-7, lũ về hồ đạt đỉnh với lưu lượng 12.800 m3/giây. Tại thời điểm xuất hiện đỉnh lũ, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ đã xả nước qua công trình là 3.285 m3/giây, cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ.
"Đây là trận lũ đặc biệt lớn, vượt tần suất lũ kiểm tra (lũ kiểm tra của công trình thủy điện Bản Vẽ có lưu lượng 10.500 m3/giây). Tuy nhiên, công ty vận hành bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, góp phần đáng kể trong việc cắt, giảm lũ cho hạ du" - thông báo của Tổng Công ty Phát điện 1 nêu.
Giải thích con số "tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra một lần" được nêu trong thông báo khẩn của UBND tỉnh Nghệ An vào tối 22-7, ông Hùng cho biết đây là một thông số mang tính thống kê kỹ thuật. "Tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ 5.000 năm. Tương tự, tần suất 1% là 100 năm, 0,1% là 1.000 năm. Khi xây dựng các công trình thủy điện, người ta áp dụng 2 mức tần suất: lũ thiết kế và lũ kiểm tra. Riêng với thủy điện Bản Vẽ - một công trình đặc biệt, mức lũ kiểm tra được xác định theo tần suất 0,02%" - ông Hùng giải thích.