Sớm xử lý tình trạng quá tải giường bệnh tại Hà Tĩnh

Thứ năm - 10/04/2025 07:21
Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện công lập. Trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất, nhất là quy mô giường bệnh tại một số cơ sở y tế ở Hà Tĩnh vẫn chưa được đầu tư, điều chỉnh; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh.
d2025041001
Tình trạng quá tải bệnh nhân tại một số khoa, phòng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
 
Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh là cơ sở y tế đầu ngành với công suất giường bệnh kế hoạch là 1.000 giường. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị đông nên số lượng giường thực kê luôn ở mức trên 1.000 giường. Theo lãnh đạo bệnh viện, do số giường bệnh vượt so với kế hoạch nên số tiền xuất toán Bảo hiểm y tế của bệnh viện trong năm 2024 là 5,4 tỷ đồng. Tại các khoa Ung bướu, Chấn thương, Nhi…, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên. “Cực chẳng đã”, bệnh viện không ít lần phải xếp hai người một giường hoặc phải kê thêm giường ở hành lang để thu dung bệnh nhân. Đáng chú ý, lãnh đạo bệnh viện cho biết, trước đây việc thanh toán chi phí bảo hiểm được thực hiện theo số lượng bệnh nhân cụ thể đang điều trị tại các khoa, phòng. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định về định mức thanh toán mới, phía Bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán theo quy mô giường bệnh đã được cấp có thẩm quyền quy định. Hiện nay, đơn vị đang thực hiện cơ chế tự chủ, do đó nếu tình trạng giường bệnh thực kê nhiều hơn giường bệnh theo kế hoạch kéo dài, bệnh viện sẽ không “kham” nổi việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Khi đó người bệnh buộc phải chuyển tuyến, kéo theo chi phí khám bệnh sẽ đội lên và tình trạng quá tải sẽ xuất hiện ở hầu hết các bệnh viện tuyến cuối.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, khi bệnh nhân đến thăm khám, điều trị, bệnh viện thực hiện theo đúng các tiêu chí nhập viện điều trị nội trú và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đến thăm khám rất đông trong khi bệnh viện không có quyền từ chối người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Vì thế, việc kiểm soát số lượng người bệnh điều trị nội trú nằm ngoài khả năng của bệnh viện. Muốn thay đổi quy mô giường bệnh cần một quá trình dài với nhiều tiêu chí, quy trình, điều kiện cụ thể. Chính vì vậy, rất mong ngành chức năng có sự linh hoạt trong thanh toán giường bệnh để giúp các cơ sở y tế có điều kiện đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Tương tự, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh được phê duyệt 160 giường kế hoạch, tuy nhiên công suất giường thực tế luôn ở mức trên 280%. Điều này cho thấy nhu cầu thăm khám, điều trị cũng như mức độ quá tải của bệnh viện. Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc bệnh viện cho rằng, để thực hiện việc nâng công suất giường bệnh còn liên quan đến nhiều yếu tố từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực, hệ thống xử lý môi trường... nên không thể làm trong “một sớm một chiều”. Hơn nữa, các quy định hiện nay chưa phân tách rõ điều kiện cho từng loại hình bệnh viện. Thí dụ, đối với bệnh viện đa khoa thì yêu cầu về con người sẽ lớn hơn so với bệnh viện chuyên khoa. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có quy định rõ cho từng loại hình bệnh viện. Đồng thời, khi xem xét đến tiêu chí đội ngũ nhân lực cần quan tâm, ưu tiên đến số lượng y bác sĩ, những người phục vụ trực tiếp.

Số liệu của Sở Y tế Hà Tĩnh cho thấy, cùng với Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, hiện nay, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn cũng đều có công suất giường bệnh luôn đạt trên 100%, một số đơn vị đạt 150-200% so với giường bệnh kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Hằng quý, số kinh phí giường bệnh không được cơ quan Bảo hiểm xã hội chấp nhận thanh toán do quá tải là khá lớn. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 18 cơ sở vượt tiền giường theo quy định với số tiền xuất toán trên 59 tỷ đồng. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ sở y tế, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

Lý giải về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, trước đây khi thực hiện quy định về định mức áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh theo Thông tư 22/2023/ TT-BYT thì việc tăng quy mô giường bệnh, số lượng việc làm tại các cơ sở y tế công lập thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; việc điều chỉnh quy mô giường bệnh tại các cơ sở y tế đã được thực hiện dựa trên nhu cầu khám bệnh và mô hình bệnh tật tại từng thời điểm nhất định. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2025 trở đi, thông tư nêu trên đã hết hiệu lực, hiện chưa có văn bản nào của Bộ Y tế quy định cụ thể về thẩm quyền giao tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế công lập. Vì vậy, Sở Y tế đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan, tiến hành soát xét phương án xử lý giao hoặc nâng quy mô giường bệnh cho các cơ sở y tế nhằm giải quyết vấn đề quá tải một cách kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng; đồng thời làm cơ sở cho các bệnh viện thanh toán số chi phí giường bệnh đã thực hiện điều trị nội trú cho người bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN
Theo Nhân dân

Link gốc: Sớm xử lý tình trạng quá tải giường bệnh tại Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây