Mẹ chồng “ghen” với con dâu, vì một lý lẽ rất đơn giản: Trước khi có con dâu, con trai chỉ biết đến một người phụ nữ là mẹ, mọi suy nghĩ, mọi tình yêu thương dành cho mẹ; nhưng khi có con dâu, khối tình cảm ấy được san sẻ vì còn phải dành thời gian cho con dâu, cho gia đình nhỏ.
Nơm nớp nỗi lo “mất con trai”
Nhiều trường hợp, mẹ chồng chỉ muốn giữ chặt con trai bên mình, luôn coi con trai mình còn bé và bênh con trai vô điều kiện. Chưa kể, có nhiều mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng trẻ.
Chị Uyên Thảo (Đà Nẵng) chia sẻ: “Ở lâu mới hiểu được tính nết thật sự của mẹ chồng. Tôi bây giờ chẳng muốn nghĩ ngợi gì mặc dù chồng tôi rất thương và chiều tôi, nhưng mẹ chồng lúc nào cũng hiện diện ở trong cuộc sống riêng của gia đình. Cái gì mẹ chồng cũng muốn tôi phải làm theo ý muốn, từ việc chăm con đến việc dọn dẹp nhà cửa.
Mẹ chồng thậm chí còn hay “soi” chuyện riêng vợ chồng tôi, khiến nhiều lúc chúng tôi muốn có không gian riêng tư cũng khó.
Tôi đi làm, công việc cũng khá bận rộn, việc nhà chỉ có thể đảm bảo tương đối, còn mẹ chồng ở nhà nên việc nhà bà luôn chỉn chu và muốn tôi cũng phải như vậy. Nấu ăn thì bà nói: “không hợp khẩu vị, để mẹ nấu”, tới khi mẹ nấu, tôi phụ thì mẹ lại nói với mọi người từ khi về nhà đến giờ việc lớn nhỏ cũng không đụng cái móng tay”.
Cũng từng trong hoàn cảnh bị mẹ chồng điều khiển hoàn toàn cuộc sống riêng, chị Nguyễn Khánh V. (Lào Cai) kể lại: “Hồi còn sống chung, tôi phải bỏ tiền túi ra chi tiêu sinh hoạt, trong khi chồng và mẹ chồng quản lý tài chính, tôi muốn đi chợ cũng phải xin từng đồng, trình bày tường tận.
Một năm sau, khi hai vợ chồng ra ở riêng, mẹ chồng mặc dù sống ở một ngôi nhà khác, nhưng ngày nào cũng chạy qua nhà, xen vào công việc của hai vợ chồng, suốt ngày mắng chửi con dâu ăn bám chồng. Nhưng khi con dâu muốn đi làm thì mẹ chồng lại không cho và thậm chí nặng lời.
Vợ chồng tôi ở riêng vẫn đóng góp 2 triệu đồng mỗi tháng để chăm sóc mẹ chồng, nhưng ngày nào bà cũng ghé nhà, chê bai tôi bẩn thỉu không dọn dẹp, rồi đi “ca cẩm” nói xấu con dâu với hàng xóm”.
Mặc dù được gia đình chồng yêu thương, chỉ duy nhất mẹ chồng khó tính cũng khiến chị M.T.Đ (Hưng Yên) phải trút bầu tâm sự: “Sống chung với mẹ chồng 13 năm là 13 năm chịu sự cay nghiệt, tai quái của mẹ chồng. Tôi không ăn bám, thậm chí tôi kiếm tiền còn giỏi hơn chồng, nhà cửa, con cái, đối nhân xử thế đâu ra đấy, rất được lòng nhà chồng và các chị em họ hàng bên chồng. Có những lần mẹ chồng chửi mắng nhiều quá đến nỗi nhà chồng còn họp gia đình để bênh vực tôi.
Nhiều khi tủi thân nghĩ, có lẽ thời nay còn mỗi mình tôi làm dâu mà khổ nhục như thế này”.
Chị H.C (Bình Phước) không ngần ngại giãi bày: “Mẹ chồng tôi bênh con trai một cách quá đáng dù con mình sai và mọi xấu xa cũng đều đổ hết lên đầu con dâu. Tôi đã rất mệt mỏi khi vừa chăm hai con nhỏ vừa lo kiếm tiền trong khi chồng tôi không làm ra tiền, càng không nhờ được nhà chồng một chút gì kể cả trông hộ con để đi làm cũng không. Nên nhiều lúc tôi cũng không chịu được mà nói một, hai câu.
Hai vợ chồng sống xa nội ngoại hết, quê Hà Tĩnh mà sống ở Bình Phước. Mỗi lần tôi sinh nở toàn bà ngoại đến. Mẹ chồng tôi vừa vào chăm con dâu sinh cháu được một tuần mà đã đối xử không tốt rồi kiếm chuyện, sau đó, cả chồng và mẹ chồng rủ nhau về quê Hà Tĩnh luôn. Trần đời, tôi chưa thấy mẹ chồng nào đi khuyên con trai bỏ vợ bỏ con chỉ vì vợ có cằn nhằn một hai câu, trong khi kinh tế, con cái trên tay tôi hết”.
Oái oăm hơn, một câu chuyện được chia sẻ từ chị Nguyễn Giang (Lào Cai): “Tôi sinh bé được gần một năm, mẹ chồng cứ bắt vợ chồng tôi ngủ riêng mãi. Vì gia đình chồng tôi có hai căn nhà, bố chồng tôi sống ở nhà thứ hai nên mẹ tôi bảo chồng qua ngủ hẳn bên phòng với mẹ. Lúc nào tôi cũng còm cõi với con, cho dù tôi có bị cảm sốt, cũng chẳng nhờ vả được chút chuyện nếu đêm con có quấy khóc. Chẳng lẽ, mẹ chồng sợ tôi “cướp” mất cậu con trai quý tử ra khỏi cuộc sống của bà nên phải “quản” khư khư bên mình?”.
Lỗi có trên đôi vai nàng dâu?
Nhiều mẹ chồng sau khi con trai có gia đình riêng, bỗng có cảm giác tủi thân, bị san sẻ tình cảm và không được con trai quan tâm nhiều như trước, thì nảy sinh tâm lý “giận lây” con dâu. Với mẹ chồng nào khó tính, có thể sẽ biểu hiện trách con dâu ra mặt.
Nhắc đến vấn đề này, chị Hương Trà (TP.Hồ Chí Minh) từng lâm vào cảnh ngộ tương tự trút bầu tâm sự: “Mẹ chồng tôi luôn miệng nói tôi xúi chồng qua nhà hỗn với bà ấy. Bà một mực đổ thừa cho tôi là từ khi lấy vợ, chồng tôi nghe lời vợ rồi có thói quen ăn cắp chứ trước giờ không có. Mà ăn cắp gì, hai vợ chồng qua dọn nhà đón Tết phụ bố mẹ chồng, chồng tôi thấy cái bình thuỷ tinh đựng nước đẹp nên mang về bên nhà dùng, vậy mà bà cũng nặng lời nói là chồng tôi sinh thói ăn cắp”.
Chị Nguyễn Ph. (Hải Phòng) thì bị mẹ chồng trách vì chuyện sức khỏe: “Chồng tôi bị đau dạ dày, do không chịu kiêng rượu bia, đồ chua cay, ớt cũng ăn từng quả như ăn trái cây. Thế rồi mẹ chồng cũng bảo do tôi mà chồng tôi bị bệnh. Bà phán xanh rờn: “Nó có bệnh gì đâu, từ ngày lấy vợ đâm sinh ra nhiều bệnh”. Rồi bất kể chuyện gì xảy ra với “bảo bối” của gia đình cũng đều do tôi mà ra cả”.
Chị Vũ Thị Thu Hoài (Lào Cai) cũng có những phen bị mẹ chồng oán trách công khai: “Tôi về làm dâu trong nhà này cũng đã hơn 20 năm. Hồi đầu, vì mẹ chồng không ưng, suốt ngày than phiền với hàng xóm rằng tôi chậm chạp, không giỏi quán xuyến việc nhà và chăm con không khéo.
Khi con trai lớn của chúng tôi được hai tuổi, hai vợ chồng xin phép ra ở riêng. Lúc này, mẹ chồng lại mắng tôi, cho rằng tôi xúi chồng ra sống xa bố mẹ, không chịu phụng dưỡng, mỗi lần gặp là lại nhắc mãi như thế.
Đến khảng 10 năm sau, khi bố chồng không còn, mẹ chồng tôi trở bệnh nặng, cả gia đình tôi lại dọn về sống chung để tiện chăm sóc bà, thì bà mới chịu yên”.
Cuộc sống gia đình không phải khi nào cũng “thập toàn thập mỹ”, tuy nhiên, việc con trai đôi khi không làm đúng ý của mẹ chồng đâu có nghĩa nhất định do lỗi của nàng dâu trong nhà?
Nếu chỉ vì một vài thay đổi không mong muốn của con trai mà mẹ chồng ghen ghét, trách móc nàng dâu và đối xử không tốt thì có thể sẽ dẫn đến một bi kịch gia đình. Bên cạnh đó, nàng dâu cũng cần biết cách cư xử thông minh, yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột, mới có thể “giữ lửa” được hạnh phúc.
Bài 3: Nỗi sợ của mẹ chồng: Ám ảnh những chuyến “buôn dưa” khắp thiên hạ được đăng tải trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 8h sáng 13/2, mời quý vị và các bạn đón đọc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn