Sự xuống cấp nghiêm trọng của các hồ chứa thủy lợi và thi công tuyến đê kè biển chậm tiến độ không những ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà còn đe dọa đến tài sản và tính mạng người dân khi có thiên tai xảy ra.
Mưa lũ ở Hà Tĩnh. Ảnh minh họa |
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 32 tuyến đê với chiều dài gần 319 km chủ yếu nằm ở các địa phương vùng ven sông, ven biển. Huyện Lộc Hà là địa phương ven biển luôn chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão.
Tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, có hệ thống kè biển dài hơn 10km, mỗi lần mưa bão đến, triều cường với cơn sóng biển dâng cao tràn qua kè vào nhà dân ở nhiều thôn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt nhân dân trong vùng.
Năm 2018, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, UBND huyện Lộc Hà đã triển khai dự án xây dựng nâng cấp tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển, trong đó có đoạn qua xã Thạch Kim với tổng chi phí xây dựng toàn tuyến hơn gần 86 tỷ đồng.
Đến nay, các đơn vị thi công đã cơ bản đắp xong thân đê. Tuy nhiên, do nguồn vật liệu bị thiếu nên làm giảm tiến độ thi công của các nhà thầu và công trình này khó về đích theo kế hoạch.
Trong khi đó, các cơn bão ảnh hưởng Hà Tĩnh trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, có thể đe dọa đảm bảo an toàn cho tuyến đê này. Như vậy, nếu bão đổ bộ vào, người dân luôn lo lắng tàu thuyền và nhà cửa phó mặc cho thiên tai. Do UBND huyện Lộc Hà trực tiếp quản lý đầu tư nên chính quyền cấp xã chỉ biết trông chờ vào lời cam kết thi công xong trước mùa bão của nhà thầu.
Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, kiến nghị: "Năm 2019, chính quyền và người dân mong muốn sớm hoàn thành kè biển. Mặc dù đã giao cho các đơn vị xây dựng thi công, cấp tỉnh, huyện thường xuyên chỉ đạo hoàn thiện kè biển này không để kéo dài vì sẽ ảnh hưởng gây sạt lở mất tài sản của người dân và Nhà nước. Đến tháng 9, 10 tới là thời điểm mua mưa bão mà công trình này đang thời kỳ thi công nên tỉnh, huyện, doanh nghiệp đã biết nên làm sao đẩy nhanh tiến độ thi công là quan trọng nhất."
Đây cũng là tình trạng chung tiến độ xây dựng cơ bản các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn chậm. Đặc biệt là các dự án được Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn khắc phục bão lụt năm 2018 chưa được triển khai.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến nay, đã xây dựng, đưa vào khai thác 5 hồ chứa nước, đầu tư sửa chữa nâng cấp 11 hồ chứa, 2 đập dâng có tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng; Nâng cấp được 30 km đê tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Hiện Hà Tĩnh có trên 350 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây 30-40 năm.
Do qua nhiều năm đưa vào sử dụng, khai thác, bị tác động của mưa lũ, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp đến đời sống người ở các huyện. Cụ thể như, trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang hiện có hàng chục hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: tỉnh Hà Tĩnh hiện có 59 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ: "Đây là hồ chứa được xây dựng từ rất lâu, chủ yếu ở các huyện miền núi. UBND tỉnh đã cho phân loại đặc biệt là các hồ chứa thì vụ xuân này sẽ không tích nước để đảm bảo an toàn. Các hồ có nguy cơ mất an toàn sẽ cân đối nguồn vốn cho tu bổ trước mùa mưa bão."
Từ năm 2016 đến tháng 4 năm nay, qua 22 cuộc kiểm tra, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 77 vụ vi phạm pháp luật đê điều và hồ đập thủy lợi như xây dựng trang trại, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê, hành lang thoát lũ...
Đồng thời phát hiện vi phạm xả thải vào công trình thủy lợi có 23 điểm.Việc xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông kết hợp thủy lợi chưa có tính tổng thể phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng huyện, trong đó có quy hoạch hệ thống thoát lũ đã gây ngập úng tại một số địa phương.
Ông Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nêu ý kiến: "Thạch Hà ở vùng hạ du hồ Kẻ gỗ, khi nào xả nước đều bị ngập. Huyện gặp khó khăn nhất là khi hồ xả nước thì các xã Thạch Đài, Thạch Xuân, Thạch Lưu bị ngập. Bởi đường tránh Quốc lộ 1A chắn như kênh, trong khi cầu làm khẩu độ nhỏ. Chúng tôi kiến nghị làm thêm cầu thì sẽ không bị ngập nên năm nào cũng phải chủ động khơi thông để phòng chống lũ lụt."
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2019, chính quyền và các ban, ngành chức năng đã tổ chức rà soát số lượng hộ dân, người cần di dời từ nhà thấp lên nhà cao khi mưa lũ xảy ra, trong đó có phương án di dời bắt buộc người dân vùng biển từ nhà tạm, yếu đến nhà kiên cố khi bão vào.
Ngư dân Dương Trọng Bình, chia sẻ: "Với điều kiện của vùng đất ven biển, đất thì hẹp, người thì đông ở chủ yếu rất sát biển. Do đó, màu mưa bão đến, lo lắng của chúng tôi là phòng tránh hết sức khó khăn, đây là địa bàn trọng điểm vì khi bão vào ở đây hứng chịu 02 luồng gió nên sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Bà con rất quan tâm xây dựng nhà cửa kiên cố phòng tránh trú bão. Đồng thời luôn có phương án di dời khi bão sắp đổ bộ, cơ bản đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học cao kiên cố, hoặc lên huyện tránh trú."
Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 3 và 01 áp thấp nhiệt đới. Cụ thể hơn 9 nghìn ha lúa và hoa màu và hàng trăm ha cây ăn quả đổ gãy làm giảm năng suất, 200 ha thủy sản bị ngập, một số công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở và hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 160 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trên vùng biển huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã xảy ra 02 trận động đất mức độ nhẹ và đây là loại hình thiên tai mới chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua.
Trong khi đó, hiện Hà Tĩnh chưa có hệ thống dự báo cảnh báo động đất, sóng thần nên các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ bị động trong điều hành chỉ đạo phương án ứng phó và người lúng túng phòng tránh nếu tiếp tục xảy ra./.