Có mặt ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày 2/5, người dân đổ về đây đông vui, tấp nập. Tuy nhiên, đến gần trưa, nắng nóng cộng với đi lại mệt mỏi, rất nhiều người đều tháo khẩu trang. “Đi bộ mà đeo khẩu trang tôi không thở nổi, nên cả nhà đều không đeo”, một người dân khi được hỏi đã cho biết. Cả gia đình chị hơn 10 người sáng sớm đã lên hồ Hoàn Kiếm và phố đi bộ chơi, dù biết dịch đang gia tăng, người tụ tập rất đông, nhưng cả gia đình đều không đeo khẩu trang, trước khi ăn uống cũng không sát khuẩn tay.
Nhiều người dân chủ quan không đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người lo sợ mắc COVID-19, cả buổi đi chơi ở nơi công cộng đều đeo khẩu trang. “Hai vợ chồng tôi vừa mắc COVID-19 lần hai, các con nhỏ và ông bà phải sang nhà người thân để cách ly. Triệu chứng lần hai nặng hơn nhiều so với lần một, nên tôi rất sợ tái nhiễm. Cho con đi chơi dịp nghỉ lễ nhưng gia đình luôn thực hiện phòng dịch”, chị Trần Thị Nga, ở Lĩnh Nam (Hà Nội) cho biết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ lễ, cả nước có 4.618 người đến khám vì COVID-19, trong đó 2.477 người nhập viện điều trị nội trú. Trong 4 ngày cũng ghi nhận 17 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó có 7 ca tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, 10 ca nặng tiên lượng tử vong xin về. Như vậy, sau gần 4 tháng không có tử vong vì COVID-19, nước ta đã ghi nhận gần 20 ca tử vong.
Do thời gian dài dịch COVID-19 giảm rất mạnh, mỗi ngày ghi nhận một vài chục ca, nên việc tiêm vaccine phòng bệnh cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4, COVID-19 gia tăng trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine tập trung cho đối tượng nguy cơ cao là người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai. Theo Bộ Y tế, mặc dù nghỉ lễ, nhưng nhiều người dân lo ngại đã đến cơ sở y tế tiêm. Tại một số địa phương đã tổ chức thực hiện tiêm vaccine xuyên kỳ nghỉ lễ, điển hình là TP Hồ Chí Minh đã triển khai 61 điểm tiêm vaccine xuyên suốt tại 22 quận, huyện. Trong 4 ngày nghỉ lễ, cả nước đã tiêm được 19.000 mũi vaccine COVID-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, các điểm du lịch, khu vui chơi, nhiều địa phương tổ chức lễ hội chào hè đã thu hút rất đông người đến. Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao khi trong biển người đó có người mắc COVID-19. Vấn đề này cũng đáng lo ngại nếu dịch bùng phát trở lại.
Sau kỳ nghỉ lễ, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng, nhưng không tăng ngày mà có thời gian ủ bệnh, có người có triệu chứng sớm sau khoảng 3-4 ngày, có người 2 tuần mới phát bệnh. “Quan trọng người dân có xét nghiệm và khai báo y tế hay không. Vì vậy, người dân sau khi đi du lịch hay đến các điểm đông người vào dịp lễ, thấy có triệu chứng nên xét nghiệm xem có phải đang mắc COVID-19 hay không để phòng tránh bệnh cho người khác”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, trong 4 ngày nghỉ lễ ghi nhận 17 ca COVID-19 tử vong, đây là những bệnh nhân nặng, đã nhập viện những ngày trước đó. Ca mắc tăng sẽ tăng ca nhập viện và tăng ca nặng. Để bảo vệ nguy cơ mắc và bệnh tăng nặng, người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Đặc biệt, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai là những đối tượng nguy cơ cao thì cần tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi nhắc lại để bảo vệ được tốt hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh các bệnh viện đã sẵn sàng kích hoạt, chuẩn bị thuốc, vật tư, cơ số giường để sẵn sàng điều trị COVID nếu số ca mắc gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. CDC TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với các đơn vị chức năng tại sân bay, bến xe, khuyến cáo cộng đồng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng, công tác kiểm soát thân nhiệt từ xa. Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tham gia bệnh viện dã chiến nếu nó vận hành trở lại.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19. Các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh.
Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn… của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Link gốc: https://cand.com.vn/y-te/nhieu-nguoi-van-chu-quan-voi-covid-19-i692250/