Người dân và người bệnh nghèo sẽ được hỗ trợ tặng thẻ BHYT

Thứ tư - 26/06/2019 14:55
Tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số (tương đương với khoảng 10 triệu người) chưa tham gia BHYT. Nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó, một bộ phận chưa tham gia do nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn…

BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng khi ốm đau, tai nạn

Theo BHXH Việt Nam, những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80 - 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn.

Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế) thì việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân.

Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia BHYT là việc làm cần thiết, sẽ mang lại những tác động xã hội sâu sắc.

Khoảng hơn 2.400 người khó khăn sẽ được tặng thẻ BHYT

Nhằm huy động sự chung tay, chia sẻ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành BHXH và toàn xã hội hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, giúp đỡ bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo, chia sẻ của chính sách BHYT; góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH về triển khai Chương trình hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo năm 2019.

Theo đó, từ tháng 6 - 12/2019, Chương trình sẽ hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 người có hoàn cảnh khó khăn tại 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của đất nước gồm: Yên Bái, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đắk Nông, Đồng Nai, Tiền Giang. Các nhóm đối tượng hướng đến là: Người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; người thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình; học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ tài chính, hiện vật cho khoảng 40 bệnh nhân mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K.

Kinh phí của Chương trình từ nguồn đóng góp 01 ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành BHXH để thực hiện các hoạt động xã hội tình nghĩa trong năm và sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. BHXH Việt Nam mong muốn, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, từ thiện trong xã hội cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ Chương trình. Mọi sự đóng góp về tiền bạc, vật chất đều là nguồn khích lệ, động viên to lớn để BHXH Việt Nam thực hiện Chương trình thêm sâu rộng, hỗ trợ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT; tiếp tục chữa trị, chiến thắng bệnh tật.

Theo Nguyễn Hoàng (Sức khỏe & Đời sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây