Cá là thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3, các vitamin B2, B12, vitamin D và các khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hoá. Tuy nhiên, một số loại cá chứa hàm lượng purin cao, là yếu tố nguy cơ làm tăng nồng độ axit uric trong máu dẫn đến cơn gút cấp. Do đó người bệnh gút nên lựa chọn những loại cá được phép bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày.
Cá hồi là một trong những loại cá có hàm lượng purin phù hợp với người bệnh gút. Ảnh: All Recipes
Ngoài việc cơ thể tự sản sinh thì purin cũng có thể tích tụ qua những thực phẩm như cá. Mỗi loại cá có chứa hàm lượng purin khác nhau, vì vậy, nếu ăn quá nhiều sẽ góp phần tích tụ purin trong cơ thể và gây ra cơn đau gút.
Những loại cá có hàm lượng purin dưới 100mg/100g khẩu phần ăn người bệnh gút nên ăn gồm: cá lăng, cá trích, cá hồng, cá hồi, cá basa và cá rô. Một số loại cá nên ăn vừa phải (có hàm lượng purin từ 100mg đến 400mg/100g khẩu phần): cá chép, cá bơn, cá tuyết, cá vược.
Bên cạnh đó, người bị gút nên tránh ăn cá có hàm lượng purin cao, trên 400mg/100g khẩu phần như cá cơm, cá ngừ, cá thu, cá mòi và các loại hải sản: tôm, cua, sò điệp,... Dung nạp quá nhiều những loại thực phẩm này sẽ có nguy cơ bùng phát cơn gút cấp.
Mẹo chế biến món cá cho người bệnh gút
Cách chế biến món cá cũng ảnh hưởng tới hàm lượng purin, trong đó các món luộc hoặc hấp có lợi cho người bị gút hơn các món cá nướng hoặc gỏi cá sống. Luộc hoặc hấp có thể làm giảm hàm lượng purin tổng thể của cá.
Nếu bị bệnh gút, nên chú ý việc lựa chọn và chế biến các loại cá khi ăn. Một số loại cá hoàn toàn có thể ăn được, một số loại nên ăn vừa phải và những loại khác tốt nhất nên tránh hoàn toàn. Không thể tránh được việc dung nạp các loại thực phẩm giàu purin như cá nhưng nếu giảm tần suất ăn những món này sẽ giúp bệnh nhân chung sống nhẹ nhàng hơn với gút.
Theo vnexpress.net
Link gốc: https://vnexpress.net/nguoi-benh-gut-nen-an-ca-gi-4462887.html