Kỳ 2: Triệt hạ rừng phòng hộ đầu nguồn để… trồng keo

Thứ hai - 18/04/2022 10:11
Hàng loạt cây gỗ có đường kính 30-60cm tại rừng phòng hộ đầu nguồn xã Hương Vĩnh, xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, rừng tự nhiên bị cạo trọc đến đâu thì cây keo được phủ đến đó. Đáng nói, sự việc xảy ra trong thời gian dài, tuy nhiên lực lượng bảo vệ rừng không có biện pháp xử lý triệt để, khiến dư luận bức xúc.
Phá rừng lấy gỗ, chiếm đất trồng keo

Được biết, Hương Khê là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, nhưng thời gian gần đây diện tích rừng của huyện này đang bị giảm dần bởi tình trạng lâm tặc vào chặt phá, đốn hạ những cánh rừng tự nhiên để lấy gỗ, làm trang trại, trồng keo tràm.
 
20220418007
Hàng loạt cây gỗ có đường kính từ 40 - 60 cm vừa bị lâm tặc đốn hạ.
 
Cụ thể, các khu vực như: Rào Trửa, Rào Cam (thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) và khu vực Khe Rò (thuộc xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang là những điểm nóng chặt phá rừng trái phép, khi hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị lâm tặc cày xới tan hoang. Rừng phá đến đâu, keo được trồng đến đó.

Vào sâu hơn trong rừng, nằm giữa một số cây dẻ, vải... còn sót lại là những khoảnh rừng bị phát "trắng", bên cạnh những gốc cây lớn bị đốn hạ đã mọc lên những cây keo non, còn thân gỗ nạc đã bị lâm tặc lấy đi. “Rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng giữ nguồn nước, chống sạt lở đất nên đa phần người dân ý thức không phá rừng, tuy nhiên nhiều kẻ vì lợi ích cá nhân đã nhẫn tâm tàn phá khu rừng. Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, xử lý không nghiêm nên họ không sợ…”. Một người dân bức xúc.
 
20220418008
Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá tan hoang...
 
Tại khu vực Rào Trửa, Rào Cam (thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) mức độ tàn phá rừng diễn ra kinh hoàng hơn khi có khoảng rừng rộng hàng chục hecta đã bị cưa hạ, dọn dẹp "sạch sẽ" để lấy đất trồng keo. Hiện, vết tích của rừng chỉ còn là những gốc cây lớn 20 - 60cm, có nơi còn nguyên thân cây dài hàng chục mét chưa được chở đi. Thay cho những cây rừng tự nhiên vừa bị đốn hạ là cả rừng keo non vừa được trồng.

Để vào được khu vực rừng bị tàn phá này, chúng tôi được người dân dẫn băng qua các rừng keo bạt ngàn mà đất bên dưới chúng còn nhiều gốc cây lớn, nhỏ đã bị chặt phá, đốt dọn, rải rác vẫn có những gốc cây to cả người ôm không xuể đã bắt đầu mục nát. “2 năm trước, đây là rừng tự nhiên nhưng cũng bị chặt phá, phát dọn trái phép rồi trồng lên rừng keo mà không thấy ai xử lý…”. Người dẫn đường cho hay.
 
20220418009
Rừng phòng hộ đầu nguồn bị cạo trọc tới đâu, keo con mọc lên tới đó.

Cơ quan chức năng nói gì

Trước tình trạng lâm tặc chặt phá rừng đầu nguồn đáng báo động tại các khu vực như: Rào Trửa, Rào Cam (thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) và khu vực Khe Rò (thuộc xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh), phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo sự việc tới lãnh đạo UBND huyện Hương Khê.
 
20220418010
Những gốc cây to cả người ôm không xuể đã bắt đầu mục nát.
 
Qua điện thoại, ông Ngô Xuân Ninh – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết: “Cảm ơn đồng chí đã thông tin, chúng tôi sẽ triển khai họp giữa các bên liên quan, đồng thời sẽ triển khai lực lượng vào ngay các khu vực rừng bị phá để điều tra, làm rõ…”.

Liên quan đến vấn nạn trên, ông Nguyễn Thượng Hải - Trưởng BQL Rừng Phòng hộ Hương Khê, cho hay: “Thật ra giờ là trách nhiệm chung, kiểm lâm cũng không làm ngơ, mà chủ rừng càng không làm ngơ. Còn các hình ảnh đây (PV cung cấp) thì khẳng định là không phải của đơn vị. Thực ra, đơn vị chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ) chỉ quản lý trong ranh giới của mình được giao thôi. Còn đằng ngoài thực ra thì không phải không quan tâm, mà là không được phép quan tâm. Vẫn quan tâm nhưng mà rõ thì không được rõ lắm… nhưng theo mô tả của các đồng chí thì diện tích rừng bị phá đó là do xã quản lý…”.
 
20220418011
Lâm tặc dùng trâu mộng kéo gỗ ra khỏi rừng.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hào – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, thông tin: “ Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các đồng chí, tôi đã triển khai lực lượng vào hiện trường kiểm tra. Sau đó, anh em đã phát hiện một số cây gỗ bị lâm tặc chặt phá và đã chụp ảnh gửi về cho tôi. Nguyên nhân rừng bị chặt phá là do việc giao, khoán rừng phòng hộ cho người dân quản lý, chăm sóc…”.
 
20220418012
Một cây gỗ được lâm tặc đánh dấu chủ quyền...
 
Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong việc để lâm tặc triệt hạ nhiều diện tích rừng đầu nguồn, ông Hoàng Quốc Huấn - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, nhìn nhận: “Nói thật, đây là tình hình chung rồi, tôi sẽ xem mức độ xảy ra như thế nào, có sự tiếp tay hay không? Nếu có, tôi hứa tôi sẽ cho kỷ luật ngay. Tuy nhiên, để vào cuộc triệt để thì tôi nghĩ vô cùng khó, dân thì rứa (thế) em nà, rừng mênh mông, chặn đàng ni (này) nó đi đàng khác, nó làm đủ kiểu. Về luật, rõ ràng 1 cây gỗ bị chặt không có thủ tục, đảm bảo mình vẫn có trách nhiệm, chứ đừng nói bao nhiêu cây? Với chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu tôi xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo kiểm tra trực tiếp, cụ thể. Nếu sai, xử lý nghiêm, bất kể là ai…”.
 
20220418013
Phóng viên đang làm việc với ông Nguyễn Thượng Hải - Trưởng BQL Rừng Phòng hộ Hương Khê.

Để phá được những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn với diện tích lớn không phải là điều dễ dàng, vì vậy vấn đề mà người dân bức xúc cần làm rõ là những ai đã đứng sau làm điều này? Nhưng điều đau xót hơn là hàng chục ha rừng tự nhiên nghìn năm chắn lũ, giữ nước cho người dân miền núi xã Hương Vĩnh, Phú Gia và hạ lưu đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc để lấy gỗ, biến rừng tự nhiên thành “rừng trồng” keo, hậu quả này biết bao giờ gánh hết./.

Trần Quốc - Hà Phương
Theo tamnhin.trithuccuocsong.vn
 
Link gốc: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/ky-2-triet-ha-rung-phong-ho-dau-nguon-de-trong-keo-120397.html?fbclid=IwAR1aD8mT1QsUAW4sFrXVHaqJ28t3HeO5esGl5ep3EbIWcICpgT4VWcm4Al0

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây