Hơn nửa năm sau lũ, hàng chục hộ dân vẫn sống cảnh"màn trời chiếu đất"

Thứ năm - 14/03/2019 08:06
Đã hơn nửa năm, sau khi thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng “khủng khiếp”, hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại các bản làng vùng sâu của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn trong tình trạng “màn trời chiếu đất.
Hàng chục hộ dân đang phải sống trong những căn lều tạm bợ bên dòng sông Nậm Nơn
Hàng chục hộ dân đang phải sống trong những căn lều tạm bợ bên dòng sông Nậm Nơn
 

Vượt quãng đường gần 200km từ TP. Vinh, chúng tôi có mặt tại khu vực sông Nậm Nơn, đoạn qua xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Những căn nhà kiên cố bên dòng Nậm Nơn trước đây hiện chỉ còn là những đống đổ nát, hoang tàn. Nguyên nhân là sau khi thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng “khủng khiếp” vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9.2018 đã khiến 34 hộ dân ở bản Lạ, bản Minh Phương, bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh) bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhà cửa.

Từ đó đến nay, những hộ dân này với hàng trăm nhân khẩu vẫn phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.

Cảnh tượng hoang tàn sau lũ
Cảnh tượng hoang tàn sau lũ
Cảnh tượng hoang tàn sau lũ.

Ông Vi Văn Chắn (SN 1969), ở bản Xốp Mạt lo lắng: “Đất không có nên muốn tháo căn nhà ni dời đi chỗ khác mà không có chỗ ở nên gắng gượng ở tạm đây thôi”.

Ông Chắn kể, trước đây ở bên kia sông nhưng vì không có đất nên đành di dân tự do sang đây lấy mép sông này dựng nhà để ở. Không ngờ giữa năm ngoái thủy điện xã lũ, căn nhà của gia đình suýt bị lũ cuốn trôi.

“Giờ biết ở đây là phó mặc cho hà bá nhưng đi thì cũng không biết ở mô", ông Chắn mong nhà nước sau này cho đất dựng nhà mới, còn không cũng phải bám trụ.

Không có đất để di dời, ông Chắn đành “phó mặc” số phận căn nhà có thể đổ sập xuống sông Nậm Nơn bất cứ lúc nào
Không có đất để di dời, ông Chắn đành “phó mặc” số phận trong căn nhà có thể đổ sập xuống sông Nậm Nơn bất cứ lúc nào.

Cách đó không xa, hơn 30 hộ dân trên địa bàn xã Lượng Minh nhà cửa bị lũ cuốn trôi. Nhiều hộ dân đành phải dựng lán, trại ở tạm bên các sườn núi hoặc bên đường đi vì khu quy hoạch tái định cư chưa hoàn thành. Trong khi đó, một số hộ khác vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân.

Trong chiếc lều dựng tạm nằm cheo leo bên sườn núi là nơi che mưa, che nắng của gia đình bà Lô Thị Nhường (SN 1964) ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh. Tết Nguyên Đán vừa qua, gia đình bà Nhượng cùng nhiều hộ dân khác đành phải ăn Tết ở những túp lều tạm này.

Bế đứa cháu nhỏ đang khóc thét, bà Nhượng than thở: “Chú xem, sống dưới chân đập thủy điện lớn khi nào họ xã lũ là gia đình tôi phải chạy lũ. Năm nay chạy được người và di dời đồ đạc xong thì lũ về cuốn trôi mất nhà. Gần nửa năm qua, cả gia đình 3 thế hệ chúng tôi phải sống cuộc sống tạm bợ. Mình sống khổ quen rồi nhưng thương nhất là mấy đứa cháu nhỏ. Không biết khi trời mưa bão sẽ ra sao”.

Trong những ngày tết nguyên đán, Bà Lô Thị Nhường cùng con, cháu phải đón Tết trong những túp lều tạm bợ
Trong những ngày tết nguyên đán, Bà Lô Thị Nhường cùng con, cháu phải đón Tết trong những túp lều tạm bợ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Cụt Xuân Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: "Phương án di dời tái định cư thì có rồi nhưng họ chưa làm mặt bằng. Người dân thực sự vất vả, họ đang làm lều, dựng lán và mượn chỗ ở tạm, cũng không biết tỉnh, huyện làm răng đây (làm thế nào đây - PV). Địa phương sở tại thì cũng không hỗ trợ được gì, vì liên quan đến mặt bằng, tiến độ mặt bằng chưa thống nhất, chưa giải quyết dứt điểm được đền bù.

Chúng tôi chỉ vận động tháo nhà, tháo cửa bước đầu. Còn về phía thủy điện cũng đã hỗ trợ một gia đình 50 triệu đồng để di dời, cộng với 20 triệu đồng mỗi hộ trích từ ngân sách huyện".

ANH ĐỨC
 
Theo Lao Động
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây