Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu
Một chân lý giản đơn
Cán bộ, đảng viên là một bộ phận của Nhân dân làm chủ nước nhà, có vinh dự vô cùng cao quý là đày tớ của Nhân dân, được Đảng, Chính phủ, Nhân dân rèn luyện, tin cậy và yêu mến như vốn liếng quý báu nhất của cách mạng. Cán bộ, đảng viên là những người tham gia gánh vác nhiệm vụ cải tạo xã hội, làm cho đất nước tốt đẹp. Họ là những người cách mạng. Mà cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt.
Người cách mạng - “đày tớ” - là phải làm, chứ không thể nói suông. Chân lý là cụ thể. Thực tiễn, hiệu quả việc làm là thước đo chân lý. Đảng viên là những người “đi trước” nên càng phải làm, phải tự cải tạo, tự nâng cao mình. Muốn cải tạo xã hội mà lòng mình không cải tạo, không kiên quyết làm, hoặc làm qua loa đại khái thì không xứng đáng là người cách mạng. Bác chỉ ra rằng nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Nếu miệng tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung; bảo người ta liêm, mà mình bất liêm; bảo người ta chính, mà mình tà, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.
Muốn tiến bộ thì phải học tập. Trong học có làm, trong làm có học. Muốn làm tốt phải học tốt. Muốn học tốt phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Học là để biết lý luận. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận thì cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Nhưng lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận như cái tên. Thực hành như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, nói trôi chảy để lòe thiên hạ mà không áp dụng vào thực tế, không làm, thì đó là “cái hòm đựng sách”, là lý luận suông, vô ích. Tách lý luận ra khỏi thực hành thì không phải là người biết lý luận.
Việc học tập Bác hiện nay vẫn phải luôn luôn quán triệt học đi đôi với làm. Nhiều cán bộ hiện vẫn còn hời hợt, lơ mơ trong việc học tập Bác. Họ tự cho mình biết cả rồi, hiểu hết rồi. Hiểu mà không làm theo gương Bác, sao gọi là hiểu? Không nhận thức đúng, hiểu thấu, làm sao mà làm đúng, làm tốt? Bác dạy rằng bệnh chủ quan là một khuyết điểm về tư tưởng. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông. Cán bộ chủ quan thường nghĩ rằng cứ làm theo ý mình, có gì mà sợ, nên “chưa chết về thể xác đã chết về chính trị, đạo đức” (ý của Lênin).
Nếu cán bộ chịu khó học Bác thì sẽ biết Bác dạy: Mỗi ngày cố làm một việc - dù nhỏ - có lợi cho nước, cho dân, thì một năm làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to. Bác dạy người có quyền: Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”; có quyền mà không có đạo đức thì dễ trở nên hủ bại, hủ hóa, biến thành sâu mọt của dân.
Cán bộ, đảng viên đừng xem thường việc học Bác. Thực hành, hoạt động thực tiễn phải có lý luận chân chính hướng dẫn, nếu không sẽ thành thực tiễn mù quáng, dẫn đến làm bậy, có hại cho nước, cho dân.
Học Bác, điều cốt yếu nhất là làm thật sự theo gương Bác
Nói “học Bác, điều cốt yếu nhất là làm thật sự theo gương Bác”, tức là còn những điều quan trọng thứ hai, thứ ba… nhưng làm thật sự theo gương Bác là quan trọng nhất. Mặt khác phải hiểu “làm theo” không phải là bắt chước, mà là kiên định, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng lúc, từng nơi. Đặc biệt là “làm theo gương Bác” tức là làm có lý luận chân chính soi đường, không phải làm một cách hình thức, tự phát, hồ đồ, mù quáng.
Bác Hồ là một vĩ nhân, một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hóa kiệt xuất. Ở Người, lời nói luôn luôn đi đôi với hành động, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói là để làm. Người để lại cho Đảng và dân tộc kho tàng đầy của báu, đó là lý luận giải phóng - phát triển và tấm gương đạo đức sáng ngời. Nói đến Người là nói về một nhân cách văn hóa cao đẹp với ham muốn tột bậc và chung thủy với ham muốn ấy, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác Hồ trở thành một nhân vật huyền thoại ngay khi còn sống; một con người kỳ lạ, hiếm thấy bởi sự rèn luyện, tu dưỡng nhân cách của Người đã đánh bại sự tha hóa về quyền lực.
Học Bác là phải trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Thoát ly thực tiễn, thoát ly cuộc sống, thoát ly xu thế đổi mới của đất nước và diễn biến của thời đại, nhất là thoát ly tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân, thì sự học tập đó vô ích, rất nguy hại cho cách mạng.
Tính từ Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27-3-2003 đến Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07-11-2006; Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011; Chỉ thị 05-CT/TW ngày15-5-2016; Kết luận 01-KL/TW ngày 18-5-2021 đến năm 2024 là 21 năm. Theo tinh thần các Chỉ thị của Trung ương, tất cả cán bộ, đảng viên đều đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu làm đúng như vậy, chắc chắn sẽ không có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những năm qua, nhiều cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp chiến lược, đứng đầu bị kỷ luật đảng, bị truy tố, dính vào vòng lao lý. Những cán bộ đó chắc chắn bị dẫn dắt bởi danh lợi; họ làm trong tư thế “tù binh” của quyền lực, của đôla, làm theo cá nhân chủ nghĩa, nên họ rơi xuống dốc, không thể cứu vãn.
Làm theo gương Bác, tức là làm dưới sự soi sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, kim chỉ nam cho hành động, cẩm nang thần kỳ, mặt trời soi sáng công cuộc đổi mới. Bác là một tấm gương lớn, tỏa sáng trên các lĩnh vực, có những lĩnh vực thuộc về trí tuệ của vĩ nhân, nhưng nhiều lĩnh vực gắn với đời sống hằng ngày như cơm ăn, nước uống, không khí để thở. Bác là lãnh tụ của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ.
Vì vậy, quan trọng nhất, cốt yếu nhất trong làm theo gương Bác là hằng ngày, suốt đời làm việc phải tận tâm, tận lực, tận hiến, đặt lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc lên trên hết, lên trước hết, không dính líu gì với vòng danh lợi. Việc gì có lợi cho dân - dù nhỏ mấy - cũng phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân - dù nhỏ mấy - cũng phải hết sức tránh. Phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa. Chỉ có như vậy, việc học tập Bác mới có hiệu quả thiết thực, đem lại niềm tin của Nhân dân vào Đảng.
Cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu, nếu không chịu rèn luyện, tu dưỡng, tu thân chính tâm hằng ngày, suốt đời, chiến thắng cái xấu, cái ác, giặc trong lòng, vượt qua sự cám dỗ của danh lợi, tiền tài để hoàn thiện mình thì sớm hay muộn không tránh khỏi tai họa. Đó là vấn đề có tính quy luật đối với cá nhân, dân tộc và Đảng như Bác Hồ đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672). Đảng cầm quyền và mỗi đảng viên, cán bộ phải ghi tạc vào đầu lời dạy vàng ngọc đó của Bác./.