Hà Tĩnh: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ trong dịp Tết

Thứ hai - 23/12/2024 13:45
Để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Hà Tĩnh) khuyến cáo các lực lượng bảo vệ chợ, các hộ tiểu thương và người dân trên địa bàn cần tuân thủ thực hiện nghiêm hành quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
d2024122307
Thời điểm cuối năm, các hộ tiểu thương sẽ tích trữ một số lượng hàng hóa rất lớn tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ xảy ra cháy.

Theo đó, trong thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tại tất cả các chợ, các hộ tiểu thương sẽ tích trữ một số lượng hàng hóa rất lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cùng với đó là ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị quản lý, tiểu thương và người dân chưa cao, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Khi xảy ra cháy, do hầu hết các ki-ốt liền kề nhau, lượng lớn hàng hóa nhiều dễ gây ra cháy lan sang khu vực xung quanh làm cháy lớn; việc bố trí hàng hóa cản trở đường thoát nạn dễ dẫn đến có người bị mắc kẹt trong đám cháy.

Để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội sắp tới, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Hà Tĩnh) khuyến cáo các lực lượng bảo vệ chợ, các hộ tiểu thương và người dân mua bán trong chợ cần thực hiện các nội dung như:

Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện và duy trì công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chợ, nhất là vào thời gian cao điểm, tập trung nhiều hàng hóa, đông người, ngoài giờ làm việc (sau khi ngừng kinh doanh) để phát hiện và xử lý kịp thời những sơ hở, thiếu sót phòng cháy chữa cháy về, đặc biệt chú trọng là việc sắp xếp hàng hóa, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được phổ biến, niêm yết tại các khu vực, vị trí dễ thấy để tiểu thương và người dân biết, thực hiện. Bảo vệ chợ phải ngắt tất cả các nguồn điện trong sau khi hết giờ kinh doanh, ngoại trừ nguồn điện bảo vệ (có quy định thời gian ngắt và bật nguồn điện trong nội quy phòng cháy chữa cháy). Nghiêm cấm việc lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng trong khu vực chợ, lực lượng bảo vệ chợ đột xuất, định kỳ kiểm tra việc chấp hành của các tiểu thương để có biện pháp xử lý các cá nhân vi phạm. Lực lượng bảo vệ chợ phải thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và biện pháp phòng ngừa cháy, nổ đến các tiểu thương qua loa phát thanh của chợ; thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, vận động tiểu thương trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ và hướng dẫn cách sử dụng để các tiểu thương nắm được và chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Định kỳ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng bổ sung nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi hệ thống, thiết bị điện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; phải tách riêng nguồn điện kinh doanh, chiếu sáng và phòng cháy chữa cháy; quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện tại các hộ kinh doanh, không để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn sử dụng điện.

Bố trí khu vực để xe của người dân, khu vực xuất, nhập hàng hóa; khu vực bán hàng riêng theo từng nhóm mặt hàng kinh doanh có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác nhau để loại trừ nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Kiểm tra, yêu cầu tiểu thương bố trí, sắp xếp hàng hóa trong khu vực kinh doanh, kho chứa bảo đảm theo quy định, không lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn, kiên quyết xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm đường giao thông, lối thoát nạn, khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.

Kịp thời bổ sung, thay thế các phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã hư hỏng và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống, phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy để luôn luôn đảm bảo phương tiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy luôn đảm bảo chất lượng và hoạt động tốt, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố cháy, nổ, xử lý nhanh khi có cháy, nổ xảy ra.

Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số máy 114 hoặc báo cho Chính quyền, Công an nơi gần nhất, đồng thời tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
Phương Dung
Theo Báo Xây dựng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây