Sạt lở nghiêm trọng
Theo ghi nhận của PV, tình hình sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Tại thôn Tam Hải, xã Kỳ Ninh, sạt lở làm một lượng lớn diện tích rừng phi lao, đất sản xuất hoa màu của người dân bị sóng biển cuốn trôi.
10 km bao quanh thôn Tam Hải II thuộc xã Kỳ Ninh bị sạt lở nghiêm trọng. |
Xã Kỳ Ninh có hàng chục km bờ biển với hàng nghìn hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ, trồng hoa màu trên những vùng độn cát.
Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu làm cho thời tiết diễn biến thất thường, sóng lớn liên tục ập vào bờ khiến dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, đất canh tác và nhà ở của người dân ngày một thu hẹp dần, nhất là khu vực này lại gần quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đền Bà Hải.
Bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Tam Hải cho rằng, chưa bao giờ chứng kiến sóng biển dữ dằn, tàn phá đến vậy. Đặc biệt là cơn bão số 10 vừa qua.
“Vài năm trở lại đây, sạt lở đã nuốt hàng trăm hecta đất của người dân và rừng phi lao chắn sóng ra biển bị cuốn trôi. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại mất ăn mất ngủ vì lo sợ nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi ra biển”, bà Thanh nói.
Khu vực này trước đây là những cánh rừng phi lao bạt ngàn nay chỉ còn vài cây con còn sot lại. |
Ông Hoàng Quốc Thảnh (trưởng thôn Tam Hải II, xã Kỳ Ninh) cho hay, từ thời điểm cơn bão có cường độ tàn phá mạnh như bão số 10 thì bờ biển tại xã đã bị ăn sâu vào trên 80m, cả một rừng phi lao chắn gió, giữ đất hàng chục năm tuổi đã bị cuốn trôi hết.
"Khu vực cửa biển nơi các con thuyền của ngư dân đi đánh cá vùng lộng về giờ đây rất khó khăn khi vào bờ vì các gốc cây và cát trên bờ theo dòng hải lưu cuốn xuống bồi lắng, nếu muốn vào bờ thì phải chờ thủy triều lên.
"Tại khu di tích lịch sử đền Bà Hải chỉ cách nơi sạt lở khoảng mấy trăm mét, nếu như không có giải pháp hữu hiệu thì chỉ trong nay mai thôi nước biển sẽ cuốn trôi đi hết. Giờ người dân chỉ mong nhà nước sớm triển khai công tác kè chắn biển để yên tâm và khu di tích đền Bà Hải không bị sạt lở đe dọa", ông Thảnh nói.
Theo Trưởng thôn Tam Hải II, nếu chính quyền không có giải pháp kịp thời thì ngôi đền Bà Hải có nguy cơ bị xóa sổ do sạt lở. |
Ngư dân gặp nhiều khó khăn
Thời điểm này, đang là mùa đánh bắt hải sản chính trong năm nhưng nhiều tàu, thuyền đánh cá của bà con ngư dân các xã vùng biển tỉnh Hà Tĩnh gặp khó khăn trong việc ra khơi do các cửa biển bị cát bồi lấp, mực nước quá cạn.
“Để đưa được hải sản vào bờ thì bà con chúng tôi phải thuê người chuyển hải sản đánh bắt được sang một con thuyền nhỏ, còn tàu lớn . Nếu cho tàu lớn thì phải chờ nước thủy triều lên”, một ngư dân tại xã Kỳ Ninh chia sẻ.
Ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết, xã Kỳ Ninh bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu, Kỳ Ninh vừa bị sạt lở mất đất, vừa bị cát bồi lắng khiến tình hình tiêu thụ hải sản của người dân gặp nhiều khó khăn.
Mỗi năm, xã Kỳ Ninh mất khoảng 2-3m đất do bị nước biển xâm thực. Nếu không được các cơ quan tìm giải pháp khắc phục thì phần lớn đất tại xã Kỳ Ninh có nguy cơ bị cuốn trôi hết.
"Việc sạt lở cộng thêm bồi lấp khiến dòng chảy bị thu hẹp lại, tàu thuyền đánh bắt hải sản không thể vào bờ được, nếu muốn đưa hàng hóa vào thì phải chờ thủy triều lên hoặc phải chạy vòng sang cảng Vũng Áng. Việc này rất ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm của bà con ngư dân", ông Đường cho biết.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh: Trong báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2018 của đơn vị cho biết, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá bị bồi lắng nghiêm trọng và ngày càng nhanh, nhưng hiện nay mới chỉ có cảng cá Cửa Sót được nạo vét còn các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão khác chưa được thực hiện.
Để tàu cá ngư dân dễ dàng cập cảng và tránh trú bão an toàn thì Ban quản lí các cảng cá Hà Tĩnh đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương cho phép thực hiện nạo hút luồng theo hình thức xã hội hóa đối với những tuyến luồng có thể thực hiện xã hội hóa được, những tuyến luồng không thực hiện được xã hội hóa thì đề nghị UBND tỉnh đầu tư nạo vét luồng để tàu thuyền ra vào an toàn.
Nguồn tin: Infonet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn