Hạ tầng khu giết mổ và hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc tập trung đã xuống cấp.
Tay che mũi, tay cầm chổi quét vội những chiếc lá trước cổng nhà, ông Lê Anh Xuân ở tổ liên gia 3, khối 10, phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) ngán ngẩm trước tình cảnh luôn phải sống như bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ lò giết mổ tập trung nằm trên địa bàn.
“Tình trạng này diễn ra hơn 10 năm nay. Môi trường sống của chúng tôi nơi đây đang bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người, nhất là đối với các cháu nhỏ. Sự việc đã được báo cáo lên các ngành chức năng nhưng đợi mãi vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm, nên chúng tôi đành phải “sống chung với lũ” khổ lắm”, ông Xuân cho biết.
Theo ghi nhận của PV, không riêng gì ông Lê Anh Xuân, hàng trăm hộ dân thuộc các tổ liên gia 3, 4, 5 bị ảnh hưởng ô nhiễm từ lò mổ. Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Cụt, đen ngòm, bẩn thỉu làm ảnh hưởng đến các tổ liên gia 9, 10 khiến những hộ dân sống xung quanh lò mổ này rất bức xúc.
Vén chiếc màn luôn “kín cổng cao tường” mời chúng tôi vào nhà, bà Nguyễn Thị Hưng, tổ trưởng tổ liên gia 3 bức xúc: “Nhiều năm nay, chúng tôi phải sống chung với mùi hôi thối, đặc biệt là vào mùa hè. Mỗi lần ăn cơm hay cúng kỵ có mời khách về nhà là ruồi nhặng bâu đen không ăn được. Phải bưng cơm vào trong mùng mới ăn nổi…”
“Lò mổ ô nhiễm đã đành, lại thêm chợ gia cầm trái phép kéo theo nhiều loại xe chở trâu, bò, lợn, gà tấp nập qua đây, khiến tình hình càng tồi tệ. Khu vực này đã có 17 người bị bệnh ung thư, chúng tôi thực sự lo lắng và đã nhiều lần kiến nghị chính quyền nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển” mà thôi”, bà Hưng lo lắng.
Điều đáng nói, mặc dù cơ sở giết mổ này không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nhưng hàng ngày vẫn tấp nập các “con buôn” ra vào lấy hàng để cung cấp cho các chợ, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn TP. Hà Tĩnh gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua tìm hiểu được biết, chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2007, dưới sự quản lý của Ban quản lý chợ Hà Tĩnh. Hiện nay, cơ sở chỉ còn 2 hộ hoạt động với công suất từ 300 – 350 con/ngày. Mặc dù ở Sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng nước thải ra được xử lý không đảm bảo quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, quá trình hoạt động chưa thực hiện đúng các giải pháp bảo vệ môi trường, lưu giữ chất thải rắn (lông, bộ phận thải bỏ của gia cầm) chưa đảm bảo…
Bên cạnh đó, cơ sở giết mổ gia súc tập trung của ông Trương Hữu H. được xây dựng trên diện tích 2.490m2, quy mô giết mổ 70 – 100 con lợn/ngày, 15 – 25 con trâu, bò/ngày. Dù đầu tư các hạng mục xử lý nước thải như: hầm lắng nước thải, hồ sinh học, bể biogas… nhưng hiện nay đã xuống cấp. Thậm chí, cơ sở giết mổ gia súc còn lưu giữ chất rắn chưa đảm bảo, như: khu vực tập kết phân tại phía Bắc và phía Nam chưa có mái che; một số chất thải như lông, móng còn để ngoài vị trí tập kết; bể biogas xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả, xử lý nước không đảm bảo quy chuẩn…
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Tĩnh, mặc dù các chủ cơ sở đã quan tâm đầu tư công nghệ xử lý nước thải nhưng chưa hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, tuy chưa lập đoàn liên ngành nhưng thành phố thường xuyên xuống kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở xử lý các vi phạm. Chủ trương của thành phố là sẽ di dời lò mổ nhưng đến nay vẫn chưa tìm được địa điểm thích hợp.
Với thực trạng nhức nhối này, người dân mong muốn thành phố Hà Tĩnh nhanh chóng có kế hoạch, triển khai di dời lò mổ đến khu vực mới nhằm đảm bảo môi trường cuộc sống trong lành cho người dân.